Nhà đầu tư mới nên lựa chọn cổ phiếu ra sao để giảm thiểu rủi ro?

Nếu bạn đầu tư vào cổ phiếu (CP) trên sàn Chứng khoán Việt Nam trong 21 năm qua, tỷ lệ lãi bình quân là 16%/năm cao hơn nhiều so với BĐS 11,9%, Trái phiếu 9,4%, vàng 9%, USD 2.2%. Nếu trong 5 năm gần nhất, CP lãi 19,2%, BĐS lãi 12,3%, trái phiếu lãi 9,8%, USD lãi 0,2%. Nếu tính tròn 1 năm đến hết 12/2, CP lãi 48% còn nếu tính từ đầu năm CP lãi 34,26%. Chúc mừng các nhà đầu tư mới F0!
nha-dau-tu-1638507939.jpg

Mục tiêu của các nhà đầu tư CK (NĐT) là kiếm được lời tốt, đầu óc nhẹ nhàng, thoải mái để còn lo công việc thường ngày của mình và luôn cảm thấy an bình và hạnh phúc. Đầu tư CP có lãi cao và cũng đồng hành với nhiều rủi ro. Vậy đầu tư vào các CP nào để có lãi tốt nhưng rủi ro ở mức thấp có thể chấp nhận? Những gì diễn ra trên thị trường chứng khoán (TTCK) VN cũng đã diễn ra trên TTCK thế giới. Bởi vậy việc xem các số liệu thống kê để có bài học cho mỗi người là quan trọng. Thống kê 75 năm của TTCK Mỹ cho thấy đầu tư vào CP công ty vốn hóa nhỏ có tỷ suất lợi nhuận 17,3%/năm cao hơn so với công ty vốn hóa lớn 13%, tuy nhiên nó rủi ro hơn thể hiện qua độ lệch chuẩn tương ứng là 33,4% và 20,2% (nguồn: Stocks, Bond, Bills & Inflation 2001 year book).

Giá CP biến động từng giây theo cung cầu thị trường, tổng hòa của nhiều yếu tố như sở thích, nhất là tâm lý của NĐT. Không ai có thể chắc chắn được giá CP sẽ lên hay xuống trong một ngày cụ thể. Nhưng có một điều chắc chắn là trong dài hạn, giá CP luôn vận động quanh giá trị nội tại (thực) của nó. Nếu doanh nghiệp kinh doanh tốt, thì giá CP của nó ngày càng tăng. Hiện nay đang có trào lưu đầu tư vào CP thị giá thấp. Nhưng CP thị giá thấp không phải là CP rẻ, không giảm rủi ro. NĐT khôn ngoan là tìm và đầu tư vào các CP đang được thị trường định giá thấp hơn giá trị nội tại của nó. Khi các thông tin đúng có sẵn trên thị trường, giá các CP này sẽ tăng lên để phản ánh đúng giá trị thực của nó. Các CP trong thời kỳ điều chỉnh tăng giá này gọi là các CP tăng trưởng (growth stocks).

Để giảm thiểu rủi ro, chiến lược các nhà đầu tư thường gồm (1) Phân bổ giá trị đầu tư cho một số ngành và với số tiền lớn vào các CP có nền tảng kinh doanh tốt, có định giá hấp dẫn, và (2) Dùng một phần nhỏ để đầu tư vào các CP có tính thị trường cao trong từng thời kỳ, nếu NĐT theo dõi thị trường thường xuyên.

Nhà đầu tư mới nên lựa chọn cổ phiếu ra sao để giảm thiểu rủi ro? - Ảnh 1.

TS Trần Xuân Nam (Oxford DBA)

Để ước tính giá trị nội tại một CP, các NĐT chuyên nghiệp phải phân tích kinh tế vĩ mô, phân tích ngành, và phân tích toàn diện CP muốn đầu tư như ban lãnh đạo, cấu trúc cổ đông, các lợi thế cạnh tranh, tình hình tài chính, tăng trưởng doanh thu, Lãi EPS, dòng tiền trong thời gian dài và dự phóng tương lai. Về cơ bản giá trị nội tại CP là giá trị hiện tại của tất cả các dòng tiền thuộc chủ sở hữu từ nay đến vô hạn chia cho số CP đang lưu hành bình quân (BQ). Phương pháp chiết khấu dòng tiền (DCF) hay Chiết khấu dòng tiền tự do vốn chủ sở hữu (FCFE); hay dòng tiền tự do hoạt động (FCFF) được sử dụng rộng rãi.

Theo truyền thống, giá CP phụ thuộc vào lãi của nó, nếu các yếu tốt khác như rủi ro không đổi. CP có lãi cao thì giá cao và ngược lại. Bởi vậy phương pháp hệ số P/E (Giá/Lãi mỗi CP, P = Thị giá, E = Lãi mỗi CP hay EPS) được các nhà đầu tư sử dụng phổ biến để định giá CP. Nó đơn giản và dễ tính, EPS = Tổng số lãi thuộc cổ đông/(chia) Số CP đang lưu hành BQ. P/E của các CP thường tăng lên theo năm tháng nếu CP có kết quả kinh doanh tốt. Để liên kết giữa Giá, Lãi mỗi CP với tỷ lệ tăng trưởng EPS, các nhà đầu tư thường dùng tỷ suất PEG (Giá/Lãi CP/Tăng trưởng EPS). Ngoài ra còn sử dụng thêm tỷ suất P/B (Giá trên giá trị sổ sách) nhất là với NH để định giá CP. Bạn nên so sánh P/E, PEG và P/B của CP đang quan tâm với các CP khác trong ngành có cùng mức rủi ro hay so với BQ ngành và BQ thị trường. Trong điều kiện bình thường, CP có P/E, PEG và P/B càng thấp càng hấp dẫn để đầu tư. Nhiều tài liệu và chuyên gia đầu tư CK kinh nghiệm cho rằng nếu các CP có thanh khoản tốt, tài chính lành mạnh, P/E trượt < 10 xem xét mua, < 7 nên mua, <5 mua ngay. Hay PEG <1 xem xét mua, PEG <0,5 mua ngay.

Quy trình đầu tư thường bắt đầu bằng việc phân tích kinh tế vĩ mô như lãi suất tiền gửi 6-9 tháng đang thấp chỉ 4%, lạm phát 11 tháng đầu năm tăng ở mức thấp 0,82%, tăng trưởng GDP 2022 dự kiến khoảng 6,5-7%...Kinh tế vĩ mô đang ủng hộ CK. Tiếp đến là phân tích ngành để thấy ngành nào đang có khả năng sinh lời và tăng trưởng tốt. Sau đó bạn sẽ phân tích các CP trong các ngành tăng trưởng đó để chọn các CP tăng trưởng nhất. Câu hỏi là ngành nào đang là ngành tăng trưởng nhất (TT định giá thấp hơn giá trị nội tại)?

Số liệu kết quả 9 tháng đầu năm, ngành thép tăng trưởng lãi tốt nhất 195%, với các nguyên nhân sau:

1. Giá thép tại Việt Nam và thế giới vẫn đang neo ở mức giá cao, cao hơn cùng kỳ năm trước hơn 50%. Mặc dù giá thép TQ và thế giới đã giảm từ đỉnh tháng 6, nhưng giá thép xây dựng của HPG, thép cuộn CB240 (D6-8) trong 2 tháng gần đây tăng 5 lần giảm 1 lần, giá vẫn cao hơn cuối tháng 9 là 2,9% do kinh doanh thép có rất nhiều rào cản thương mại như thuế nhập khẩu (Việt Nam 20%), và nhiều biện pháp phòng vệ thương mại của các nước. Giá thép giữa các nước có thể rất khác nhau.

2. Thế giới và Việt Nam đang trải qua 2 năm đại dịch Covid 19. Hầu hết các nước đang có các gói kích thích kinh tế khổng lồ đặc biệt là đầu tư vào cơ sở hạ tầng. Tổng thống Mỹ mới phê duyệt gói hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng 1.200 tỷ đô la Mỹ, châu Âu là 1.500 tỷ đô, Nhật bản là 350 tỷ đô và Việt Nam đang có những kế hoạch kích thích kinh tế lớn nên nhu cầu thép thế giới và trong nước sẽ tăng mạnh.

3. Giải ngân đầu tư công của Việt Nam trong 3 tháng cuối năm ước tính 243 nghìn tỷ đồng và rất nhiều công trình xây dựng 5 tháng trước phải dừng do giãn cách xã hội, nay tái khởi động lại.

4. Việt Nam mới ký nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) như với EU (EVFTA); Anh (UKVFTA); Xuyên thái bình dương (TPTPP). Các công ty thép tận dụng tốt cơ hội này để xuất khẩu sang EU, Mỹ. Theo H. Hội Thép VSA lũy kế đến 15/11 VN xuất khẩu 10,27 tỷ đô, lần đầu tiên xuất siêu thép 240 triệu đô.

5. Trung Quốc là quốc gia sản xuất thép lớn nhất thế giới, hiện đang có vấn đề về nguồn cung do thiếu điện, than trầm trọng và chính phủ đang hạn chế khí thải carbon ít nhất đến hết tháng 3/2022.

6. Trung Quốc bỏ chính sách HOÀN thuế thép xuất khẩu 13% đối với 23 mặt hàng thép từ tháng 5/2021.

7. EU đang áp dụng hạn ngạch nhập khẩu thép với các nhà xuất khẩu thép lớn của thế giới như Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ, Hàn Quốc. Thuế carbon với thép nhập khẩu chưa đánh vào thép Việt Nam đến hết 2025. Chiến tranh thương mại Mỹ-Trung và Trung – ÚC tạo lợi thế cho thép Việt Nam xuất sang Mỹ, Úc.

8. Giá thành sản xuất thép của Việt Nam chủ yếu theo công nghệ lò BOF ở mức 12 triệu (tr) đ/tấn, thấp hơn khoảng 33% so với công nghệ lò EAF mà Mỹ và Châu Âu hay sử dụng (khoảng 16 triệu đ/tấn).

Những phân tích trên cho thấy ngành thép còn tăng trưởng tốt trong quý 4 và cả những năm tới. Đặc biệt là ngành thép hiện đang được thị trường định giá rất thấp, nhất là các công ty thép điển hình như HPG, HSG, NKG…

Ngành tăng trưởng thứ 2 là Chứng khoán (CK), với mức tăng trưởng lãi 92,3% cho 9 tháng đầu năm. Nguyên nhân các CTCK phát triển lãi tốt là do:

1. Số tài khoản CK mở mới tăng trưởng mạnh. Trong 10 tháng đầu năm đã có 1,09 triệu tài khoản mở mới nhiều hơn cả 4 năm trước 2017-2020 cộng lại. Tháng 10 có 129.500 TK mới, tăng 13% so với tháng trước. Cuối tháng 10/2021 tổng số tài khoản chứng khoán ở Việt Nam là hơn 3,82 triệu tài khoản bằng 3,9% dân số. Trong khi đó Hàn Quốc là 16,3% và Đài Loan gần 50%. GDP đầu người VN đang ở mức 3.500 $/người tương đương với Đài Loan năm 1985. TTCK Việt Nam giờ mới bắt đầu tăng trưởng tốt giống như TTCK Đài loan từ năm 1985, và tiềm năng TTCK Việt Nam sẽ còn tăng trưởng mạnh trong những năm tới.

2. Theo HOSE, giá trị giao dịch CP bình quân 1 ngày của tháng 11/2021 đạt 32.479 tỷ cao hơn 46,7% so với tháng trước và gấp 4,4 lần và 7 lần so với bình quân ngày của năm 2020 là 7.420 tỷ và 2019 là 4.658 tỷ đ đồng. Phí môi giới CTCK đã và sẽ tăng trưởng rất tốt.

3. Số dư nợ cho vay Margin các CTCK cuối quý 3/2021 đạt 154.000 tỷ tăng 10% so với quý trước và 68% so với cuối năm 2020. Do vậy thu nhập từ cho vay của CTCK tăng trưởng mạnh.

4. Giá CP trên TTCK Việt Nam vẫn đang được định giá hấp dẫn so với CK khu vực và thế giới. Các công ty niêm yết Việt Nam có tỷ lệ tăng trưởng EPS năm 2021 dự kiến khoảng 26%, cao hơn so với các nước trong khu vực nhưng P/E cuối ngày 2/12 của VN-Index là 17,56 lần, thấp hơn so với Indonesia 25,12; Thái lan 19,11; Philippine 23,15 và S&P Mỹ là 24,75.

5. Lãi của các CTCK đã và đang tăng trưởng tốt. Một số CTCK tăng trưởng tốt và có kế hoạch phát hành tăng vốn cho CĐ hiện hữu với giá 10.000 đồng được thị trường quan tâm.

Ngành thứ 3 đang được thị trường định giá hấp dẫn là Ngân hàng (NH). Kết quả 9 tháng đầu năm ngành ngân hàng tăng trưởng lãi 36% so với cùng kỳ. Tuy nhiên thị trường đang định giá NH khá thấp, P/E hiện chỉ ở mức trung bình 13 lần và P/B là 2,1 thấp hơn so với bình quân của thị trường hiện là 17,51 lần và P/B là 2,67 lần. Các năm trước, P/E ngành NH chỉ từ 5-7 lần. Đầu năm nay Ngân hàng đã được thị trường tái định giá lại cho hợp lý hơn mặc dù vẫn thấp hơn nhiều so với bình quân thị trường. Ngân hàng có rủi ro thấp, sự biến động kết quả giữa các quý, các năm của các ngân hàng thường thấp hơn so với các ngành khác.

Một số ngành có sự tăng trưởng tốt trong năm nay và năm tới như Hóa chất, Đường, Cảng và vận tải biển, Bất động Sản (BĐS), Bán lẻ. Các ngành này được thị trường định giá không hấp dẫn như Thép, chứng khoán và ngân hàng. Tuy nhiên nhà đầu tư vẫn có thể tìm thấy một số cổ phiếu trong các ngành đang được thị trường định giá hấp dẫn. Ví dụ như VHM một công ty BĐS hàng đầu, có quỹ đất lớn và có khả năng triển khai các dự án tốt để mang về lợi nhuận đều đặn hàng năm ở mức cao. P/E ngày 2/12 chỉ ở mức 9,31 thấp hơn nhiều so với các CP BĐS vừa và nhỏ. Ví dụ thứ 2 là CT Tư Vấn Xây Dựng Điện - TV2. TV2 là CP tăng trưởng nhất thị trường trong 10 năm qua với mức tăng trưởng kép giá CAGR là 63,1%/năm. Giá CP TV2 tăng 132,86 lần trong 10 năm qua.

Tóm lược các chỉ số tài chính của 9 CP tăng trưởng năm 2021.

Nhà đầu tư mới nên lựa chọn cổ phiếu ra sao để giảm thiểu rủi ro? - Ảnh 2.
Nhà đầu tư mới nên lựa chọn cổ phiếu ra sao để giảm thiểu rủi ro? - Ảnh 3.

Chúng ta hãy so sánh tăng trưởng giá cho 3 năm gần nhất (số lần tăng và tỷ lệ tăng trưởng kép CAGR):

Nhà đầu tư mới nên lựa chọn cổ phiếu ra sao để giảm thiểu rủi ro? - Ảnh 4.

Trong 3 năm, giá cổ phiếu thép và chứng khoán tăng mạnh nhất. Trong đó HSG, NKG, VIX và VND tăng từ 6,9-7,6 lần tương ứng với mức tăng trưởng kép là 91-96%/năm, những con số trong mơ của các nhà đầu tư. Các cổ phiếu tăng giá tốt tiếp theo là HPG 3,2 lần hay 46,8%/năm, SMC 3,7 lần hay 55%/năm, VPB 3,2 lần hay 47,4%/năm, TV2 2,2 lần hay 30%/năm. VHM tăng chỉ 1,4 lần hay 12,2%/năm thấp hơn so với VN-Index 1,6 lần hay 16,9%/năm.

Để giảm thiểu rủi ro, các nhà đầu tư nên đầu tư vào các cổ phiếu mà có các cổ đông lớn là các quỹ đầu tư chuyên nghiệp uy tín. Như vậy ít nhất là đã có một bước sàng lọc, dù nó không nói lên rằng đó là cổ phiếu tăng trưởng để đầu tư.

Chúc các nhà đầu tư mới F0 thành công, bình an và hạnh phúc!

TS Trần Xuân Nam (Oxford DBA)

Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị