Theo TS Trần Toàn Thắng - Trưởng Ban Quốc tế Viện Chiến lược phát triển (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), có gần 70% là doanh nghiệp tư nhân Việt Nam là doanh nghiệp siêu nhỏ (số lao động dưới 5 người) và doanh nghiệp lớn chỉ chiếm khoảng 2,8%.
Trung bình quy mô lao động của doanh nghiệp cũng đang giảm đi, hiện nay trung bình còn khoảng 14 lao động/doanh nghiệp.
Chia sẻ với Tạp chí Doanh nghiệp Việt Nam, tuy các số liệu về số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường phản ánh thực trạng nền kinh tế, nhưng ở thời điểm này, nếu lo lắng về tỷ lệ doanh nghiệp “chết” đi thì sẽ “phi thị trường”. Mặc dù ở mặt quản lý Nhà nước phải có chính sách an sinh cho doanh nghiệp.
“Về quy tắc thị trường thì đó là điều hết sức tự nhiên. Doanh nghiệp lớn và doanh nghiệp hiệu quả sẽ tồn tại được. Qua đó, kích thích các doanh nghiệp khác phát triển. Chúng ta không cần phải quá lo lắng về khu vực doanh nghiệp đóng cửa.
Việt Nam có sự chống chịu rất tốt ở khu vực phi chính thức. Rất nhiều người lao động từ khu vực chính thức sang phi chính thức. Họ vẫn tồn tại được, đây là lợi thế của Việt Nam”, ông Thắng nói.
Đánh giá về sự hỗ trợ cho doanh nghiệp trong thời điểm khó khăn hiện nay, ông Thắng cho rằng, vốn đầu tư công sẽ giúp tác động trực tiếp cho các doanh nghiệp. Đặc biệt là việc giải ngân vốn đầu tư công trên lĩnh vực giao thông đã và đang lan tỏa tốt.
“Tôi kỳ vọng câu chuyện về giao thông sẽ giải quyết tương đối tốt về giảm chi phí cho doanh nghiệp. Hệ thống cao tốc mà chúng ta hình thành có thu phí hay không có thu phí khi chúng ta chuyển sang đầu tư công toàn phần.
Hoặc ít nhất không thu phí trong bao nhiêu năm để có thể tạo ra được cú hích cho các doanh nghiệp. Chỗ này cần tìm hiểu thêm và nên có cân nhắc để có giai đoạn nhất định nếu áp dụng phí đường bộ”, ông Thắng đặt câu hỏi trong kỳ vọng.
Cũng theo ông Thắng, một số công trình lớn như sân bay Long Thành, cảng, công trình về năng lượng sẽ tạo ra cú hích cho nền kinh tế trong thời gian tới. Còn việc tác động đến đâu thì cần chờ tới câu chuyện đồng bộ giữa tất cả các công trình này với nhau.
Dự báo về tình hình kinh tế năm 2024, ông Thắng nhận định: theo phân tích của giới chuyên gia quốc tế, năm 2024 nền kinh tế thế giới chưa phục hồi hoàn toàn được sau COVID-19. Tuy nhiên, đỉnh điểm tác động của COVID-19 thực chất đã rơi vào giai đoạn 2022 - 2023.
“Hiện nay, đã có nhiều tín hiệu tích cực hơn, ít nhất từ môi trường bên ngoài. Bình ổn vĩ mô bên ngoài đang tác động tốt tới kỳ vọng kinh tế ở Việt Nam. Nếu chúng ta nhìn vào thị trường chứng khoán, sự phục hồi của thị trường này đang phản ánh kỳ vọng phát triển. Năm 2024, nền kinh tế sẽ ít khó khăn hơn năm 2023”, ông Thắng dự báo.
Về thị trường bất động sản trong bối cảnh chung của nền kinh tế, theo ông Thắng, Chính phủ đã có giải pháp cứu doanh nghiệp bất động sản. Tuy nhiên, nếu đặt trên bàn cân về bất động sản và chế biến chế tạo cũng như các ngành khác thì chúng ta phải ưu tiên ngành sử dụng nhiều lao động trước tiên. Bởi vì, điều này sẽ giúp bình ổn được an sinh xã hội, tạo cầu trong tiêu dùng.
Ông Thắng khuyến nghị chính sách với doanh nghiệp trong thời gian tới cần tiếp tục được hoàn thiện theo hướng không chỉ tạo thuận lợi với doanh nghiệp mới gia nhập thị trường mà còn cần chú trọng tới tăng trưởng, hình thành các tập đoàn lớn.
Đặc biệt, khuyến khích các doanh nghiệp lớn đầu tư để cải tạo năng suất chuyển dần sang tăng trưởng theo chiều sâu.
Cùng đó, Chính phủ cần có chính sách kinh tế thúc đẩy liên kết doanh nghiệp, khuyến khích doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp FDI liên doanh, liên kết với các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong nước.
Đồng thời, nâng cao năng lực doanh nghiệp tham gia mạng lưới sản xuất, chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị toàn cầu; khuyến khích và tạo phong trào để từng địa phương xây dựng được các doanh nghiệp tư nhân hàng đầu của mình dựa trên những lợi thế địa phương và vươn tầm hoạt động trên phạm vi cả nước.