Ngân hàng lên sàn: Cơ hội thành công đan xen thách thức

Đầu năm 2021, nhiều ngân hàng tiếp tục công bố đã được Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HoSE) chấp thuận niêm yết cổ phiếu, thời gian niêm yết dự kiến diễn ra vào quý I/2021. Việc ngân hàng chạy đua lên sàn thời điểm thị trường đang tăng trưởng mạnh có thực sự thuận lợi và thành công hay không? Phóng viên Thời báo Ngân hàng đã trao đổi với TS. Võ Trí Thành - Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia xoay quanh chủ đề trên.

Theo ông, đâu là yếu tố giúp cổ phiếu ngân hàng tăng cao trong giai đoạn vừa qua?

Giá cổ phiếu ngân hàng tăng trưởng tích cực trong thời gian qua nhờ nhiều yếu tố. Trước hết là hiệu ứng từ sự tăng trưởng chung của thị trường chứng khoán (TTCK). TTCK được đánh giá là điểm sáng của nền kinh tế trong năm 2020 khi chỉ số này liên tục tăng từ đầu năm, cả về điểm số và giá trị giao dịch.

Yếu tố quan trọng nữa tác động đến giá cổ phiếu là kết quả kinh doanh khả quan hơn dự báo của các ngân hàng trong bối cảnh khó khăn. Thời gian qua, các ngân hàng nỗ lực đa dạng hoá trong kinh doanh, đẩy mạnh bán lẻ, chuyển đổi số, cải tổ hệ thống cũng như thực hiện các thông lệ quốc tế như Basel II một cách đầy đủ, nghiêm túc đã củng cố lòng tin với các nhà đầu tư (NĐT).

Các ngân hàng lên sàn thời điểm chứng khoán tăng trưởng mạnh liệu sẽ đảm bảo suôn sẻ, thành công?

Tôi cho rằng cũng có nhiều điểm thuận lợi như TTCK vẫn được nhận định khá tích cực. Kinh tế Việt Nam được dự báo tăng trưởng tốt. Trong hoạt động ngân hàng cũng có những điểm sáng. NHNN tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt, thận trọng. Sức khoẻ ngân hàng được cải thiện hơn sau các đợt cải tổ...

Nhưng theo tôi, việc lên sàn của các ngân hàng cũng cần phải cẩn trọng, tính toán nhiều yếu tố để hạn chế rủi ro. Vì câu chuyện khó khăn của ngân hàng có độ trễ hơn so với DN. Nguy cơ nợ xấu tăng lên do khó khăn sản xuất kinh doanh vẫn còn. Vấn đề nợ xấu còn phụ thuộc vào ứng xử đối với Thông tư 01. Thực tế, diễn biến TTCK nhiều nước, trong đó có Việt Nam, chưa phản ánh đúng diễn biến kinh tế thực, đã xuất hiện dấu hiệu bong bóng và những lo ngại về tăng trưởng kinh tế.

Ông có thể nói cụ thể hơn lo ngại trên?

Trong giai đoạn nửa đầu năm 2021, kinh tế Việt Nam vẫn khó khăn bởi độ mở kinh tế rất lớn. Vì vậy, sự phục hồi của kinh tế Việt Nam phụ thuộc rất nhiều vào mức độ lạc quan của kinh tế thế giới. Mà thời điểm này dịch bệnh trên thế giới vẫn diễn ra rất phức tạp. Vấn đề đáng lưu ý nữa là ngoài địa chính trị vẫn xuất hiện rủi ro tài chính. Các gói hỗ trợ của các quốc gia trong đợt dịch vừa qua càng làm gia tăng nợ. Quả bom nợ này nếu xử lý không tốt tạo ra rủi ro cho nền kinh tế. Đương nhiên sẽ tác động đến TTCK thế giới và TTCK Việt Nam. Như vậy, còn nhiều rủi ro và bất định đối với kinh tế vĩ mô năm 2021.

Điều tôi lo ngại nữa là trong quá trình phục hồi vẫn cần tiếp tục hỗ trợ kích thích kinh tế. Nhưng nếu hỗ trợ quá mạnh có thể lại đẩy rủi ro tài chính gia tăng. Còn nếu rút về mạnh, thắt chặt thì quá trình phục hồi bị gẫy. Có thể nói sự phục hồi kinh tế trong sự thay đổi, rủi ro và bất định. Vì vậy, NHTW các nước phải cân bằng giữa việc nới lỏng chính sách tiền tệ với thu hẹp chính sách giảm thiểu nguy cơ rủi ro. Việc này đòi hỏi sự phối hợp của các nước nhất là các nước lớn xử lý vấn đề nợ nần, uyển chuyển trong phối hợp chính sách tiền tệ, chính sách tài khoá… Tựu chung lại, theo tôi, các chính sách không nên hứng khởi quá, nhưng cũng không nên sợ hãi quá. Thực sự đó là cả một nghệ thuật điều hành làm sao vẫn duy trì đà phục hồi mà không tạo ra rủi ro về tài chính.

Với các NĐT chứng khoán, theo tôi, nên bám sát các chính sách hỗ trợ, tín hiệu thị trường để có thể xoay xở tốt, đưa ra cách ứng phó linh hoạt nhất.

Xin cảm ơn ông!

Theo Nguyễn Vũ

Thời báo ngân hàng