Hàng loạt ngân hàng đua nhau rao bán bất động sản

Chỉ từ đầu tháng 7 đến nay, Ngân hàng VietinBank đã thông báo bán nhiều tài sản bảo đảm. Đơn cử như ngân hàng này thông báo bán đấu giá tài sản thế chấp là quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất tại Trung tâm thương mại phức hợp Cần Thơ Center 3,23 ha, giá khởi điểm là 190 tỉ đồng. Ngoài ra còn có 30 quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất với diện tích đất hơn 5 ha tại huyện Kỳ Sơn (Hòa Bình).

Mới đây nhất, ngày 21/7, VietinBank thông báo đấu giá quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất thửa đất số 1017 và 1018, tờ bản đồ số 8 tại thôn Trung Châu Đông, xã An Cầu, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình với giá khởi điểm gần 1,3 tỷ đồng.

Cùng với VietinBank, loạt ngân hàng tên tuổi như BIDV, Techcombank, Sacombank... cũng đồng loạt thông báo rao bán bất động sản cầm cố kể từ đầu năm đến nay.

Theo đó, BIDV đã đưa ra thông báo chọn tổ chức đấu giá tài sản thế chấp là quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất hình thành trong tương lai thuộc dự án Kenton Node (huyện Nhà Bè, TP.HCM). Toàn bộ số nợ gốc, tiền lãi phát sinh tại thời điểm bán đấu giá lên đến 4.063 tỉ đồng.

BIDV Chi nhánh Gia Định cũng nhiều lần rao bán hàng chục căn hộ tại chung cư Kỷ Nguyên The Era Town, phường Phú Mỹ, quận 7, TP.HCM. Giá bán khởi điểm dao động 2,1-5,5 tỉ đồng/căn.

Không chỉ các ngân hàng thương mại (NHTM) lớn, nhiều NHTM cổ phần quy mô vừa và nhỏ trong các ngày gần đây cũng ồ ạt rao bán khoản nợ hoặc phát mãi các tài sản thế chấp nhằm thu hồi khoản nợ. Phần lớn tài sản được các ngân hàng phát mại trong thời gian gần đây là bất động sản thương mại hay nhà ở dân cư.

Trên Website của NHTM Cổ phần Sài Gòn (SCB) đang rao bán trực tiếp 10 tài sản là bất động sản có giá trị thấp nhất từ vài tỷ đồng đến hàng trăm tỷ đồng.

Trong số này, một tài sản hiện được SCB rao bán với giá 830 tỷ đồng là kho Phước Sơn tại Thị xã Thuận An (Bình Dương). Nhiều tài sản khác là nhà ở dân cư và quyền sử dụng đất cũng đang được SCB rao bán với giá rao bán từ thấp nhất 2,2 tỷ đồng đến 10 tỷ đồng.

Đáng chú ý, ngân hàng này cũng đang rao bán nhiều khoản nợ gắn kèm với tài sản thế chấp là nhà ở, quyền sử dụng đất với giá rao bán từ 1,4 tỷ trở lên.

Một ngân hàng khác là LienVietPostBank trong thời gian gần đây cũng rao bán nhiều khoản nợ và đấu giá tài sản thế chấp cho khoản vay với giá rao bán từ vài trăm triệu đồng đến hàng trăm tỉ đồng.

Theo các chuyên gia, sở dĩ để xảy ra tình trạng này là do dịch Covid-19, số lượng DN giải thể, ngừng hoạt động những tháng đầu năm tăng cao so với cùng kỳ khiến nguy cơ nợ tiềm ẩn, nợ xấu ở các NH thương mại gia tăng.

Xu hướng đẩy mạnh rao bán tài sản thế chấp là BĐS để xử lý, thu hồi nợ đã được các NH thương mại xúc tiến thời gian qua và tiếp tục đẩy mạnh trong bối cảnh hiện nay.

Tổng giám đốc một công ty BĐS đã triển khai khá nhiều dự án tại TP.HCM cho biết rất quan tâm đến dự án BĐS phát mại. Bởi các dự án này đã qua một vòng kiểm tra pháp lý, định giá từ các NH thương mại, nhất là những dự án có vị trí tốt, giá chấp nhận được.

Tuy nhiên, khi mua các dự án phát mại, chủ đầu tư sẽ quan tâm thiết kế có sẵn có phù hợp với thực tế không, vì đa số dự án trước đây thiết kế căn hộ lớn hoặc tỉ lệ căn hộ không nhiều... Mua BĐS phát mại xong, DN muốn điều chỉnh sẽ tốn thời gian hoặc không thể điều chỉnh được thì khó gia tăng lợi nhuận.

Nhiều trở ngại pháp lý

Chia sẻ với báo Pháp luật TP.HCM, chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cho biết, thủ tục pháp lý quá phức tạp, vướng mắc nhiều khâu khiến cho hoạt động rao bán các tài sản BĐS nợ xấu gặp nhiều trở ngại. Việc phát mại tài sản đảm bảo là BĐS có giá trị lớn trong bối cảnh hiện nay sẽ càng khó hơn vì người mua cũng gặp khó khăn về tài chính.

“Thủ tục pháp lý, việc chuyển nhượng BĐS được ngân hàng thanh lý còn nhiều vướng mắc khiến người mua e ngại. Để thu hút người mua, ngân hàng cần phối hợp chặt chẽ và tranh thủ hỗ trợ tối đa từ các bộ, ngành, cơ quan, chính quyền địa phương trong việc gỡ vướng thủ tục, đặc biệt công tác thu giữ và xử lý tài sản đảm bảo, giải quyết triệt để tranh chấp có thể xảy ra” - ông Hiếu góp ý.

Dưới góc nhìn pháp lý, Luật sư Nguyễn Đức Toàn - Giám đốc Công ty Luật Vimax Châu Á – cho rằng, việc rao bán và mua lại nhà ở, bất động sản từ NH đòi hỏi các ngân hàng phải thực hiện đúng và tuân thủ theo rất quy trình mà pháp luật quy định. Các rủi ro sẽ xuất hiện ngay khi ngân hàng tiến hành các bước không như pháp định và người mua sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong việc nhận được tài sản mua lại.

“Trên thực tế, cơ chế luật liên quan đến việc bàn giao tài sản cho người mua trong trường hợp các bên không đồng ý sẽ được giải quyết bằng một vụ kiện khác. Dẫn đến là hậu quả là kéo dài thời gian bàn giao nhà và trong trường hợp này, người mua sẽ là người chịu rủi ro và thiệt thòi nhất” - luật sư Nguyễn Đức Toàn đánh giá.

Nhật Hạ (t/h)

Link nguồn: https://www.moitruongvadothi.vn/do-thi/bat-dong-san/ngan-hang-o-at-rao-ban-bat-dong-san-co-de-ban-a75230.html