Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh Quảng Nam thông tin trong năm 2022 có 1.224 doanh nghiệp thành lập mới (tăng 3,2% so với năm trước), 919 doanh nghiệp tạm ngừng (tăng 24,86%), 217 doanh nghiệp giải thể (tăng 1,9%).
Trên địa bàn tỉnh có 2.920 doanh nghiệp có quan hệ tín dụng với các ngân hàng thương mại, đạt dư nợ 42,25 nghìn tỷ đồng, chiếm 42,97% tổng dư nợ cho vay trên địa bàn, tăng 18,88% so với đầu năm.
Nợ xấu cho vay doanh nghiệp là 427 tỷ đồng, chiếm 1,01% tổng dư nợ cho vay doanh nghiệp, chiếm 60,56% nợ xấu trên địa bàn (năm 2021: nợ xấu cho vay doanh nghiệp chiếm 44,9% tổng nợ xấu toàn địa bàn).
Ông Trần Quốc Bảo, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Quảng Nam, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn VN Đà Thành, cho hay trải qua 2 năm dịch, các doanh nghiệp rơi vào tình trạng tàn tạ. Trong hiệp hội doanh nghiệp tỉnh cũng có những doanh nghiệp phải bán đi.
Vì vậy, ông Bảo đề nghị với Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Quảng Nam có kiến nghị với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam xem xét, tính toán lại những bất cập trong Thông tư 03 và 04 liên quan đến việc cơ cấu nợ, để tránh đẩy các doanh nghiệp vào diện nợ xấu.
“Vấn đề này không chỉ riêng ở tỉnh Quảng Nam mà hầu hết địa phương khác cũng vậy. Các vấn đề này chỉ có Ngân hàng Nhà nước mới có thể tháo gỡ", ông Bảo nói.
Liên quan đến ngành bất động sản, ông Bảo chua chát nói rằng ngành phát triển đô thị, bất động sản không biết từ khi nào lại trở thành tội đồ, trong khi luôn có đóng góp quan trọng cho nền kinh tế.
“Ai có công thì xét công, ai có tội thì nhà nước xử lý. Chúng ta không nên đánh đồng, đặc biệt là khi ngành bất động sản đóng một vai trò quan trọng trong việc phát triển kinh tế ở các địa phương. Tôi đề nghị Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Quảng Nam cùng với các ngân hàng cổ phần lưu tâm đặc biệt đối với ngành bất động sản”, ông Bảo chia sẻ.
Theo ông Bảo, ngành bất động sản hiện nay có 2 vấn đề cần xử lý là nợ quá hạn và lãi suất, nếu không giải quyết hiệu quả thì bong bóng bất động sản rất dễ vỡ, gây ảnh hưởng lớn nền kinh tế.
“Theo thông tin tôi nắm được thì giao dịch bất động sản gần như vẫn chưa có. Không có giao dịch thì doanh nghiệp lấy tiền đâu trả nợ ngân hàng?”, ông Bảo nêu thực trạng.
Đáp lời ông Bảo, đại diện một ngân hàng có chi nhánh tại địa bàn Quảng Nam cho biết khó khăn trong giải ngân vốn vay hiện nay nằm ở thủ tục, pháp lý. Vấn đề này phụ thuộc rất nhiều vào các sở, ban, ngành, bởi có thông được thủ tục pháp lý thì mới hoàn thiện được hồ sơ tài sản bảo đảm, từ đó ngân hàng mới có thể cho vay.
“Từ khi cấp đất cho đến khi được giao sổ đỏ để định giá, doanh nghiệp bị chậm rất nhiều. Có những doanh nghiệp cam kết với tôi đến tận 3 lần và hứa 6 tháng sau sẽ bổ sung. Tuy nhiên đến hạn, các doanh nghiệp không thể thực hiện được, do vướng trong chuyện pháp lý”, vị đại diện ngân hàng này cho hay.