nha-dau-tu-chung-khoan-1653523351.jpg
Ảnh: minh họa

Tính đến tháng 3/2022, quy mô giao dịch thị trường chứng khoán Việt Nam đã vượt qua Singapore, đứng thứ 2 ASEAN sau Thái Lan, giá trị giao dịch bình quân đạt 30.845 tỷ đồng/phiên. Có điều, sau đợt giảm mạnh trong khoảng 2 tháng qua, vốn hóa thị trường đã "bốc hơi" khoảng 50 tỷ USD, con số tác động rất lớn đến kinh tế.

Quản trị rủi ro bằng cách nào?

Theo ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn đầu tư Maybank Investment Bank, với dòng tiền yếu như hiện nay, việc đầu tư không dễ dàng như năm ngoái, nhà đầu tư nên có tỷ trọng tiền mặt cao và hạn chế tối đa sử dụng đòn bẩy tài chính. Trong bối cảnh này, quản trị rủi ro là yếu tố rất quan trọng. Đồng thời, nhà đầu tư nên trau dồi kiến thức quản trị rủi ro, danh mục đầu tư để những lúc thị trường xấu, tốt vẫn có thể tồn tại và cao hơn nữa là "sống" được bằng việc giao dịch chứng khoán. 

Một trong những giải pháp quản trị rủi ro là thị trường phái sinh nhưng hiện tại, nhiều nhà đầu tư dùng phái sinh để đầu tư trong khi thực tế còn mang ý nghĩa là để phòng vệ và quản trị rủi ro cho danh mục của mình. Có điều, phái sinh hiện nay chỉ có rổ chỉ số VN30 và trái phiếu chính phủ nên phòng thủ một phần hơi bị không được đầy đủ. 

Ở nước ngoài, phái sinh hoạt động 24/24, do đó, cần phát triển thị trường chứng khoán phái sinh, đưa thêm nhiều quyền chọn để thị trường chứng khoán Việt Nam phát triển bền vững.

Theo ông Phan Quốc Bửu, Giám đốc phân tích ngành khu vực phía Nam, Công ty cổ phần Chứng khoán Ngân hàng Đầu Tư và Phát triển Việt Nam (BSC), thống kê giai đoạn 2019-2022 thì tính tới cuối 2021, tổng dư nợ margin toàn thị trường gấp 3 lần cuối năm 2019. Nguồn cung hàng hoá tăng mạnh trong 2 năm rồi, nhóm nhà đầu tư F0 rất nhạy cảm trước những thông tin tích cực lẫn tiêu cực.

Việc xử lý minh bạch của Chính phủ giúp thị trường tăng bền vững trong dài hạn. Nhưng trong ngắn hạn, theo ông thị trường cần tương đối nhiều thời gian để ổn định tâm lý và dồn tiền trước khi đạt mục tiêu cao hơn.

Còn theo ông Lê Quang Minh, Giám đốc phân tích đầu tư, Công ty chứng khoán Mirae Asset, nhà đầu tư cần có tầm nhìn dài hạn. Cụ thể, từ năm 2020 đến nay, chứng khoán thế giới và Việt Nam vận động tương đồng trong một xu thế. Chứng khoán thế giới ảnh hưởng và là chỉ báo sớm cho sự vận động của chứng khoán Việt Nam dù sự tương quan giữa các thị trường không phải lúc nào cũng liền mạch.

Về thanh khoản, thị trường chứng khoán Mỹ thanh khoản không giảm nhưng giá giảm; ở Việt Nam thanh khoản giảm và giá cũng giảm mạnh. Những nhà đầu tư tinh tế theo dõi chính sách vĩ mô có thể thấy tiền đã được cất đi từ tháng 2. Đây là sự khác biệt trong thanh khoản giữa 2 thị trường, làm cho thị trường Việt Nam giảm mạnh so với các thị trường khác.

Còn ở hiện tại, ông Khánh cho rằng nhà đầu tư cần có tầm nhìn 12 tháng, còn ngắn quá khi thị trường sập sẽ hoảng loạn. Trong khi đó, Nhà nước cần quản lý thông tin chặt chẽ hơn, tránh tin đồn làm ảnh hưởng thị trường đồng thời cung cấp thông tin rõ ràng, minh bạch cho nhà đầu tư biết.

Cần thay đổi về mặt quản lý

Theo chuyên gia tài chính, TS Vũ Đình Ánh, đã đến lúc thay đổi chất về mặt quản lý. Quy mô thị trường đã tăng trưởng vượt trội, trong khi hệ thống quản lý cả về thể chế chính sách, tổ chức bộ máy, con người, công nghệ… đều có những yếu tố không theo kịp. "Chúng ta đang áp dụng cách thức quản lý, điều hành thị theo quy mô bằng 1/2 -1/3 so với thị trường trong khi theo nguyên tắc lượng đổi thì chất đổi, nay đã đến lúc thay đổi chất về mặt quản lý đối với thị trường", ông Ánh cho hay.

Đối với người tham gia thị trường, hiện về tiềm lực tài chính, trình độ, khả năng cũng như khả năng thao túng thị trường của một bộ phận nhà đầu tư chuyên nghiệp/bán chuyên nghiệp, tổ chức/cá nhân là khá lớn. Do đó, đã đến lúc cần có quy định rõ ràng hơn về những hành vi thao túng thị trường để có những biển pháp phòng ngừa, ngăn chặn.

Vấn đề lớn nhất của thị trường và lành mạnh hoá thị trường nằm ở thông tin, đặc biệt là thông tin mang tính chất nội gián, làm giá, thổi giá… Tất cả những thông tin đó có điểm mạnh nhưng nếu không kiểm soát được sẽ thành điểm xấu, không chỉ làm thị trường chao đảo mà còn gây thiệt hại lớn cho nền kinh tế. Vì vậy, phải kiểm soát, minh bạch hoá thị trường.

Nhìn chung, theo ông Ánh, phải ngay lập tức nâng cao chất lượng quản lý thị trường chứng khoán, chống hành vi nội gián, thao túng gắn với phát triển công nghệ để thích hợp với quy mô phát triển của thị trường. Đó là trách nhiệm của cơ quan quản lý, công ty chứng khoán và nhà đầu tư. Nếu xử lý tốt vấn đề này thì thị trường sẽ phát triển tốt, trở thành kênh thu dẫn vốn phù hợp với sự phát triển kinh tế Việt Nam.

Chuyên gia kinh tế, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh thì lưu ý ở Việt Nam, thị trường trái phiếu chưa niêm yết bùng phát trong năm 2020-2021 nhưng không đi đôi với nhận thức, hiểu biết về trái phiếu, đồng thời thiếu quy định pháp luật nên dẫn đến phát hành các loại trái phiếu "3 không", chỉ bán trên Zalo, Facebook, mạng xã hội nhưng vẫn thu hút được lượng tiền lớn. Thậm chí có doanh nghiệp phát hành trái phiếu gấp 40 lần vốn chủ sở hữu.

Vì thế, việc chấn chỉnh hoạt động thị trường trái phiếu rất quan trọng nhằm nâng cao niềm tin của doanh nghiệp và các nhà đầu tư vào thị trường này. Thêm nữa, nó cũng là động lưc giúp thị trường chứng khoán phát triển bền vững và trở thành kênh cung cấp vốn cho nền kinh tế trong thời gian tới.

Cần quy định rõ hơn về thông tin nội gián

Bà Nguyễn Hoài Thu, Thành viên HĐQT, Giám đốc Điều hành Khối đầu tư chứng khoán Đại chúng và Trái phiếu- Công ty Quản lý Quỹ Vincapital đề cập đến việc kiểm soát thị trường trong thời gian tới để thị trường lành mạnh, phát triển bền vững.

Theo bà Thu, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, các Sở giao dịch Chứng khoán cần có cơ chế theo dõi những biến động giá cổ phiếu bất thường và yêu cầu doanh nghiệp giải trình. Bởi, doanh nghiệp không có hoạt động gì đột biến thì cổ phiếu không thể tăng trần liên tục được.

Nếu kiểm soát chặt việc này sẽ hạn chế được giao dịch nội gián và tình trạng "bơm thổi" gía cổ phiếu do một hay vài nhóm nhà đầu tư nào đó thực hiện. Đồng thời cần quy định rõ hơn về thông tin nội gián, có quy chế chia sẻ thông tin sao cho công bằng với tất cả các nhà đầu tư.

Ở nước ngoài, nếu giao dịch nội gián sẽ bị xử lý hình sự, còn ở Việt Nam chưa chặt chẽ nên vì quan hệ thân thiết, nội bộ thường chia sẻ cho các nhóm đối tượng trước khi công bố công khai khiến giá cổ phiếu tăng giảm bất thường, khi nhà đầu tư biết đã quá muộn.

Đồng thời có thể không cho người nội bộ bình luận về giá cổ phiếu của doanh nghiệp mà họ đang quản lý, không được phép nói cổ phiếu rẻ hay đắt. Vì dễ định hướng thị trường, hàm ý là họ chia sẻ thông tin trọng yếu trong khi ở nước ngoài không được phép.

Theo đó, nên tách hoạt động tư vấn - phân tích của các công ty chứng khoán ra khỏi khối tự doanh để phía tự doanh không gây ảnh hưởng cho bộ phận phân tích và ngược lại. Bởi điều này không công bằng, minh bạch cho các nhà đầu tư. Điều này đã ở thị trường chứng khoán nước ngoài đã quy định rất rõ trong khi ở Việt Nam thì chưa.

Bà Hoài Thu lưu ý, dưới góc độ đầu tư, các nhà đầu tư nên xem thị trường chứng khoán là kênh đầu tư nghiêm túc, dài hạn, vì vậy cần quan tâm đến các quỹ đầu tư chuyên nghiệp trên thị trường.

Tại Việt Nam, các nhà đầu tư cá nhân chiếm tới hơn 90% trên thị trường. Giao dịch của nhà đầu tư các nhân chiếm áp đảo. Điều này khác thường so với thế giới. Bởi khi định chế tài chính tham gia nhiều mới giảm hoạt động đầu cơ, bơm thổi giá chứng khoán.