Bất động sản vẫn là kênh trú ẩn an toàn
Trong khoảng cuối năm 2022, thị trường bất động sản ở nhiều nơi gặp khó khăn, khi thanh khoản bị đứng, không có nhiều giao dịch như kỳ vọng. Các phân khúc bất động sản không thu hút được người mua. Đặc biệt, dòng vốn vay không còn được mở rộng đã khiến các nhà đầu tư bị ảnh hưởng nặng nề.
Mặc dù là vậy, nhưng nhiều chuyên gia cho rằng, nhìn nhận lại năm 2022, thị trường bất động sản vẫn là kênh đầu tư lợi nhuận và mang đến cho nhiều cơ hội kinh tế.
Ông Phạm Lâm - Chủ tịch HĐQT kiêm CEO DKRA Việt Nam cho biết, trong năm 2022 thị trường bất động sản trên cả nước vẫn được nhiều nhà đầu tư quan tâm. Tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM xu hướng bất động sản vẫn tăng.
Tại khu vực TP.HCM mặt bằng căn hộ trong từng quý 1/2022 tăng 3 - 4% và so với cùng kỳ tăng gần 10%, giá thuê cũng tăng từ 4-7%. Riêng về phân khúc thổ cư, đất nền tại TP.HCM nằm ở biên độ giá tăng từ 10-25%.
Trong các tháng cuối năm 2022, thị trường tại TP.HCM và các vùng phụ cận cũng có những nét nổi bật, trong quý này, ghi nhận 9 dự án mở bán với nguồn cung khoảng 1.057 sản phẩm, giảm 65,6% so với cùng kỳ năm trước. Lượng tiêu thụ đạt khoảng 550 nền, tương đương 52% nguồn cung mới, giảm 77,8% so với quý trước.
Cũng theo báo cáo từ DKRA, với các địa phương thuộc khu vực Đông – Tây Nam Bộ như Tây Ninh, Bình Dương, Bình Phước, Đồng Nai, Long An, ghi nhận giá đất thổ cư so với cùng kỳ năm 2021 tăng từ 7 - 27%.
Tại phân khúc đất nền, các tỉnh vùng phụ cận tiếp tục nắm đà chủ lực, tập trung mạnh ở các tỉnh như Bình Dương (chiếm hơn 59%) và Long An. Phân khúc căn hộ trong quý 3/2022 đón nhận nguồn cung mới khoảng 4.873 căn đến từ 31 dự án mở bán, giảm 63,8% so với quý 2/2022. Tỷ lệ tiêu thụ đạt khoảng 52% nguồn cung mới, tương đương 2.531 căn, giảm 77,5% so với quý trước.
Thị trường TP.HCM và tỉnh Bình Dương vẫn duy trì vị trí dẫn đầu nguồn cung mới toàn thị trường khi chiếm 91.2% tổng lượng căn hộ mở bán mới trong quý.
"Nếu nhìn chung toàn thị trường, từ quý 1, 2, 3/2022, thị trường bất động sản vẫn tăng trưởng ở các phân khúc như đất nền. Đặc biệt, do tính thanh khoản tốt, thu hút được lợi nhuận nên các nhà đầu tư chú trọng hơn vào đất nền. Cũng trong thời điểm này, room tín dụng vẫn chưa bị "siết" nên tâm lý người mua nhà, đầu tư vẫn ổn định nên thị trường duy trì được mức tăng trưởng. Trong các quý đầu năm 2022 vẫn ghi nhận lợi nhuận".
Khơi thông dòng tiền tạo "sức bật" thị trường bất động sản
Trong các quý đầu năm 2022, thị trường bất động sản gặp thuận lợi suôn sẻ, nhưng đến quý cuối năm thì gặp nhiều khó khăn. Nguồn cung mới có tăng nhưng không đồng đều trong phân bổ, hầu như chỉ tập trung ở những giai đoạn kế tiếp của một vài dự án quy mô lớn.
Bên cạnh đó, việc Ngân hàng Nhà nước "siết room" tín dụng, các kênh trái phiếu gặp khó khăn về trả lãi và phát hành, đã làm ảnh hưởng nhiều đến thị trường bất động sản cùng nhiều nhà đầu tư. Trước những diễn biến của thị trường, mọi người đều nhìn nhận về một thị trường 2023 sẽ chịu nhiều ảnh hưởng. Tuy nhiên, tất cả đều kỳ vọng vào việc khơi thông dòng tiền sẽ là động lực tạo "sức bật" thị trường bất động sản. Nguồn vốn vay được giải ngân, tạo ra thanh khoản thị trường.
Theo chuyên gia, trong những quý đầu của năm 2023, ngân hàng trung ương của các quốc gia sẽ vẫn tiếp tục tăng lãi suất. Dự đoán tình trạng này sẽ kéo dài ít nhất đến hết quý 1, do đó áp lực của lãi suất, tỷ giá lên thị trường bất động sản nói riêng và kinh tế nói chung sẽ còn kéo dài đến hết khoảng thời gian này. Tuy nhiên, từ giữa năm 2023 sẽ có nhiều chuyển biến tích cực.
Theo ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA), cuối năm 2022, thị trường bất động sản, doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn do biến động về room ngân hàng và trái phiếu. Điều này tác động trực tiếp đến doanh nghiệp và chính những nhà đầu tư vào lĩnh vực bất động sản. HoREA cũng nhiều lần kiến nghị đến Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước xem xét nới room tín dụng, để hỗ trợ các doanh nghiệp bất động sản cũng như cho vay trong lĩnh vực sản xuất.
"Trong năm 2023, nhiều doanh nghiệp và người đầu tư sẽ tiếp cận được vốn vay của năm 2023, khi có được dòng tiền, mọi thứ sẽ khơi thông, doanh nghiệp sẽ định hướng lại được đường đi và phát triển đúng với giá trị của bất động sản. Từ việc tiếp cận được nguồn vốn tín dụng, mọi thứ sẽ vận hành trơn tru hơn, thanh khoản thị trường có.
Từ đó, tạo sức bật cho lĩnh vực bất động sản nói chung và nhiều ngành nghề khác. Tuy nhiên, muốn phát triển bền vững thì mỗi doanh nghiệp phải tạo sự vững chắc từ bên trong. Để khi gặp khó đều có thể vượt qua", ông Lê Hoàng Châu nhận định.
TS. Nguyễn Văn Đính - Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cũng cho rằng, thị trường bất động sản trong năm 2023 vẫn có những điểm sáng tích cực, sẽ hồi phục và không rơi vào khủng hoảng. Đến giữa năm 2023, tức là kết thúc quý 2, thị trường sẽ ổn định và trở về quỹ đạo vốn có của nó.
"Tôi đồng tình rằng thị trường bất động sản hiện nay rất khó khăn, cộng đồng doanh nghiệp địa ốc đang gặp nhiều thách thức và phải tìm mọi cách để tồn tại. Tuy nhiên, không có nghĩa là thị trường bất động sản hiện nay đang khủng hoảng" TS. Nguyễn Văn Đính chia sẻ.
Trước đây vào năm 2012, nguồn hàng bị dư thừa trầm trọng nên được gọi là khủng hoảng thừa, còn hiện tại thị trường không hề thừa nguồn hàng mà thậm chí là thiếu nguồn hàng, khan hiếm nguồn hàng. Vì vậy, giai đoạn này chỉ được xem là giai đoạn suy giảm của thị trường bất động sản, chỉ cần một thời gian ngắn sau là thị trường có thể vực dậy", ông Đính nhìn nhận.