Hướng về đỉnh cũ
Thị trường trong nước nối dài đà tăng sang phiên thứ 9 liên tiếp, đây cũng là chuỗi tăng dài nhất kể từ cuối tháng 11/2020. Dòng tiền có sự lan tỏa mặc dù thanh khoản phiên này giảm nhẹ so với phiên hôm qua nhưng vẫn cao hơn so với bình quân 22 phiên gần nhất. Bên cạnh đó, đóng góp vào đà tăng là việc khối ngoại duy trì mua ròng.
Đóng cửa phiên giao dịch ngày 5/8, chỉ số VN-Index tăng 10,81 điểm lên 1.345,55 điểm, trong đó, chỉ số VN30 tăng 14,26 điểm lên 1.486,46 điểm. Độ rộng thị trường nghiêng về bên mua, toàn thị trường có 262 mã tăng/116 mã giảm, ở rổ VN30 có 20 mã tăng, 8 mã giảm và 2 mã giữ tham chiếu.
HPG (+2.7%), GVR (+4.2%), VHM (+1.1%), VCB (+0.9%) là những mã tác động tích cực vào đà tăng của chỉ số. Nhóm Ngân hàng ghi nhận sự đồng thuận tăng giá ở nhiều cổ phiếu trong nhóm như: VPB, TPP, HDB, MBB, ACB tăng trên 1%. Đồng thời, nhóm Vật liệu Xây dựng ghi nhận phiên tăng mạnh trong 2 phiên gần đây gồm HPG, HSG, NKG. Đây cũng là nhóm ghi nhận kết quả kinh doanh ấn tượng trong quý 2 nhờ giá thép tăng cao.
Nhóm Mid-cap có mức tăng cũng khá ấn tượng nhờ 2 nhóm cổ phiếu Săm lốp (DRC, CSM) và Phân bón (BFC, DCM, DPM).
Khối ngoại đánh dấu chuỗi mua ròng phiên thứ 5 liên tiếp với hơn 1.133 tỷ đồng. Lượng mua ròng tập trung tại VHM (505 tỷ đồng), STB (195 tỷ đồng), SSI (151 tỷ đồng). Ở chiều ngược lại, VNM (83 tỷ đồng), VRE (41 tỷ đồng), FUESSVFL (28 tỷ đồng) dẫn đầu ở chiều bán ròng.
Thanh khoản thị trường phiên 5/8 hạ nhiệt so với phiên 4/8, tổng giá trị khớp lệnh đạt gần 17.510 tỷ đồng. Giao dịch khối ngoại diễn biến tích cực khi tiếp tục mua ròng với tổng giá trị gần 1.150 tỷ đồng.
Theo các chuyên gia của Công ty Cổ phần Chứng khoán MB (MBS), thị trường đi lên mạnh mẽ cùng độ rộng tích cực được dẫn dắt bởi các nhóm cổ phiếu như ngân hàng, chứng khoán, thép, bất động sản… là các tín hiệu củng cố cho xu hướng tăng bền vững.
“Chỉ số thị trường đang trong quá trình đi tìm lại các đỉnh cao, sau khi đã vượt thành công ngưỡng MA50 một cách thuyết phục trong phiên hôm nay. Trong quá trình hướng về đỉnh cũ, thị trường có thể gặp áp lực ở vùng 1.370 điểm, nhà đầu tư có thể tận dụng các nhịp điều chỉnh để cơ cấu danh mục”, chuyên gia của MBS nhận định.
VN-Index giằng co với biên độ trong khoảng 1.325-1.350 điểm
Còn theo các chuyên gia của Công ty Cổ phần Chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội (SHS), thanh khoản khớp lệnh trên VN30 (+0,97%) suy giảm xuống dưới mức trung bình 20 phiên cho thấy lực cầu mua lên tại nhóm trụ cột thị trường là không thực sự mạnh. Và điều này cũng khá hợp lý nếu nhìn biểu đồ kỹ thuật khi mà VN-Index vẫn chưa thể vượt qua được target của sóng hồi phục nên xu hướng hiện tại vẫn chưa có gì thay đổi.
“Trong phiên giao dịch cuối tuần 6/8, thị trường có thể sẽ rung lắc và giằng co với biên độ trong khoảng 1.325-1.350 điểm (fibonacci retracement 50%-61,8% sóng điều chỉnh a). Nhà đầu tư đã bắt đáy với tỷ trọng trung bình như khuyến nghị khi VN-Index về ngưỡng hỗ trợ 1.260 điểm nên tiếp tục theo dõi thị trường và có thể canh bán ra các cổ phiếu đã đạt kỳ vọng hoặc đà tăng bị suy yếu”, chuyên gia của SHS nêu quan điểm.
Các chuyên gia của Công Ty Chứng Khoán Yuanta Việt Nam (YSVN) cho rằng, thị trường có thể sẽ còn xuất hiện nhịp điều chỉnh trong phiên tới và chỉ số VN-Index có thể biến động quanh đường trung bình 50 ngày. Đồng thời, thị trường vẫn đang trong giai đoạn tích lũy nên vẫn có khả năng còn xuất hiện các nhịp điều chỉnh trong phiên và giai đoạn tích lũy này có thể sẽ còn diễn ra trong 2-3 phiên giao dịch tới, các nhà đầu tư ngắn hạn nên hạn chế mua đuổi ở các nhịp tăng mạnh.
“Chỉ báo tâm lý tiếp tục tăng mạnh và tăng lên mức lạc quan cho thấy xu hướng tăng ngắn hạn củng cố bền vững hơn. Các nhà đầu tư ngắn hạn có thể tận dụng các nhịp điều chỉnh để gia tăng tỷ trọng cổ phiếu hoặc mua mới”, chuyên gia của YSVN khuyến nghị./.
Diệp Diệp/VOV.VN