Ông Nguyễn Văn Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cũng giao cho Công an tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu phối hợp với các sở, ngành liên quan rà soát, thẩm tra mối quan hệ giữa những người tham gia đấu giá, trực tiếp đấu giá khu đất rộng gần 80.000m2 ở An Hải-An Hội, huyện Côn Đảo với giá khởi điểm 537,1 tỷ đồng, hình thức thuê đất trả tiền một lần.

Ngày 25/12/2019, khu đất trên được đưa ra đấu giá có hai cá nhân tham gia là bà Trần Ngọc B. (ngụ đường Chu Văn An, phường 12, quận Bình Thạnh, TPHCM) và bà Võ Thị K.C. (ngụ phường 5, quận Phú Nhuận, TPHCM). Tại vòng 1, bà Trần Ngọc B. trả giá hơn 537,3 tỷ đồng, còn bà Võ Thị K.C trả giá 537,2 tỷ đồng. Sang vòng 2, cả hai người này đều không nhận phiếu trả giá và kết quả, bà Trần Ngọc B trúng đấu giá với số tiền như trên.

Quá trình thẩm định vụ đấu giá, Sở Tư pháp tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu xác định mối quan hệ nhân thân của những người tham gia đấu giá.

Ở tỉnh Long An, kết luận thanh tra về việc chấp hành pháp luật về thực hiện đầu tư xây dựng, việc tổ chức bán đấu giá đất tại UBND thị xã Kiến Tường của Thanh tra tỉnh Long An đã nêu ra hàng loạt sai phạm. Theo đó, việc xác định giá đất khởi điểm các lô nền chưa thực hiện đúng trình tự, thủ tục, đồng thời quy trình xác định giá đất có dấu hiệu “dìm giá” gây thất thoát ngân sách nhà nước.

Cụ thể, tại cụm Khu dân cư Đô thị Sân bay (giai đoạn 1) có 343 lô đất nền, giá khởi điểm 136,7 tỷ đồng, giá trúng đấu giá 140,663 tỷ đồng. Như vậy, giá trúng đấu giá chỉ tăng so với giá khởi điểm chưa đến 3%. Đáng chú ý, có 313 lô đất nền có 5 người mua hồ sơ và trúng đấu giá với một mức giá ngang nhau, gồm ông Nguyễn Quốc Bảo (116 lô), Lê Nguyễn Vũ Linh (35 lô), Nguyễn Quốc Thảo (97 lô), bà Vũ Thị Thu Thảo (29 lô) và Vũ Nguyễn Thị Diễm Thúy (36 lô).

Sau khi được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, ngày 2/4/2018, cả 5 người trúng đấu giá trên đều làm hợp đồng ủy quyền cho Công ty CP Kinh doanh Bất động sản Cát Tường (xã Mỹ Hạnh Nam, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An) để tư vấn.

 Ngăn ngừa sai phạm trong đấu giá đất: Giải pháp nào đủ mạnh, hợp lý?  - Ảnh 1.

Dự án Helianthus Center Red River bị công an xác định là có sai phạm trong đấu giá, cụ thể là dìm giá, thông đồng…

Thanh tra tỉnh Long An cho rằng, hành vi vi phạm pháp luật của 5 người tham gia đấu giá, Công ty TNHH Dịch vụ Đấu giá và Tư vấn Miền Nam và Công ty CP Kinh doanh Bất động sản Cát Tường nêu trên có dấu hiệu thông đồng, móc nối với người tham gia đấu giá khác để dìm giá gây thiệt hại cho ngân sách nhà nước, vi phạm tại điểm b, khoản 5, Điều 9, Luật Đấu giá tài sản năm 2016.

Gần đây nhất, tại Thanh Hóa, Cảnh sát điều tra tỉnh này đang điều tra làm rõ hoạt động đấu giá nhiều mặt bằng dự án bất động sản có nhiều sai phạm ở Công ty đấu giá hợp danh Hoàng Nguyên. Thông tin của PV Tiền Phong tính đến chiều 3/4 cho biết, sau khi bị Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Thanh Hóa khám xét trụ sở, Giám đốc Công ty đấu giá hợp danh Hoàng Nguyên bà Lê Thị Hiền Lương đã ký các thông báo chấm dứt hợp đồng đấu giá và không tổ chức đấu giá quyền sử dụng đấtnhiều mặt bằng quy hoạch tại Thanh Hóa.

Bộ Xây dựng cũng kiến nghị Bộ TNMT, Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ được giao tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về đấu giá quyền sử dụng đất, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật về đấu giá, có yếu tố trục lợi trong đấu giá quyền sử dụng đất;

Cụ thể, chấm dứt hợp đồng đấu giá và không tổ chức đấu giá tại Khu dân cư mới (phía Bắc đường vào Bệnh viện đa khoa huyện Thiệu Hóa- Thanh Hóa) và Khu dân cư Đồng Cửa Đình, thôn Giao Sơn, xã Thiệu Giao, huyện Thiệu Hóa. Công ty này sẽ hoàn trả lại toàn bộ tiền mua hồ sơ tham gia đấu giá cho khách hàng. Việc tổ chức đấu giá lại quyền sử dụng đất ở 2 dự án trên do UBND huyện Thiệu Hóa quyết định.

Trước đó, chiều 21/3/2022, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Thanh Hóa đã khám xét trụ sở của Công ty đấu giá hợp danh Hoàng Nguyên tại Đông Thọ, TP Thanh Hóa; triệu tập hơn 10 người để phục vụ điều tra, làm rõ dấu hiệu sai phạm liên quan hoạt động của công ty này trong đấu giá nhiều mặt bằng quy hoạch đất.

Làm chặt có khó?

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA) cho rằng, chúng ta đã nhận thấy có mặt tích cực trong cơ chế đấu giá nhưng cũng nhận thức rõ còn nhiều khiếm khuyết, thậm chí lỗ hổng, kẽ hở để nhà đầu tư lợi dụng. Khoản 1, Điều 112, Luật Đất đai 2013 quy định nguyên tắc xác định giá đất phải phù hợp với giá phổ biến trên thị trường. Quy định này chưa định lượng, dẫn tới chuyện người định giá đất, người ký văn bản cuối cùng bị truy trách nhiệm cá nhân, rủi ro nghề nghiệp do khiếm khuyết từ cơ chế chính sách.

Ông Châu nói rằng, đấu giá theo hình thức trực tiếp bằng lời nói tại cuộc đấu giá không phù hợp với quyền sử dụng đất để làm một dự án bất động sản mà chỉ phù hợp với đấu giá 1 bức tranh, bình cổ, thanh lý tài sản.

Luật sư-Đấu giá viên Lê Trung Phát, Giám đốc Hãng luật Lê Trung Phát cho biết, để có được một phiên đấu giá đúng luật, bản thân người có tài sản bán đấu giá, tổ chức bán đấu giá, người tham gia đấu giá đều phải tuân thủ những quy định hết sức chặt chẽ theo quy định của Luật Đấu giá tài sản 2016 và các văn bản có liên quan.

Ông Lê Trung Phát nói rằng, vấn nạn “quân xanh quân đỏ”, dìm giá là việc không có gì lạ. Nhiều khi nó ảnh hưởng đến lợi ích của người có tài sản nhưng họ không dám lên tiếng. Do đó, nếu người tham gia đấu giá trúng đấu với giá chỉ cao hơn giá khởi điểm 3-5% thì quả thật cuộc đấu giá đó có vấn đề.

Để đảm bảo hoạt động đấu giá không làm thất thu ngân sách nhà nước, ông Phát nói rằng cần: Không cho đấu giá viên biết thông tin người tham gia đấu giá, chỉ cho biết số lượng người tham gia; Chỉ công bố đấu giá viên là người điều hành khi cuộc đấu giá sắp diễn ra; Tăng tính chịu trách nhiệm của người đứng đầu tổ chức đấu giá, có như vậy họ mới khách quan trong việc sắp xếp đấu giá viên, chịu trách nhiệm nếu cuộc đấu giá đó có vấn đề tiêu cực.

Theo DUY QUANG-Hoàng Lam

Tiền phong