Ngày 26-2, giá vàng thế giới lao dốc một mạch từ vùng 1.800 USD/ounce còn quanh mức 1.758 USD/ounce (cuối ngày, theo giờ Việt Nam), giảm hơn 40 USD/ounce, tương đương mức giảm 1,2 triệu đồng/lượng. Giá vàng thế giới quy đổi theo tỉ giá niêm yết chỉ còn khoảng 48,9 triệu đồng/lượng.

Vì sao vàng giảm sốc?

Ông Trần Thanh Hải, Chủ tịch HĐQT Công ty Vàng bạc SJC Phú Thọ, cho biết giá vàng thế giới "bốc hơi" trên 40 USD/ounce trong bối cảnh lãi suất trái phiếu chính phủ Mỹ tăng, các cổ phiếu đồng loạt giảm và vàng cũng không ngoại lệ. Đồng thời, lãnh đạo Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) phát biểu rằng việc tăng cung tiền tệ từ các gói kích thích kinh tế không làm tăng khả năng lạm phát, "bóng ma" lạm phát chưa trở lại và vẫn trong mức kiểm soát… Những yếu tố này khiến giá vàng thế giới lao dốc.

Theo các chuyên gia, trong ngắn hạn, giá vàng thế giới đang ở xu hướng giảm do các kênh đầu tư mạo hiểm thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư hơn như chứng khoán, tiền kỹ thuật số... Chuyên gia vàng Phan Dũng Khánh đánh giá dòng tiền chảy vào các kênh đầu tư an toàn như vàng sẽ bị ảnh hưởng. Đồng thời, việc các quỹ đầu tư, định chế tài chính lớn và cả ngân hàng (NH) trung ương một số nước có động thái bán vàng ra liên tục gần đây gây tiêu cực lên giá vàng.

Người tiêu dùng mất cơ hội mua vàng giá rẻ - Ảnh 1.

Dù giá vàng thế giới giảm mạnh nhưng người tiêu dùng trong nước vẫn phải mua vàng trang sức với giá quá cao .Ảnh: TẤN THẠNH

"Kinh tế thế giới được dự báo sẽ bắt đầu phục hồi nhờ dịch bệnh dần được kiểm soát và vắc-xin Covid-19 trở nên phổ biến hơn. Do đó, giá vàng sẽ khó khởi sắc trong ngắn hạn" - ông Phan Dũng Khánh nói.

Trong khi giá vàng thế giới lao dốc, thị trường vàng trong nước lại khá trầm lắng, giá vàng SJC thậm chí giảm nhỏ giọt. Cuối ngày, giá vàng SJC được các doanh nghiệp (DN) tại TP HCM niêm yết phổ biến quanh mức 55,8 triệu đồng/lượng mua vào, 56,2 triệu đồng/lượng bán ra, cao hơn giá thế giới hơn 7 triệu đồng/lượng.

Giá vàng trang sức, vàng nhẫn 24K có xu hướng giảm mạnh hơn khi được các DN kéo về mức 53,4 triệu đồng/lượng mua vào, 54 triệu đồng/lượng bán ra, giảm tới 650.000 đồng/lượng so với hôm trước nhưng vẫn cao hơn giá thế giới khoảng 5 triệu đồng/lượng.

Thị trường vàng trong nước không chỉ trầm lắng về giá mà cả lượng giao dịch, sau dịp Thần Tài với nhu cầu mua vàng cầu may tăng cao. Đến giờ, một số DN cho biết nhu cầu giao dịch giảm trở lại. Điều này được phản ánh qua biên độ chênh lệch giá mua - giá bán mà các DN giữ ở mức chỉ khoảng 400.000 đồng/lượng với vàng SJC và khoảng 600.000 đồng/lượng với vàng trang sức mỹ nghệ.

"Bỏ vốn khoảng 56 triệu đồng/lượng để giao dịch lấy chênh lệch tầm 400.000 đồng/lượng nhưng cả những DN vàng lớn cũng vắng bóng người mua lẫn người bán vàng" - một chuyên gia vàng nhận định.

Đến lúc thay đổi chính sách quản lý vàng?

Thời gian qua, giá vàng trong nước thường xuyên cao hơn giá thế giới từ 5-7 triệu đồng/lượng. Không chỉ vàng SJC chênh lệch cao do nguồn cung khan hiếm, vàng trang sức cũng ngày càng giãn rộng biên độ chênh lệch với giá thế giới ở mức bất hợp lý.

Bà Vân Linh (ngụ TP Thủ Đức, TP HCM) vừa mua tặng cháu nội dịp thôi nôi chiếc lắc bằng vàng 24K, giá 5 triệu đồng/chỉ chưa kể tiền công. "Vài năm trước, tôi hay có thói quen mua vàng trang sức cho con cháu trong nhà, cũng thường đổi bông tai, dây chuyền… Nhưng từ khi vàng trên 50 triệu đồng/lượng và chênh lệch quá cao so với giá thế giới, tôi chỉ mua vàng trang sức vào dịp quan trọng" - bà Vân Linh tâm sự.

Nhiều chủ tiệm vàng ở TP HCM cũng cho hay chưa bao giờ thị trường vàng trang sức kém sôi động như thời gian qua. Giá vàng quá cao và cách biệt lớn với thế giới khiến cả người mua lẫn tiệm vàng e dè, nhà đầu tư cũng lo ngại rủi ro nên không tham gia…

Đến chiều 26-2, giá vàng thế giới quy đổi theo tỉ giá niêm yết chỉ khoảng 48,9 triệu đồng/lượng, thấp hơn vàng trang sức 24K các loại khoảng 5 triệu đồng/lượng. Ngay vàng nguyên liệu 24K cũng được các DN giao dịch khoảng 53,2 triệu đồng/lượng mua vào, 53,6 triệu đồng/lượng bán ra.

Vì sao có sự chênh lệch quá lớn này? Ông Tô Thanh Hiệp, Tổng Giám đốc Công ty Vàng bạc Đá quý Sacombank (SBJ), nhận định do giá vàng thế giới rớt quá mạnh trong thời gian ngắn và nguồn cung trong nước lại hạn chế nên giá vàng SJC có sự cách biệt lớn với thế giới.

Ông Lê Trí Thông, Tổng Giám đốc Công ty Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ), cũng cho rằng giá vàng trong nước cao hơn thế giới do nguồn cung khan hiếm. Giá vàng phụ thuộc vào cung - cầu và sự biến động của giá thế giới. Người dân đang nắm giữ vàng vật chất thấy giá vàng SJC cao như vậy sẽ tiếp tục nắm giữ và không bán ra, trong khi thị trường vàng trong nước và thế giới đã không liên thông với nhau từ nhiều năm qua.

Cung - cầu trên thị trường lệch pha, DN thấy giá vàng nguyên liệu trên thế giới thấp nhưng không nhập về được.

Thực tế, từ khi có Nghị định 24 về quản lý thị trường vàng (từ năm 2012 đến nay), gần như không có DN nào được cấp phép nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng trang sức mỹ nghệ. Nguồn vàng nguyên liệu chủ yếu đến từ việc mua đi bán lại trên thị trường.

NH Nhà nước cũng ngừng việc đấu thầu vàng miếng để tăng cung cho thị trường trong nước từ cuối năm 2013 đến nay. Do đó, các DN kiến nghị NH Nhà nước sớm xem xét cấp giấy phép nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng trang sức mỹ nghệ.

"Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam cũng có văn bản kiến nghị NH Nhà nước nới lỏng hơn về chính sách quản lý vàng nguyên liệu để các DN có thể nhập về sản xuất vàng trang sức, thúc đẩy thị trường này phát triển. Dù có những chính sách liên quan đến cân đối vĩ mô, chống vàng hóa, đô-la hóa nhưng tỉ trọng vàng trang sức trong tổng lượng vàng trên thị trường còn rất nhỏ" - ông Lê Trí Thông nêu thực tế.

Một chuyên gia theo dõi thị trường vàng nhiều năm qua phân tích không chỉ người mua vàng chịu thiệt vì mất cơ hội mua vàng trang sức giá rẻ mà cả ngành vàng trang sức mỹ nghệ cũng bị thiệt hại. Chính sách quản lý thị trường vàng thời gian qua là không khuyến khích người dân tích trữ vàng nhưng lại chỉ còn một thương hiệu vàng SJC. Không có sự cạnh tranh nên sẽ có chênh lệch lớn khi không còn nguồn cung từ nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng miếng, trong khi nhiều người vẫn giữ vàng không bán ra.

"Ngay cả vàng trang sức, DN cũng không được nhập khẩu vàng nguyên liệu sẽ là thiệt thòi cho cả DN và người dân khi giá vàng thế giới giảm mạnh. Sau gần 10 năm, đến nay thị trường vàng đã ổn định, vàng không còn là phương tiện thanh toán. Đã đến lúc cần thay đổi quy định thị trường phát triển hợp lý hơn" - chuyên gia này đề xuất.

Theo Thái Phương

Người lao động

Link nguồn: https://cafef.vn/nguoi-tieu-dung-mat-co-hoi-mua-vang-gia-re-20210227080114361.chn