Sáng 24/2, PV trao đổi với ông Nguyễn Ngọc Lợi (SN 1953, quê ở tỉnh Phú Thọ) sau khi ông được Thanh tra Chính phủ "giải oan khuất" sau hơn 32 năm kiên trì khiếu nại. Vụ việc đang thu hút sự quan tâm rất lớn của dư luận xã hội.
Lấy vợ không được đăng ký, con sinh ra không được khai sinh
Cảm xúc của ông như thế nào sau khi Thanh tra Chính phủ có Thông báo kết quả giải quyết vụ việc khiếu nại của ông và chỉ ra hàng loạt sai phạm của các cơ quan liên quan, cũng như yêu cầu phải giải quyết các chế độ chính sách cho ông theo đúng quy định pháp luật?
- Tôi đã theo đuổi vụ việc từ khi còn là thanh niên tới tuổi già, thực chất là 37 năm chứ không phải 32 năm. Tôi cảm ơn Thanh tra Chính phủ và báo chí đã chia sẻ. Chia sẻ để thấy được khát vọng giải oan của tôi.
Trong suốt thời gian đó nhiều khi mất tia hy vọng, nhưng tôi vẫn giữ niềm tin vào chân lý, niềm tin vào Đảng, thể chế. Bây giờ tôi như hồi sinh, nói như một người bạn tôi là "như đã có án tử hình nhưng bây giờ lại có một cái giấy khai sinh".
Bản thân tôi cũng thấy rằng vụ việc của tôi là một vụ rất khó, kéo rất dài và đã qua nhiều cơ quan vào cuộc giải quyết nhưng không giải quyết được. Quy mô vụ việc cũng rất lớn vì liên quan đến nhiều bộ, ban, ngành.
Trong vụ việc của tôi có góc khuất, thuộc về lịch sử. Trường đã có văn bản chuyển về Vĩnh Phú, sau đó tỉnh Vĩnh Phú chia tách thành tỉnh Phú Thọ và Vĩnh Phúc thì bộ hồ sơ bị mất, nên không có cơ sở giải quyết. 3 Thủ tướng Chính phủ, Văn phòng Trung ương Đảng đã có ý kiến, chỉ đạo giúp đỡ nhưng vẫn không tìm được hồ sơ gốc.
Nhờ Thanh tra Chính phủ vào cuộc nên đã tìm được hồ sơ gốc của tôi đang ở Trường Đại học Y-Dược, Đại học Thái Nguyên, đó là cơ bản nhất để giải quyết chế độ chính sách cho tôi.
Ngay sau khi báo chí đăng tải thông tin vào tối hôm qua (23/2), điện thoại của tôi đã nhận được trên 300 tin nhắn của anh em, bạn bè, đồng đội cũ hỏi thăm, chia sẻ với tôi.
Tôi đã như một người bị loại ra ngoài xã hội, không có hộ khẩu, không có hồ sơ, không được thực hiện những quyền công dân rất cơ bản, khó khăn tiếp cận dịch vụ công ích xã hội vì thiếu hồ sơ; thậm chí đang là cán bộ công nhân viên bỗng bị loại ra ngoài. Bây giờ tôi được nhập hộ khẩu, biên chế lại, được khẳng định, đưa vào danh sách người có công, tôi cảm thấy đây là một cuộc hồi sinh.
Ông đã mưu sinh như thế nào để có thể đeo đuổi khiếu nại suốt 32 năm qua và tin tưởng đến một ngày vụ việc của mình sẽ được giải quyết thấu đáo, đúng pháp luật?
- Tôi không có hồ sơ gốc, không được công nhận là bộ đội, không phải công dân vì khi Chứng minh nhân dân hết hạn thì không được đăng ký lại, vì không có hộ khẩu. Lấy vợ không được đăng ký vì không có cơ quan nào xác nhận. Con sinh ra không được khai sinh…
Tôi đã có thời gian không được tiếp cận với dịch vụ công ích của xã hội. Một người không có Chứng minh thư nhân dân thì đi tàu người ta còn không cho lên, vào nhà hàng, khách sạn họ không cho ở.
Tìm được việc làm cũng rất khó khăn. Cũng may tôi là một quân nhân, từng hoạt động với nhiều cán bộ có công với cách mạng, họ đã đứng ra bảo lãnh, nên tôi mới được cư ngụ lại ở ngôi nhà cũ ở Hà Nội và đi làm, ký hợp đồng khoán việc, chứ không được ký hợp đồng lao động. Vì không có hộ khẩu, Chứng minh thư nhân dân nên tôi chỉ được ký hợp đồng khoán việc thôi.
Tôi đi viết báo cũng chỉ được hưởng nhuận bút, không được ký biên chế. Tôi đến Bệnh viện Bạch Mai làm việc cũng chỉ được hưởng khoán việc.
Suốt thời gian đó tôi viết báo, khám chữa bệnh thuê cho một số bác sĩ, vì tôi còn phải nuôi mẹ già, chị gái tàn tật, nuôi con cái ăn học.
Tôi rất may mắn khi có anh em đơn vị cũ đóng góp giúp đỡ, tôi dùng vốn đó để làm một số việc khác để mưu sinh từ đó tới nay. Một số cơ quan báo chí cũng giúp đỡ tôi, trong đó có cả Báo đã tạo điều kiện đăng tải các bài báo tôi viết và trả nhuận bút cao hơn quy định để tôi tồn tại đến ngày hôm nay.
Ông có mong muốn những kiến nghị xử lý vụ việc mà Thanh tra Chính phủ đã nêu ra sẽ nhanh chóng được các bộ ngành, cơ quan liên quan giải quyết dứt điểm?
- Khi cầm quyết định giải quyết vụ việc của mình, tôi rất phấn khởi, thực chất mình đã được trả lại chính cái tên của mình.
Tôi là quân nhân được cử đi học nhưng đã bị loại ra ngoài. Nhưng cái chính nhất là danh dự của tôi được khôi phục, bạn bè đồng đội, rồi ngay cả con em tôi cũng thấy được niềm vinh dự.
Quyền lợi về vật chất được phục hồi rất quý nhưng cái lớn nhất là danh dự của tôi đã được trả lại.
"Không để hiện tượng oan sai như chúng tôi tiếp tục xảy ra"
Trong suốt 32 năm qua, có thời điểm nào ông thấy nản chí, chùn bước khi vụ việc của mình không được các cơ quan chức năng giải quyết đúng pháp luật?
- Lâm vào cảnh này, tôi đã xem rất nhiều trường hợp tương tự và thấy không ít người đã rơi vào trạng thái bất mãn, ở ẩn. Nhưng với bản thân tôi, tôi vẫn tin tưởng vào Đảng, Nhà nước chắc chắn không bỏ rơi mình.
Vừa rồi Thủ tướng Chính phủ cũng nói rất rõ rằng "Một người ở bất kỳ vị trí nào mà làm sai thì chúng tôi cũng không bênh vực. Một người dân yếu thế bị oan sai thì chúng tôi cũng không bỏ rơi". Hôm nay tôi thấy câu nói của Thủ tướng hoàn toàn đúng.
Ông có mong mỏi Thanh tra Chính phủ sẽ tiếp tục giải quyết dứt điểm, thấu đáo những vụ việc có dấu hiệu oan sai tương tự như của mình ?
- Tôi cũng thấy trăn trở với câu hỏi này. Tôi cũng đau đáu. Tôi chỉ là giọt nước nhưng giải quyết vụ việc này sẽ tạo ra tiền lệ để giải quyết các vụ việc khác. Bao nhiêu đơn thư đùn đẩy từ cấp dưới lên cấp Trung ương chính là do cán bộ cấp dưới tắc trách.
Thanh tra Chính phủ đã mở một con đường, làm một mô hình rất mô phạm trong việc giải quyết của tôi. Công việc của tôi nhiều cơ quan giải quyết trong 32 năm qua không xong nhưng sau khi Thủ tướng có ý kiến chỉ đạo, Thanh tra Chính phủ vào cuộc thì đã giải quyết 15 ngày tới 1 tháng đã xong.
Có cán bộ thanh tra đã nói rằng, việc của tôi, nếu thực chất đọc lên thì sẽ thấy chỉ cần đi từ Thái Nguyên về Phú Thọ 2 ngày là giải quyết được, nhưng chỉ một tình tiết thôi mà đã bị kéo dài 10 năm, nhiều tình tiết khác còn kéo dài hơn nữa.
Đoàn xác minh vụ việc của Thanh tra Chính phủ đều là những cán bộ rất trẻ, nhưng họ đã hiểu được khát vọng giải oan của tôi. Đây là bài học rất lớn để các cơ quan liên quan, tạo tiền lệ không để hiện tượng oan sai như chúng tôi tiếp tục xảy ra.
Xin cảm ơn ông!
Phó Tổng Thanh tra Chính phủ: "Điều rất đáng trân trọng"
Ông Trần Ngọc Liêm - Phó Tổng Thanh tra Chính phủ khẳng định vụ việc đã được giải quyết đúng quy định trong từng giai đoạn lịch sử, đảm bảo sự chính xác, khách quan, thận trọng và đảm bảo các kiến nghị có tính khả thi.
"Ông Lợi nguyên là quân nhân, giữ được bản chất người lính nên quá trình 32 năm đi khiếu nại đã luôn tin tưởng vào cấp trên, tin vào Đảng, vào chế độ, chỉ thuần túy đề nghị giải quyết chế độ, chính sách mà ông Lợi đáng được hưởng, không tạo ra các tình huống phức tạp và ảnh hưởng đến tổ chức, đơn vị mình công tác. Ông ấy đã kiên trì, lạc quan, vừa khiếu nại, vừa cố tìm cách sống có ích với tình yêu thương đùm bọc của đồng chí, đồng đội. Đây là điều rất đáng trân trọng"- ông Liêm nói.