Người Mỹ bi quan về nền kinh tế

Kết quả khảo sát kinh tế toàn nước Mỹ mới nhất của CNBC cho thấy, 69% người dân Mỹ có cái nhìn tiêu cực về nền kinh tế trong cả hiện tại và tương lai, mức cao nhất trong 17 năm qua.
Niềm tin người tiêu dùng Mỹ đã tăng lên mức cao nhất của 8 tháng. (Nguồn: Reuters)
Tỷ lệ người dân Mỹ bi quan về nền kinh tế cao nhất trong 17 năm. (Nguồn: Reuters)

Khoảng 2/3 người dân tại nền kinh tế lớn nhất thế giới cho rằng, tiền lương tăng chậm hơn so với lạm phát và nền kinh tế Mỹ đang hoặc sắp rơi vào suy thoái.

Khảo sát được tiến hành trong bối cảnh lạm phát dai dẳng, lãi suất cao và nỗi lo suy thoái, dẫn đến tỷ lệ người dân Mỹ bi quan về nền kinh tế tăng cao kỷ lục.

Bất chấp quan điểm tiêu cực về nền kinh tế, 63% người Mỹ có việc làm không lo bị mất việc, tăng 5 điểm so với tháng 11, và 37% số người được hỏi mong muốn trong năm tới tiền lương sẽ tăng.

Tuy nhiên, hầu hết người dân nước này cho rằng, tiền lương không theo kịp lạm phát. Chỉ 5% cho biết thu nhập hộ gia đình đang tăng nhanh hơn lạm phát, 26% cho biết đang theo kịp tốc độ và 67% cho biết đang bị tụt lại phía sau.

Đại đa số người được khảo sát nhận thấy, phải thay đổi cách chi tiêu và lối sống do lạm phát. 81% số người được hỏi nói đang phải chỉ tiêu ít hơn cho giải trí, du lịch ít hơn hoặc sử dụng tiền tiết kiệm để thanh toán mua hàng.

Ngoài ra, người dân tại nền kinh tế lớn nhất thế giới cũng có cái nhìn bi quan về thị trường chứng khoán. Chỉ 24% cho rằng hiện tại là thời điểm tốt để đầu tư vào cổ phiếu.

1/5 số người được hỏi đã thực hiện một số hành động để hưởng lợi từ lãi suất cao, như chuyển tài khoản ngân hàng, mua quỹ thị trường tiền tệ hoặc chứng chỉ tiền gửi. Phần lớn cho rằng, ít có khả năng mua xe hơi hoặc nhà mới do lãi suất tăng cao.

* Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã cho công bố Sách Beige có tên chính tức là “Tóm tắt Các bình luận về tình trạng kinh tế hiện tại” ngày 19/4.

Trong phiên bản cập nhật mới nhất của Sách Beige, giới chức Fed đánh giá, nền kinh tế vĩ mô của Mỹ không có nhiều biến động trong thời gian qua, dù các tiêu chuẩn cho vay đang ngày càng siết chặt để ứng phó với nguy cơ bất ổn của ngành ngân hàng và quan ngại về tính thanh khoản.

Cuốn sách cho rằng dù khu vực ngân hàng đã bước đầu tránh được một cuộc sụp đổ dây truyền, nhưng thị trường tài chính vẫn chưa có dấu hiệu khởi sắc. Nhiều ngân hàng khu vực của Mỹ báo cáo tình trạng nhu cầu vay vốn giảm trên diện rộng, tín dụng tiếp tục bị thắt chặt và tỷ lệ nợ quá hạn thế chấp tăng nhẹ.

Sách Beige nhận định, nền kinh tế đang chứng kiến tỷ lệ tăng trưởng việc làm ở mức vừa phải, chi phí tiền lương tiếp tục tăng. Một số chi nhánh Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ khu vực báo cáo tốc độ tăng trưởng việc làm chậm hơn và nguồn cung lao động tăng.