Nhiều doanh nghiệp địa ốc có hy vọng được "cứu"
Trước đó, hồi nửa đầu tháng 12/2022, Bộ Tài chính đã có văn bản gửi Hiệp hội thị trường trái phiếu Việt Nam về việc lấy ý kiến sửa đổi Nghị định số 65 về phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ với 3 kiến nghị chính.
Thứ nhất, giãn thời gian thực hiện trong vòng 1 năm đối với quy định về xác định tư cách nhà đầu tư chứng khoản chuyên nghiệp tại Nghị định số 65.
Thứ 2, giãn thời gian thực hiện trong vòng 1 năm đối với quy định yêu cầu xếp hạng tín nhiệm bắt buộc và quy định giảm thời gian phân phối trái phiếu tại Nghị định số 65.
Thứ 3, cho phép các trái phiếu đã phát hành trước đây được kéo dài kỳ hạn của trái phiếu.
Theo SSI Research, nếu các đề xuất này được thông qua, nhiều doanh nghiệp địa ốc trên thị trường sẽ có hy vọng được "cứu".
"Kỳ vọng được đẩy lên cao khi Chính phủ đang có những động thái thực tế hơn nhằm tháo gỡ khó khăn cho thị trường vốn, cụ thể là chuyển biến tích cực từ quá trình sửa đổi Nghị định 65, nhưng đây cũng không phải là câu chuyện một sớm một chiều có thể giải quyết được", chuyên gia SSI Research, bình luận.
Trong khi đó, phía công ty Chứng khoán VCBS không đánh giá cao kịch bản nhà đầu tư trái phiếu chuyên nghiệp sẽ sớm quay trở lại thị trường trong năm nay.
Cụ thể, VCBS đưa ra dự báo quy mô thị trường TPDN năm 2023 tiếp tục thu hẹp do một số nguyên nhân.
Quy mô dư nợ thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) hiện chưa tới 15% GDP. Trong đó, riêng TPDN riêng lẻ khoảng 12,5% GDP (khoảng 1,19 triệu tỷ đồng), còn khá khiêm tốn so với các nước trong khu vực và cũng cách xa mục tiêu đề ra vào năm 2025.
Thứ nhất, lượng trái phiếu đáo hạn lớn trong khi khả năng phát hành mới, phát hành tái cơ cấu bị hạn chế đáng kể với Nghị định 65. Đồng thời chi phí phát hành mới duy trì ở ngưỡng cao.
Thứ hai, lượng trái phiếu mua lại trước hạn cũng sẽ tiếp tục làm giảm quy mô chung của thị trường.
Bên cạnh đó, áp lực đáo hạn trung hạn với thị trường do khối lượng đáo hạn lớn, khả năng phát hành mới thấp và xu hướng tăng lãi suất vẫn hiện hữu.
"Khối lượng TPDN đáo hạn trong năm 2023 ước tính 250.000 tỷ đồng , suy giảm đáng kể so với thời điểm quý III/2022 do việc chủ động mua lại trước hạn. Trong đó, đáng chú ý, giá trị mua lại ngành ngân hàng và bất động sản trong quý 4 lần lượt đạt 35.000 tỷ và 24.000 tỷ đồng", VCBS ước tính.
Nhiều kiến nghị với thị trường trái phiếu doanh nghiệp
Trước đó, trong văn bản góp ý về dự thảo sửa đổi, bổ sung Nghị định số 65, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp VN (VCCI) cũng nhận định việc yêu cầu xếp hạng tín nhiệm bắt buộc là cơ sở quan trọng để làm lành mạnh hóa và tăng cường lòng tin của thị trường, đưa thị trường trái phiếu Việt Nam tiệm cận với chuẩn mực quốc tế.
Tuy nhiên, vấn đề xếp hạng tín nhiệm từ trước đến nay vẫn gặp tình trạng "con gà quả trứng" - khi chưa có cầu thì rất khó có cung, và khi chưa có cung rất khó quy định bắt buộc.
Do đó, nếu áp dụng ngay lập tức quy định xếp hạng tín nhiệm bắt buộc kể từ đầu năm 2023 sẽ gây nhiều khó khăn cho việc phát hành trái phiếu vì các đơn vị cung cấp dịch vụ chưa đủ sức phục vụ một lượng lớn khách hàng như hiện nay. Nhưng nếu lùi thời hạn áp dụng đến đầu năm 2024 thì có thể sẽ lặp lại tình trạng này nếu như trong năm 2023 không có đơn vị phát hành nào sử dụng dịch vụ.
Vì vậy, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc phương án khoanh định riêng một số DN phát hành buộc phải có xếp hạng tín nhiệm trong năm 2023, sau đó đến năm 2024 mới áp dụng đại trà.
Trong khi đó, tại buổi họp báo Chính phủ chiều tối ngày 2/2 vừa qua, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho biết, hiện Bộ Tài chính đã tổng hợp và xin ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp theo quy trình, quy định và đang trong quá trình hoàn chỉnh bộ hồ sơ dự thảo nghị định sửa đổi, bổ sung một số nội dung của Nghị định 65 để trình Chính phủ.
Dự kiến, Bộ Tài chính sẽ trình Chính phủ dự thảo nghị định sửa đổi, bổ sung một số nội dung của Nghị định 65 trong đầu tuần tới.
Đơn vị nghiên cứu tài chính FiinRatings vừa phát hành báo cáo "Nhìn lại 2022 và Triển vọng thị trường vốn 2023" của Việt Nam cho thấy, đòn bẩy tài chính của các doanh nghiệp bất động sản phát hành trái phiếu doanh nghiệp chưa niêm yết ước tính có thể còn cao hơn và rủi ro hơn nữa trong năm 2023.
Cụ thể, FiinRatings nhận định, các doanh nghiệp bất động sản buộc phải duy trì đủ dòng tiền cho các dự án (thường kéo dài 3-5 năm, tùy thuộc quy mô) do đặc thù thâm dụng vốn, nhưng do dòng tiền suy giảm sẽ ảnh hưởng đến khả năng trả nợ của các doanh nghiệp này.
Trong 2 năm tới, gánh nặng đáo hạn của ngành bất động sản sẽ lên tới 230,86 nghìn tỷ đồng, chiếm 35,2% tổng giá trị đáo hạn toàn thị trường. Trong khi đó, phần lớn các trái phiếu trên được phát hành với thời gian đáo hạn từ 3,5 năm trở xuống, cho thấy nhu cầu vay vốn để tái cấp vốn của ngành là rất lớn.
"Các doanh nghiệp sẽ buộc phải dựa vào dòng tiền hiện có hoặc tiếp cận các nguồn vay bên ngoài rủi ro hơn. Do thiếu vốn triển khai dự án trong khi doanh số sụt giảm, nhiều doanh nghiệp đã tính đến các phương án tái cơ cấu nợ như: Gia hạn nợ, chuyển đổi gói vay với lãi suất mới; mua lại trái phiếu; trả nợ trái phiếu bằng bất động sản", báo cáo nêu.