Ngân hàng ACB báo lãi kỷ lục, nợ xấu tăng gần gấp đôi

Ngân hàng ACB báo lãi kỷ lục cao nhất kể từ trước tới nay, đạt hơn 16.000 tỷ đồng trong năm 2023. Thế nhưng, “vệt đen” trong BCTC của nhà băng này là nợ xấu nội bảng đã tăng gần gấp đôi so với đầu năm lên gần 6.000 tỷ đồng.
ngan-hang-acb-bao-lai-ky-luc-no-xau-tang-gan-gap-doi-1708583138.jpg
Ngân hàng ACB báo lãi kỷ lục cao nhất từ trước tới nay, đạt hơn 16.000 tỷ đồng trong năm 2023.

Ngân hàng TMCP Á Châu (ngân hàng ACB; mã chứng khoán: ACB) vừa công bố BCTC hợp nhất quý 4/2023, ghi nhận thu nhập lãi thuần – mảng kinh doanh cốt lõi của nhà băng đem về 6.289 tỷ đồng, giảm 2,55%. Tuy nhiên, nhờ nguồn lãi khủng từ mua bán chứng khoán kinh doanh 1.358 tỷ đồng, cùng kỳ báo lỗ 2,7 tỷ đồng. Chi phí hoạt động giảm hơn 1.000 tỷ đồng, xuống 3.013 tỷ đồng (cùng kỳ là 4.064 tỷ đồng).

Kết quả kinh doanh, ngân hàng ACB vẫn báo lãi 4.006 tỷ đồng trong quý 4/2023, tăng 39,57% so với cùng kỳ năm 2022.

Lũy kế năm 2023, ngân hàng ACB ghi nhận thu nhập lãi từ việc cho vay khách hàng đem về 52.346 tỷ đồng, tăng 28,62%. Thế nhưng, chi phí phải trả lãi tiền gửi cho khách hàng lại tăng 59,55% lên 27.387 tỷ đồng, dù vậy thu nhập lãi thuần vẫn giữ được đà tăng trưởng, đạt 24.959 tỷ đồng, tăng hơn 6% so với năm trước.

nx-1708583188.png
Ngân hàng ACB báo lãi kỷ lục trong năm 2023 nhờ nguồn lãi tăng đột biến từ mua bán chứng khoán đầu tư và tiết giảm chi phí hoạt động, ..

Trong năm 2023, hoạt động dịch vụ đem về 2.922 tỷ đồng, giảm 17,13%; Lợi nhuận từ hoạt động khác đem về 863 tỷ đồng, giảm 12,76%.

Ở chiều ngược lại, hoạt động kinh doanh ngoại hối đem về 1.110 tỷ đồng, tăng 5,89%; Mua bán chứng khoán kinh doanh đem về 168 tỷ đồng, con số này ở năm 2022 là lỗ 387,8 tỷ đồng; Mua bán chứng khoán đầu tư đem về 2.647 tỷ đồng, con số này ở năm 2022 là 20,6 tỷ đồng.

Ngoài ra, ngân hàng ACB đã tiết giảm được chi phí hoạt động gần 1.000 tỷ đồng trong năm 2023, xuống 10.874 tỷ đồng (năm 2022 là 11.605 tỷ đồng).

Trong khi, trích lập dự phòng rủi ro tín dụng tăng gần 25,5 lần lên 1.804 tỷ đồng, con số này ở năm 2022 là 70,8 tỷ đồng.

Kết quả, ngân hàng ACB báo lãi sau thuế đạt hơn 16.044 tỷ đồng, tăng 17,22% so với năm trước. Đây là mức lãi kỷ lục cao nhất từ trước tới nay mà ngân hàng ACB đạt được trong một năm tài chính.

Tính đến ngày 31/12/2023, tổng tài sản của ngân hàng ACB là 718.794 tỷ đồng, tăng 18,25% so với đầu năm. Tiền gửi khách hàng là 482.702 tỷ đồng, tăng 16,61%. Trong đó, tiền gửi không kỳ hạn là 103.970 tỷ đồng, tăng 15,34%. Đồng thời, chiếm 21,54% tổng tiền gửi khách hàng, con số này ở đầu năm là 21,78%.

Cho vay khách hàng là 487.601 tỷ đồng, tăng 17,86%. Trong đó, cho vay ngắn hạn là 327.904 tỷ đồng, tăng 24,56%; Cho vay trung hạn là 15.386 tỷ đồng, giảm 8,3%. Đáng chú ý, Cho vay dài hạn là 144.310 tỷ đồng (tăng 7,96%), nhưng tỷ lệ cho vay dài hạn/tổng cho vay khách hàng lại giảm từ 32,31% hồi đầu năm, xuống 29,6% vào thời điểm cuối năm 2023.

acb-1708583229.png
Nợ xấu nội bảng của ngân hàng ACB tăng gần gấp đôi so với đầu năm, lên gần 6.000 tỷ đồng.

Tổng nợ xấu nội bảng của ngân hàng ACB tính đến cuối năm 2023 là 5.887 tỷ đồng, tăng 93,35% so với đầu năm. Trong đó, Nợ dưới tiêu chuẩn (nợ nhóm 3) là 940 tỷ đồng, tăng 112,63%; Nợ nghi ngờ (nợ nhóm 4) là 1.048 tỷ đồng, tăng 139,85%; Nợ có khả năng mất vốn (nợ nhóm 5) là 3.897 tỷ đồng, tăng 80%.

Tỷ lệ nợ xấu nội bảng của nhà băng này đã tăng từ 0,74% hồi đầu năm lên 1,22% vào thời điểm cuối năm 2023.

Trên thị trường chứng khoán, kết phiên giao dịch ngày 16/2, giá cổ phiếu ACB ở mức 27.600 đồng/cổ phiếu, tăng 1,47% so với phiên giao dịch trước đó, khối lượng cổ phiếu giao dịch khớp lệnh là gần 9,5 triệu đơn vị.