Theo số liệu mới nhất từ Ngân hàng Nhà nước, tính đến cuối tháng 1/2022, tổng phương tiện thanh toán toàn nền kinh tế đã đạt gần 13,75 triệu tỷ đồng, tăng 2,59% so với cuối năm 2021. Thay đổi này tương đương với việc đã có thêm gần 350.000 tỷ đồng được đưa vào nền kinh tế chỉ trong tháng 1.
Nếu tính từ thời điểm NHNN bắt đầu thống kê số liệu tiền tệ hàng tháng (năm 2012), tỷ lệ tăng trưởng tổng phương tiện thanh toán tháng 1/2022 là mức cao thứ hai, chỉ sau tháng 1/2019. Còn nếu xét theo số tuyệt đối, mức tăng gần 350.000 tỷ đồng trong tháng đầu năm nay là đà tăng mạnh nhất kể từ năm 2012.
Đi cùng mức tăng mạnh của tổng phương tiện thanh toán trong nền kinh tế, thị trường tiền tệ tháng 1 cũng ghi nhận xu hướng dòng tiền gửi của nhóm khách hàng doanh nghiệp được rút ra khỏi ngân hàng, trong khi dòng tiền của nhóm khách hàng cá nhân đã tăng trở lại ở kênh tiền gửi.
Theo đó, trong tháng 1, số dư tiền gửi của các tổ chức kinh tế, doanh nghiệp tại ngân hàng đã giảm ròng 1,21%, đạt mức 5,577 triệu tỷ đồng. Như vậy, đã có trên 68.000 tỷ đồng tiền gửi của nhóm khách hàng này bị rút khỏi hệ thống ngân hàng.
Tổng phương tiện thanh toán toàn nền kinh tế đã tăng gần 350.000 tỷ đồng chỉ trong tháng 1/2022. Ảnh: Hoàng Hà. |
Số liệu này cũng phù hợp với việc nền kinh tế phục hồi từ cuối năm 2021 và đầu năm 2022 khi dịch Covid-19 đã cơ bản được khống chế. Ngoài ra, xu hướng này cũng giống mới mọi năm khi dòng tiền gửi của các tổ chức kinh tế và doanh nghiệp thường xuyên bị rút ròng khỏi ngân hàng trong tháng đầu tiên hàng năm. Một phần nguyên nhân vì đây là thời điểm các doanh nghiệp rút tiền để thực hiện việc chi trả lương, thưởng cuối năm cho người lao động ngay trước Tết Nguyên đán.
Trong khi đó, dòng tiền gửi ngân hàng của người dân lại tăng mạnh trong tháng 1.
Cụ thể, số dư tiền gửi của dân cư tại các ngân hàng đến cuối tháng 1 năm nay là hơn 5,403 triệu tỷ, tăng 1,95%, tương đương hơn 103.000 tỷ đồng đã được người dân mang gửi thêm vào ngân hàng chỉ trong một tháng.
Mức tăng trưởng này cao hơn nhiều so với cùng kỳ tháng 1/2021, khi số dư tiền gửi của dân cư giảm ròng 0,32%. Đây cũng là mức tăng trưởng số dư tiền gửi dân cư cao nhất trong vòng 10 tháng (kể từ tháng 2/2021 với mức tăng ròng 2,69%).
Với mức tăng hơn 103.000 tỷ đồng kể trên, bình quân mỗi ngày trong tháng 1, người dân đã mang hơn 3.400 tỷ đi gửi vào ngân hàng.
MỨC TĂNG/GIẢM TIỀN GỬI CỦA DOANH NGHIỆP VÀ NGƯỜI DÂN HÀNG THÁNG | ||||||||||||||
Nguồn: NHNN; Tổng hợp | ||||||||||||||
Nhãn | Tháng 1/2021 | 2 | 3 | 4 | 5 | 6 | 7 | 8 | 9 | 10 | 11 | 12 | Tháng 1/2022 | |
Tiền gửi của doanh nghiệp | tỷ đồng | -20296 | -141640 | 202999 | 58782 | 59121 | 74225 | -25906 | 59148 | 113858 | -7896 | 153212 | 241760 | -68238 |
Tiền gửi của người dân | -16539 | 138369 | -13365 | 11960 | 13431 | 17354 | 1250 | -986 | -1473 | 8503 | -23408 | 23527 | 103166 |
Cũng theo số liệu của NHNN, trong cả năm 2021 trước đó, số dư tiền gửi của nhóm khách hàng dân cư tại các ngân hàng chỉ tăng 3,08%, chưa bằng 1/5 so với mức tăng trưởng của số dư tiền gửi doanh nghiệp (15,73%). Năm 2021 cũng đánh dấu số dư tiền gửi của dân cư tăng trưởng thấp nhất trong gần một thập niên đã qua.
Nguyên nhân chính dẫn tới xu hướng này do dịch Covid-19 tác động mạnh đến nền kinh tế, dẫn tới hầu hết ngân hàng đều phải giảm lãi suất để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp duy trì sản xuất kinh doanh.
Trong khi đó, từ cuối năm 2021 đến nay, khi nền kinh tế bắt đầu phục hồi nhờ dịch Covid-19 được khống chế, mặt bằng lãi suất đã có xu hướng tăng trở lại. Trong đó, nhiều nhà băng đã tăng 0,5-1 điểm % lãi suất tiết kiệm, thậm chí có nhà băng tăng tới hơn 2 điểm % với các sản phẩm chứng chỉ tiền gửi.
Theo các chuyên gia phân tích tại SSI Research, mặt bằng lãi suất hiện tại đã chạm đáy và khó có thể giảm thêm. Từ nay đến cuối năm 2022, lãi suất tiền gửi và cho vay sẽ bắt đầu nhích tăng, trong đó, mức tăng lãi suất sẽ phụ thuộc nhiều vào khả năng hồi phục của nền kinh tế và diễn biến của lạm phát.