Ngấm đòn COVID-19, homestay đồng loạt rao bán, giá giảm sâu vẫn ế khách

Không có khách suốt thời gian dài do dịch bệnh, nhiều chủ homestay đã phải “đứt ruột” rao bán với giá thấp vì không chịu nổi áp lực trả nợ ngân hàng.
rao-ban-homestay-1631077730.jpg

Thời gian gần đây, trên nhiều website mua bán nhà đất hay các hội nhóm trao đổi đất vườn, homestay, dễ dàng bắt gặp hàng loạt thông tin cần cho thuê, rao bán, sang nhượng homestay được đăng tải dày đặc. Đa phần homestay được rao bán có vị trí nằm tại các khu, điểm du lịch nổi tiếng.

Thực tế, vài năm gần đây, khi nhu cầu du lịch, nghỉ dưỡng của người dân tăng cao, không ít người đã mạnh tay xuống tiền từ vài tỷ đến hàng chục tỷ đồng để đầu tư homestay ở những vùng như Ba Vì, Hòa Bình, Mộc Châu, Hà Giang, Sa Pa…và kiếm lời nhanh từ phân khúc này.

Tuy nhiên, từ đầu năm 2020, dịch bệnh COVID-19 bất ngờ ập tới và kéo dài đến nay chưa dứt khiến hoạt động du lịch liên tục rơi vào tình trạng đóng băng, bế tắc khi "đói khách".

Trải qua 2 năm vắng khách bởi dịch bệnh, không có doanh thu nhưng chi phí vận hành homestay thì vẫn phải trang trải đều hàng tháng, đến nay, nhiều chủ đầu tư không còn sức để gánh nợ. Không ít người buộc phải rao bán homesray, thậm chí bán lỗ để sớm có khách mua.

Ngấm đòn COVID-19, homestay đồng loạt rao bán, giá giảm sâu vẫn ế khách - 1

Nhiều homestay rao bán, giá giảm sâu vẫn ế khách.

Chủ một homestay ở Đồng Văn (Hà Giang) đang rao bán cả khu rộng 2.000m2, đã có sẵn nhà sàn, ao cá, công trình phụ và nhiều cây ăn quả đến độ thu hoạch. Với lý do cần tiền bán gấp nên rao giá bán thu về là 6 tỷ đồng. Được biết, trước khi có dịch, homestay này luôn kín phòng vào cuối tuần, doanh thu 50 - 60 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, do chủ homestay đang nợ ngân hàng nên chấp nhận phải rao bán cắt lỗ gần 1 tỷ đồng.

Hay trên nhóm mua bán Nhà đất SaPa, một tài khoản tên Cương rao bán homestay tại khu du lịch bản Tả Phìn (thị xã Sa Pa - Lào Cai) với mức giá 7,5 tỷ đồng. Theo giới thiệu, homestay này có diện tích gần 1.000 m2 với 2 mặt tiền. Hiện đã có 1 nhà sàn gỗ 2 tầng, nhà ăn, 4 phòng VIP, 11 phòng tập thể, có sức chứa đón đoàn 80 - 100 người. Trước khi dịch bệnh, giá của homestay này từng được trả lên tới 9 tỷ đồng.

Anh Đông, chủ một homestay ở Mộc Châu (Sơn La) cũng cho biết, homestay của vợ chồng anh có 10 phòng bungalow, 1 nhà sàn và 2 phòng cộng đồng nằm trên diện tích đất 1.200m2, được xây dựng và đưa vào khai thác từ năm 2017 đến nay.

Khi chưa có dịch bệnh, cứ 3 ngày cuối tuần homestay của anh Đông đều kín phòng. “Thời điểm đó, vào những tháng cao điểm du lịch ở Mộc Châu bình quân doanh thu một tháng tại homestay của tôi khoảng 40 triệu đồng. Trừ mọi chi phí, mỗi tháng tôi cũng để ra được 20 triệu đồng”, anh Đông cho hay.

Tuy nhiên, dịch bệnh kéo dài, hàng tháng không có doanh thu nhưng vẫn phải trả nợ ngân hàng nên anh Đông buộc phải đưa ra một quyết định ‘đứt ruột’ là bán homestay – nơi mà vợ chồng anh rất tâm huyết khi xây dựng.

Mong sớm tìm được khách có tiền có thể tiếp quản, phát triển khu homestay này, anh Đông rao bán giá 2,5 tỷ đồng – mức giá này theo như anh chia sẻ là lỗ gần một nửa.

Tại Ninh Bình, dịch bệnh kéo dài khiến khách du lịch giảm mạnh, nhiều chủ homestay tại đây cũng phải rao bán.

Anh Nguyễn Hải Triều - chủ một Homestay tại huyện Hoa Lư (Ninh Bình) cho biết, năm 2016, gia đình anh vay mượn hơn 2 tỷ đồng để đầu tư homestay rộng 450 m2 gồm 2 căn bungalow, 1 nhà khách, 3 phòng ngủ gia đình, 1 bếp, 1 công trình phụ.

Từ trước năm 2020, khu vực này kinh doanh rất ổn, mỗi tháng thu về hàng chục triệu đồng. Nhưng nay khách du lịch không có, thêm vào đó là tiền lãi ngân hàng, tiền điện, nước và các chi phí hàng tháng quá lớn không trụ nổi.

Bởi vậy, từ đầu năm 2021, anh đã phải rao bán homestay với giá 6 tỷ đồng. “Sau khi đăng bán, rất nhiều khách gọi điện hỏi thông tin nhưng không ai đến gặp hay mua cả. Đến thời điểm này, vì quá khó khăn nên tôi rao bán chỉ 5 tỷ đồng, nhưng hơn tháng nay vẫn chưa bán được”, anh Triều chia sẻ.

Theo các chuyên gia, tình trạng cắt lỗ sẽ tiếp tục xảy ra nếu như dịch bệnh tiếp tục kéo dài. Hiện có khá nhiều chủ homestay cần chuyển nhượng khi đã chi tiền tỷ xây dựng từ vài năm trước.

Ông Nguyễn Thế Điệp, Phó Chủ tịch CLB Bất động sản Hà Nội nhận định, với dịch bệnh như hiện tại, có thể đến quý I hoặc quý II/2022 thị trường mới ổn định lại. Như vậy, những người ôm bất động sản nếu như sử dụng đòn bẩy tài chính tới 50-80% sẽ buộc phải đẩy hàng.

Vị chuyên gia này cũng dự báo, làn sóng cắt lỗ vẫn có thể tiếp diễn đến những tháng cuối năm 2021, thậm chí kéo dài tới giữa năm 2022 nếu dịch không được kiểm soát, kinh tế không hồi phục và việc di chuyển chưa thuận lợi.

NGỌC VY
VTC