Sàn Binance đã bị tê liệt trong hơn 1 tiếng đồng hồ sau cú trượt dài của Bitcoin cùng một số đồng tiền mã hoá khác vào ngày 19/5. Điều này khiến các nhà đầu tư không thể truy cập hay giao dịch với số tiền mã hoá họ đang có, và nhiều người thua lỗ hoặc bị thanh lý khoản đầu tư.
Fawaz Ahmed, nhà đầu tư 33 tuổi, có trong tay 1.250 đồng ethereum. Trong ngày 19/5, khi thấy ether đang có dấu hiệu xuống giá, Ahmed ngay lập tức truy cập ứng dụng để bán bớt số coin này nhằm giảm thiểu thiệt hại. Tuy nhiên, Binance đã bị nghẽn trong vòng 1 tiếng sau đó và anh không thể thực hiện bất kỳ thao tác gì. Cuối cùng, khoản đầu tư bị thanh lý vì khoản lỗ của anh đã vượt quá mức tài sản thế chấp.
"Đó là thời điểm tệ nhất cuộc đời tôi", Ahmed buồn bã chia sẻ.
Binance là một ông lớn trong giới crypto. Ảnh: chainbits. |
Do Binance là nền tảng chưa được chấp nhận tại nhiều quốc gia và cũng không có trụ sở cụ thể, những người dùng bị thiệt hại đang gặp nhiều khó khăn trong việc khiếu nại.
Một nhóm khoảng 700 người giao dịch ở Pháp đã làm việc với luật sư để yêu cầu được bồi thường. Luật sư của một nhóm khác ở Ý cũng đã gửi thư cho 11 địa chỉ Binance ở Châu Âu và 1 email cho tổng đài hỗ trợ để mong được xử lý.
Phát ngôn viên của Binance cho rằng những đợt biến động mạnh của thị trường, như ở ngày 19/5, đã gây ra tình trạng nghẽn cổ chai của hệ thống kỹ thuật. "Chúng tôi tìm cách liên lạc với những người dùng bị ảnh hưởng ngay lập tức, và sẽ vui vẻ thoả thuận các khoản bồi thường", người này chia sẻ.
Changpeng Zhao, nhà sáng lập Binance, cho biết sàn giao dịch của ông hoàn toàn tuân theo các quy định địa phương. Theo ông, việc một công ty bắt buộc phải có trụ sở là một suy nghĩ lỗi thời.
Giá trị thị trường tiền mã hoá tăng vọt vào đầu năm nay giúp Binance kiếm được hơn 2,5 nghìn tỷ USD thông qua các giao dịch, theo nhà cung cấp dữ liệu CryptoCompare. Vụ tê liệt vào tháng 5 cho thấy khả năng yếu kém của sàn khi phải xử lý một lưu lượng giao dịch lớn.
Nhà chức trách ở Nhật Bản và Cayman cho biết Binance không hề có giấy phép để hoạt động ở những vùng lãnh thổ này. Chính phủ Anh cũng có phát ngôn tương tự, sàn giao dịch vẫn chưa được phép tham gia vào các hoạt động tài chính.
Ở Mỹ, Binance không đưa người dùng trực tiếp đến trang chủ. Thay vào đó họ có một tên miền phụ Binance.us. Vì người dùng không thể giao dịch phái sinh chứng khoán khi truy cập qua tên miền này, Binance không cần phải đăng ký với Ủy ban Giao dịch Hàng hóa Tương lai của Mỹ.
Vụ việc đã khiến nhiều trader gặp tổn thất không ít. Ảnh: Forbes. |
Ông Zhao, một người Canada gốc Trung Quốc biết đến Bitcoin khi trò chuyện trong một ván bài poker. Forbes ước tính Zhao đang nắm trong tay khối tài sản hơn 1,9 tỷ USD.
Sau sự cố hôm 19/5, Aaron Gong, một quản lý của Binance đã trấn an khách hàng bằng một bài đăng xin lỗi trên Twitter. Anh hứa hẹn rằng các nhân viên sẽ nhanh chóng liên lạc và bồi thường cho người dùng chịu thiệt hại. Tuy nhiên, đoạn tweet đã bị xoá sau đó.
Theo các điều khoản của Binance, các khách hàng muốn được bồi thường phải gửi đơn lên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Hong Kong, một việc làm rất tốn kém.
Chính quyền nhiều nơi trên thế giới đang ra sức bãi bỏ Binance. Mới đây, sàn này vừa rút khỏi Ontario, Canada do làm trái với nhiều quy định địa phương. Theo Wall Street Journal, Binance vừa bổ sung thêm nhân viên để xử lý các vấn đề về pháp lý.
HẠ DU