Ngân hàng “khát” vốn ngoại

Tăng vốn từ nguồn vốn chủ hiện hữu của các tổ chức tín dụng (TCTD) vẫn sẽ có giới hạn. Do đó, vốn ngoại sẽ được nhiều ngân hàng hướng tới.

Bà Nguyễn Thị Phương Thảo, Tổng Giám đốc Vietjet Air và Phó Chủ tịch HĐQT HDBank từng nói rằng, khó khăn của đại dịch và vốn quốc tế đang vô cùng rẻ, là cơ hội lớn của chúng ta.

Ngân hàng “khát” vốn ngoại - Ảnh 1.

HDBank đã huy động vốn ngoại rất thành công

Nói là làm, HDBank đã phát hành trái phiếu chuyển đổi và hợp tác chiến lược với DEG- định chế tài chính phát triển thuộc Ngân hàng Tái thiết KFW của Đức. DEG đầu tư mua cổ phiếu HDB với giá cao hơn thị giá khi ấy, và góp cho HDBank 160 triệu USD. Kế đó, đầu 2020, HDBank lại có thương vụ huy động hợp vốn từ ngân hàng MEGA của Đài Loan và kết hợp các ngân hàng Ấn Độ, thêm 71 triệu USD để tăng nguồn vốn.

Ông Jochen Steinbuch, Giám đốc DEG Khu vực Châu Á Thái Bình Dương, đã nhìn toàn cảnh Việt Nam với quan điểm: Việt Nam được xem là điểm sáng cho các nhà đầu tư nước ngoài khi nền kinh tế được cho là bị ảnh hưởng ít nhất bởi COVID-19. "Nhờ dân số trẻ với tầng lớp trung lưu đang tiếp tục mở rộng, nhu cầu đối với các dịch vụ tài chính ngân hàng của Việt Nam ở mức cao", ông Jochen Steinbuch nhấn mạnh.

Không chỉ HDBank, hiện có rất nhiều ngân hàng khác đang có nhu cầu huy động vốn. VietinBank và BIDV dù đã có đối tác ngoại và cải thiện hệ số an toàn vốn tích cực, song để nới được hạn mức tăng trưởng tín dụng và cạnh tranh như mong đợi, các ngân hàng này vẫn sẽ còn phải tăng vốn nhiều hơn.

Nhiều ngân hàng của Việt Nam sau làn sóng thoái vốn ngoại trước đây, cũng đã trống cửa đối tác chiến lược quốc tế. Chẳng hạn như SeaBank lên sàn HoSE, trong tâm thế gần như trống không đối tác ngoại. Một loạt các ngân hàng đã có mặt trên sàn HoSE, UpCOM như BaoVietBank, VietABank, NamABank, BacABank… cũng rơi vào tình trạng tương tự. Hay OCB tuy đã có đối tác Nhật, song vẫn còn hở room ngoại cho một đợt phát hành tìm "bạn ngoại" mới.

Theo Thuận Hóa

Diễn đàn doanh nghiệp