Không lâu sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) công bố tăng lãi suất cơ bản thêm 0,75 điểm %, đưa mặt bằng lãi suất điều hành tại nền kinh tế số một thế giới lên mức 3,25%/năm, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng đã điều chỉnh một loạt biểu lãi suất điều hành.
Các mức lãi suất điều hành tăng đợt này gồm lãi suất tối đa áp dụng với tiền gửi không kỳ hạn (tăng 0,3 điểm %); lãi suất tiền gửi 1 đến dưới 6 tháng, lãi suất tái chiết khấu, lãi suất tái cấp vốn, lãi suất liên ngân hàng qua đêm và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của NHNN với tổ chức tín dụng (cùng tăng 1 điểm %).
Đây là lần điều chỉnh lãi suất đầu tiên của NHNN trong vòng 2 năm trở lại đây và là lần tăng lãi suất đầu tiên kể từ năm 2016.
Những dự báo vĩ mô chịu tác động
Tại báo cáo đánh giá về tác động của việc tăng lãi suất với các dự báo vĩ mô, ông Đinh Quang Hinh, Trưởng bộ phận Vĩ mô và Chiến lược thị trường Công ty Chứng khoán VNDirect, cho biết việc NHNN tăng mạnh lãi suất điều hành sẽ tác động tới các chỉ số như “room” tín dụng (ảnh hưởng tới cung tiền); mặt bằng lãi suất tiền gửi - cho vay; tỷ giá hối đoái và các chính sách hỗ trợ lãi suất phục hồi kinh tế.
Cụ thể, với việc tăng mạnh lãi suất điều hành ông Hinh cho rằng NHNN sẽ ít có khả năng nới thêm hạn mức tăng trưởng tín dụng cho các ngân hàng thương mại trong năm nay. Trong đợt cấp thêm hạn mức tín dụng cho 18 ngân hàng thương mại (chiếm khoảng 80% tín dụng hệ thống) đầu tháng 9 vừa qua, ước tính nền kinh tế sẽ được bổ sung khoảng 279.000 tỷ đồng vốn tín dụng trong 4 tháng cuối năm, tương đương với tăng trưởng tín dụng thêm khoảng 2,7%.
Với hạn mức tín dụng mới, VNDirect cho biết tổng tăng trưởng tín dụng của nhóm ngân hàng này sẽ đạt khoảng 13% vào cuối năm, tiệm cận mục tiêu 14% của NHNN.
Các ngân hàng khó có khả năng được nới "room" tín dụng sau quyết định tăng lãi suất của NHNN. Ảnh: Hoàng Hà. |
Ông Hinh cho rằng NHNN đang ưu tiên mục tiêu kiềm chế lạm phát và ổn định vĩ mô, đồng thời duy trì lãi suất cho vay thấp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp. Do đó, các ngân hàng thương mại sẽ ít có khả năng được nới thêm “room” tín dụng. Điều này sẽ tác động trực tiếp tới cung tiền của nền kinh tế, từ đó tác động tới tăng trưởng kinh tế.
Về mặt bằng lãi suất, Trưởng bộ phận Vĩ mô và Chiến lược thị trường VNDirect cho rằng lãi suất tiền gửi sẽ tiếp tục tăng trong những tháng cuối năm nay.
Với tỷ giá, ông Hinh cho rằng thị trường này vẫn chịu áp lực trong những tháng cuối năm nay khi đồng USD mạnh hơn theo lộ trình tăng lãi suất của Fed. Tuy nhiên, vẫn có những yếu tố hỗ trợ, bao gồm dòng vốn FDI mạnh hơn, thặng dư thương mại cải thiện (dự báo đạt khoảng 8,9 tỷ USD trong năm), thặng dư cán cân thanh toán, Dự trữ ngoại hối đạt ngưỡng an toàn (tương đương 3,3 tháng nhập khẩu).
Tuy vậy, việc Fed dự kiến tăng lãi suất điều hành lên mức 4,25-4,5% vào cuối năm 2022 sẽ khiến đồng USD mạnh hơn gây áp lực lên tỷ giá hối đoái và lãi suất trong nước.
Các chuyên gia phân tích tại Công ty Chứng khoán Vietcombank - VCBS - cho biết trong bối cảnh lạm phát tăng cao trên toàn cầu, hầu hết ngân hàng trung ương đã thực hiện tăng lãi suất với kỳ vọng kiểm soát lạm phát và NHNN cũng không nằm ngoài xu hướng này.
VCBS đánh giá trong giai đoạn này ưu tiên hàng đầu về chính sách của Việt Nam là kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô khi các yếu tố bất định gia tăng.
Tuy nhiên, các chuyên gia tại đây cho rằng tốc độ tăng lãi suất nhanh chóng có thể gây ra một cú sốc tăng trưởng, làm tăng nguy cơ suy thoái.
Bên cạnh đó, nền kinh tế vẫn ghi nhận thách thức ổn định vĩ mô, áp lực tỷ giá chưa thể sớm hạ nhiệt, lạm phát kỳ vọng ở mức cao trong dài hạn khiến nhà điều hành tiếp tục có động thái thận trọng.
Về lãi suất, VCBS cũng dự báo mặt bằng lãi suất huy động sẽ tăng 1,5-2 điểm % trong cả năm nay, lãi suất liên ngân hàng nhìn chung sẽ cao hơn đáng kể các năm trước và duy trì trên ngưỡng 4%/năm.
Ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô
Dưới góc độ chuyên gia kinh tế, TS Lê Xuân Nghĩa, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia, cho biết việc Fed tăng lãi suất là điều mà cả thị trường đều biết trước, nhưng khi quyết định được đưa ra vẫn gây tác động lớn tới nhiều nền kinh tế. Với NHNN, vấn đề lớn nhất được đặt ra là điều hành tỷ giá hối đoái trong bối cảnh này.
Ông Nghĩa cho biết khi Fed tăng lãi suất, áp lực lên tỷ giá USD/VNĐ rất lớn. Nếu NHNN không tăng lãi suất, đồng nghĩa với việc Đồng Việt Nam phải giảm giá trị.
Trong bối cảnh Fed dự báo còn nhiều đợt tăng lãi suất, việc Đồng Việt Nam giảm giá sâu có thể tạo áp lực lên cán cân thương mại, dịch chuyển dòng vốn đầu tư và lạm phát.
“Đây là điều khiến NHNN rất thận trọng trong việc tăng/giảm cung tiền thông qua room tín dụng”, TS Lê Xuân Nghĩa nhấn mạnh.
Tương tự, chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh đánh giá việc NHNN tăng lãi suất sau động thái của Fed là một điều hành phù hợp và kịp thời để ứng phó với biến động của thị trường tài chính trong nước và quốc tế.
Ông cho biết NHNN tăng một loạt lãi suất điều hành cũng đồng nghĩa với việc cơ quan quản lý đã phát đi tín hiệu chính sách tiền tệ của Việt Nam sẽ không còn nới lỏng để kích thích tăng trưởng kinh tế nữa, mà phải tập trung để ổn định kinh tế vĩ mô. “NHNN vẫn phải đặt ổn định kinh tế vĩ mô lên hàng đầu. Coi đó là nền tảng để phát triển kinh tế ổn định và vững chắc”, ông nói.
TS Ánh cho biết thêm cơ hội để giảm lãi suất huy động, cho vay đã qua, hiện tại, Việt Nam cần có một chính sách lãi suất phù hợp, có thể tăng nhưng ở mức vừa phải, gắn với việc điều hành tỷ giá hối đoái để đồng nội tệ không mất giá quá cao.
TS Võ Trí Thành, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia, cũng cho biết thời gian qua thị trường đã ghi nhận lãi suất huy động tăng trên thị trường 1 (ngân hàng với cư dân), đặc biệt là lãi suất huy động dài hạn. Việc NHNN tăng lãi suất điều hành sẽ khiến lãi suất huy động tăng thêm, tuy nhiên, lãi suất cho vay có độ trễ và mức tăng sẽ thấp hơn nhiều.
“Áp lực với lãi suất là chắc chắn, rồi vấn đề lạm phát, tỷ giá hối đoái, dịch chuyển dòng vốn, chính sách của các nước lớn… đây đều là những áp lực Việt Nam phải đối mặt”, ông Thành nói.
Vị chuyên gia cho rằng hiện có nhiều quốc gia chấp nhận đánh đổi, hy sinh tăng trưởng kinh tế để kéo lạm phát xuống. Tại Việt Nam, cơ quan quản lý vẫn đang làm tốt cả hai mục tiêu hỗ trợ tăng trưởng kinh tế và ổn định vĩ mô.
“Chúng ta có thể chưa hài lòng với tốc độ tăng trưởng hiện nay, nhưng thực tế không nhiều quốc gia trên thế giới có được mức tăng trưởng này. Trong khi các chỉ tiêu vĩ mô vẫn được kiểm soát ở mức ổn”, TS Võ Trí Thành chia sẻ.