Từ xa xưa, người Dao Quần Chẹt luôn quan niệm rằng trong đời sống của họ luôn có thần linh che chở, vì vậy đồng bào lập miếu để thờ. Vào các mùa xuân, hạ, thu, đông, đồng bào đều có những nghi lễ gắn với sinh hoạt cộng đồng, thể hiện đời sống tâm linh của họ, đặc biệt là những nghi lễ liên quan đến sản xuất nông nghiệp của đồng bào.

Người Dao quần chẹt ở huyện Sơn Dương. Ảnh: K.

Lễ cầu mùa màng

Vào thời điểm bắt đầu mùa vụ, đồng bào làm lễ cầu xin thần thánh phù hộ cho cả làng không ai bị ốm đau, mọi người, mọi nhà làm ăn may mắn. Các gia đình góp trứng hoặc gà, gạo, rượu đem đến nhà trùm làng để làm lễ khấn Ngọc Hoàng, thần miếu, thổ địa, tổ tiên của các dòng họ trong làng để xin được phù hộ cho dân làng khỏe mạnh, nuôi trâu bò lợn gà nhanh lớn, lúa ngô hoa màu xanh tốt và xin hứa cuối năm sẽ trả ơn. 

Lễ cầu mùa là nghi lễ mang tính cộng đồng, được người Dao Quần Chẹt tổ chức đơn giản, tiết kiệm, phù hợp với điều kiện sinh sống của đồng bào.

Lễ hạ điền

Xưa, đồng bào Dao Quần Chẹt làm nương một vụ, sau khi tìm đất, phát nương, tháng 4 mới là lúc tra hạt. Khi chuẩn bị tra hạt, trùm làng sẽ đại diện cho dân làng chọn một ngày tốt trong tháng để làm lễ cúng hạ điền.

Lễ hạ điền được thực hiện để xin thần thánh cho mưa thuận, gió hòa để dân làng bắt đầu vào bắt tay tra hạt.

Ngày làm lễ mỗi gia đình sẽ đem đến vài bông lúa, ghi tên gia đình mình và gài lông ngan, gà, vịt, treo trên dây khoai lang... để đặt lên lễ cúng Ngọc Hoàng thần Miếu. Khi cúng sẽ chiêu hồn lúa, ngô, khoai, sắn, lợn, gà... vào bông lúa để các gia đình đem về gài lên vách nhà. Theo quan niệm của đồng bào, thần thánh sẽ phù hộ cho các gia đình chăn nuôi, gieo trồng tốt.

Buổi chiều hôm đó, mỗi gia đình phải đi tra một ít hạt lúa để lấy may mắn.

Lễ cầu cho mùa màng tươi tốt

Vào ngày mùng 6 tháng 6 âm lịch, đồng bào thường tổ chức cúng tại Miếu làng để cầu cho mùa màng tươi tốt. Thực hiện nghi lễ này ngoài trùm làng, làng cử thêm 3 người để tham gia cúng thần miếu, các vị thần phù hộ chăn nuôi, người khai thiên lập địa và tổ tiên của các dòng họ trong làng để cầu xin thần thánh, tổ tông phù hộ cho cây lúa trổ bông, chắc hạt. Lễ cúng phải có cơm lẫn khoai sọ, khoai trứng.

Trong lễ cúng thường kết hợp cúng giết sâu bọ với cách làm tượng trưng là bắt sâu bọ vào thuyền giấy đặt cạnh mâm cúng, cúng xong cho thuyền trôi theo dòng nước để mang sâu bọ đi, không quấy phá mùa màng.