Năm 2025, TP. Hồ Chí Minh dự kiến triển khai dự án Khu đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ

TP. Hồ Chí Minh đặt mục tiêu hoàn thành thủ tục cấp giấy phép xây dựng cho dự án Khu đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ trước ngày 30/4/2025 để có thể bắt đầu đầu tư theo quy định.

UBND TP. Hồ Chí Minh vừa ra quyết định phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch chi tiết tỉ lệ 1/500 cho Khu đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ, một dự án có quy mô lớn và ý nghĩa chiến lược trong phát triển bền vững của thành phố.

TP. Hồ Chí minh đặt mục tiêu hoàn thành thủ tục cấp giấy phép xây dựng cho dự án trước ngày 30/4/2025 để có thể bắt đầu đầu tư theo quy định.

UBND TP. Hồ Chí Minh đã giao cho Công ty cổ phần Đô thị Du lịch Cần Giờ tổ chức lập quy hoạch chi tiết tỉ lệ 1/500, trình thẩm định, phê duyệt theo đúng tiến độ.

Phối cảnh Khu đô thị du lịch biển Cần GiờPhối cảnh Khu đô thị du lịch biển Cần Giờ (Ảnh: KT)

Trong quá trình này, công ty cùng các đơn vị tư vấn cần lắng nghe, tiếp thu ý kiến từ các cơ quan Trung ương, địa phương, cộng đồng dân cư có liên quan nhằm đưa ra các giải pháp quy hoạch tối ưu, khả thi nhất.

UBND TP. Hồ Chí Minh lưu ý tầm quan trọng của việc áp dụng các công nghệ tiên tiến trong thiết kế, xây dựng công trình bảo vệ bờ biển để chống xói lở. Những công nghệ này không chỉ bảo vệ bờ biển một cách bền vững mà còn giúp bồi đắp thêm, tạo cảnh quan môi trường đẹp mắt, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Khu đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ có quy mô dân số tối đa khoảng 228.560 người, với mục tiêu đón tiếp hơn 8,8 triệu lượt khách du lịch mỗi năm.

Phạm vi quy hoạch nằm trên địa bàn xã Long Hòa và thị trấn Cần Thạnh, huyện Cần Giờ, bao phủ diện tích lên đến 2.870 ha, bao gồm 5 phân khu chức năng: A, B, C, D và E.

Phân khu A (953,23 ha) sẽ là khu đô thị sinh thái kết hợp với các dịch vụ du lịch, đóng vai trò là cửa ngõ của khu đô thị du lịch biển Cần Giờ.

Phân khu B (659,87 ha) tập trung các khu du lịch nghỉ dưỡng, nhà ở và các công trình dịch vụ - công cộng như y tế, giáo dục, trụ sở hành chính và thương mại. Khu vực này cũng sẽ bao gồm nhiều không gian xanh, hạ tầng kỹ thuật.

Phân khu C (318,32 ha) là trung tâm tài chính, kinh tế, thương mại dịch vụ, kết hợp với bến cảng, các khu nhà ở hiện đại như nhà ở liên kế, biệt thự và nhà ở cao tầng.

Phân khu D (480,46 ha) sẽ là khu vực thương mại, nghỉ dưỡng cao cấp, các đô thị hiện đại.

Phân khu E (458,12 ha) chủ yếu dành cho mặt nước, kênh dẫn, cây xanh.

Hoàng Bách (t/h)