nganh-thue-1625795240.jpeg

Lách thuế

Chị Bích Thu (Đống Đa, Hà Nội) vừa chuyển nhượng mảnh đất 36m2 tại Thanh Trì (Hà Nội) chia sẻ, đất của chị có sổ đỏ và thực hiện hợp đồng mua bán qua phòng công chứng. Tại phòng công chứng, nhân viên soạn cho chị hợp đồng với mức giá chuyển nhượng chỉ 100 triệu đồng, trong khi thực tế mảnh đất bán được giá 2,3 tỷ đồng. Chị Thu cho hay: “Bản thân tôi khi mua bán qua phòng công chứng, họ cũng hướng dẫn như thế để người bán không chịu thuế chuyển nhượng cao. Mọi thủ tục khi gửi lên văn phòng đăng ký đất đai để áp thuế không ai thắc mắc gì nên việc ghi mức giá giao dịch dưới giá trị thật của mảnh đất diễn ra thường xuyên mỗi khi tôi chuyển nhượng đất”. Nhiều người dân khi bán nhà, chuyển nhượng đất có sổ đỏ đều ký hợp đồng mua bán qua phòng công chứng với giá bán thấp hơn rất nhiều so với giá trị tài sản thanh toán thực tế. Việc này một phần vì sự yêu cầu lách để đóng thuế ở mức thấp nhất của người dân cũng như sự tiếp tay của văn phòng công chứng.

Không chỉ người dân làm hợp đồng mua bán bất động sản dưới giá thành để lách thuế, các chủ đầu tư dự án lớn cũng dùng cách ghi giá bán dưới giá trị thật của bất động sản để không phải chịu mức thuế tương ứng. Thế mới có chuyện, dự án vừa mở bán đã có giá chênh nhưng thực chất là chủ đầu tư bán 2 giá (giá trong hợp đồng có hoá đơn và giá ngoài hợp đồng không có hoá đơn).

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP. HCM (HoREA) nhận định: “Việc mua bán có tiền chênh ngoài hợp đồng bằng hình thức kê khai 2 giá khi bán hàng là hành vi vi phạm pháp luật về thuế của doanh nghiệp. Tuy nhiên, người mua nhà chấp nhận điều đó để đỡ phải chịu thuế, làm như vậy là đã tiếp tay cho chủ đầu tư trốn thuế.Cả khách hàng và doanh nghiệp đang thấy lợi trước mắt mà không nhìn thấy cái hại lâu dài, bởi thực trạng này góp phần khiến cho thị trường bất động sản thiếu minh bạch”.

Tại Dự án khu đô thị New City (Phố Nối, Hưng Yên) mở bán từ giai đoạn 1 năm 2019, khách hàng mua đất phải chấp nhận trả 2 loại giá. Cụ thể, giá đất được chia thành 2 phần: Giá ghi trong hợp đồng chuyển nhượng thấp hơn giá khách phải thanh toán, phần tiền chênh khoảng 325 - 590 triệu đồng/lô được tách thành “phí dịch vụ”.

Hay như dự án liền kề Golden Pearl (Hoàng Mai, Hà Nội) cũng được chủ đầu tư tách ra 2 phần giá, tổng giá trị hợp đồng mua bán (gồm đất và phần xây thô) thấp hơn so với tổng giá trị của một lô liền kề 71m2 và 115m2 tương ứng là 3,4 và 6,5 tỷ đồng. Số tiền chênh giữa giá trị thực tế khách hàng phải thanh toán so với hợp đồng mua bán được quy vào mục “cơ hội mua”. Thực tế, giá bán đất liền kề tại đây lên tới hơn 100 triệu đồng/m2.

Cơ quan thuế sẽ giám sát

Trao đổi với PV Tiền Phong, một cán bộ Tổng cục Thuế cho hay, với giá giao dịch bất động sản, tổ chức, cá nhân kê khai để nộp thuế, cơ quan thuế sẽ giám sát, nếu thấy thấp hơn giá trên thị trường có thể thực hiện thanh, kiểm tra. Cơ quan thuế so sánh giá mua bán với bảng giá đất của địa phương, so sánh giá thị trường… “Nếu phát hiện sai phạm, cơ quan thuế có thể áp giá tính thuế và buộc cá nhân, tổ chức nộp bổ sung tiền thuế, xử phạt chậm nộp”, cán bộ Tổng cục Thuế cho hay. Mới đây một số cá nhân bị cơ quan công an khởi tố vì tội trốn thuế liên quan tới hoạt động kinh doanh bất động sản.

Cục Thuế Hà Nội cũng vừa có thư ngỏ khuyến nghị người dân chấp hành đầy đủ quy định khi chuyển nhượng bất động sản. Cục thuế cho rằng, thời gian qua có những trường hợp khai không đúng giá mua bán bất động sản, trong đó có cả các trường hợp do tư vấn trái pháp luật. Hậu quả có thể ảnh hưởng lâu dài tới cả bên mua/bán và các bên liên quan.

“Việc kê khai giá chuyển nhượng BĐS trên hợp đồng, tờ khai thuế nhằm giảm số thuế phải nộp là hành vi trái pháp luật, tiềm ẩn rủi ro pháp lý trong quá trình sử dụng tài sản, như khiếu nại, tố cáo, đền bù… Việc khai sai giá trị tài sản để nhằm giảm tiền thuế phải nộp có thể gây nên những phiền hà, thiệt hại nếu cơ quan thuế, cơ quan bảo vệ pháp luật xác minh khi nghi ngờ có sự gian dối nhằm trốn thuế”, Cục Thuế Hà Nội khuyến cáo.

Qua thư ngỏ, cơ quan thuế khuyến nghị người dân khi giao dịch BĐS cần thực hiện đúng thủ tục, trung thực kê khai giá chuyển nhượng, giá kê khai thuế. Trường hợp đã “lỡ” kê khai sai giá trên hợp đồng mua bán, người dân nên huỷ công chứng cũ và lập công chứng mới. Nếu “lỡ” khai thuế sai giá, người dân nên liên hệ với cơ quan thuế để điều chỉnh bổ sung thuế thu nhập cá nhân và lệ phí trước bạ.

Tại TPHCM, Cục thuế địa phương cũng xác định giao dịch bất động sản là 1 trong 8 lĩnh vực có rủi ro cao về thuế và trình lãnh đạo TPHCM chỉ đạo các sở ngành cùng có giải pháp chống thất thu. Trong đó có giải pháp phối hợp giữa ngành thuế và sở TN&MT trường các tỉnh để rà soát hợp đồng thuê, mua bán BĐS. Ngành Thuế cũng căn cứ bảng giá đất trên địa bàn, giá các giao dịch trong cùng địa bàn để làm cơ sở xác định giá trong các hợp đồng mua bán, phối hợp với các phòng công chứng để nắm thông tin hợp đồng mua bán bán bất động sản.

Tổng cục Thuế chỉ đạo các cục thuế địa phương tăng cường quản lý hoạt động chuyển nhượng bất động sản, chống thất thu, gian lận thuế. Các cơ quan thuế cần rà soát hồ sơ thuế giao dịch bất động sản để thanh kiểm tra, nhất là với doanh nghiệp thực hiện dự án bất động sản đã mở bán nhưng không công khai thông tin.

Các cục thuế đề xuất UBND tỉnh, thành chỉ đạo phòng công chứng trên địa bàn cung cấp hồ sơ mua/bán BĐS đã công chứng cho cơ quan thuế; Đề nghị sở TN&MT cung cấp thông tin dự án BĐS chuyển nhượng, dự án đưa vào kinh doanh, đăng ký chuyển quyền hoặc chuyển mục đích sử dụng đất để giám sát thực hiện nghĩa vụ thuế.

Ngọc Mai- Lê Hữu Việt

Tiền Phong