Bạn từng gặp tình huống như vậy chưa?

Khi bạn đang đi mua sắm trong trung tâm thương mại, bạn bắt gặp một quầy hàng giảm giá. Nhân viên bán hàng nhiệt tình mời bạn dùng thử sản phẩm. Trong quá trình dùng thử, bạn thấy sản phẩm thực sự có tác dụng nên quyết định mua.

Khi bạn thanh toán, nhân viên giới thiệu thêm cho bạn một sản phẩm khác. Mặc dù bạn không có nhu cầu sử dụng thứ này nhưng cuối cùng không hiểu sao lại xuống tiền mua.

Hoặc một tình huống khác như thế này:

Tại nơi làm việc, có một đồng nghiệp nhờ bạn giúp việc nhỏ. Mặc dù đó không phải là công việc của bạn nhưng bạn vẫn hỗ trợ và tin rằng đó chỉ là một việc rất nhỏ. Nhưng trong quá trình thực hiện, bạn nhận ra nó… không hề nhỏ, khá phức tạp và tốn nhiều công sức. Vì đã trót nhận lời với đồng nghiệp nên bạn không dám từ chối dù trong lòng cảm thấy khó chịu.

Hiện tượng tâm lý này được gọi là "hiệu ứng ngưỡng", có nghĩa là sau khi mọi người hoàn thành một việc, họ có nhiều khả năng chấp nhận các yêu cầu khác liên quan đến điều đó.

Có thể nói, đây chính là một phương pháp thao túng tâm lý được sử dụng nhiều nhất trong cuộc sống hàng ngày. Về cơ bản hầu hết mọi người đều đã từng mắc phải.

Một kiểu thao túng tâm lý 10 người thì 9 người mắc bẫy: Cảnh giác cao độ kẻo có ngày mất cả chì lẫn chài - Ảnh 1.

 

Nguyên tắc "hiệu ứng ngưỡng" là gì?

Hiệu ứng ngưỡng bắt nguồn từ nguyên tắc cam kết và nhất quán trong tâm lý học. Tức là con người thường muốn hành vi và thái độ của mình nhất quán.

Khi đồng ý với một yêu cầu hoặc hoàn thành một nhiệm vụ, chúng ta có xu hướng dễ tiếp nhận các yêu cầu khác liên quan đến nó để duy trì tính nhất quán này. Đây là nguyên tắc cơ bản của hiệu ứng ngưỡng.

Ứng dụng của "hiệu ứng ngưỡng" trong giao tiếp giữa các cá nhân

1. Phương pháp yêu cầu từng bước

Phương pháp yêu cầu từng bước là một chiến lược phổ biến để sử dụng hiệu ứng ngưỡng. Nó đề cập đến việc đưa ra yêu cầu nhỏ hơn cho bên kia trước, sau đó đưa ra yêu cầu lớn hơn sau khi bên kia đã đồng ý.

Ưu điểm của phương pháp này là bằng cách hoàn thành một yêu cầu nhỏ trước, nó làm tăng khả năng đối tác sẽ chấp nhận yêu cầu lớn hơn.

2. Câu hỏi thăm dò

Đặt câu hỏi thăm dò là một chiến lược được sử dụng để tìm hiểu xem người khác muốn gì. Trong giao tiếp giữa các cá nhân, chúng ta có thể đặt câu hỏi thăm dò, quan sát phản ứng của người khác và sau đó điều chỉnh yêu cầu của mình tùy theo phản hồi.

Ví dụ, trong một cuộc đàm phán, trước tiên bạn có thể hỏi đối phương xem họ có sẵn sàng giảm giá hay không. Nếu bên kia đồng ý, bạn có thể tiếp tục đàm phán và cố gắng giảm giá nhiều hơn.

Một kiểu thao túng tâm lý 10 người thì 9 người mắc bẫy: Cảnh giác cao độ kẻo có ngày mất cả chì lẫn chài - Ảnh 2.

3. Cho trước khi nhận

Cho đi trước khi nhận là một chiến thuật sử dụng lòng biết ơn của người khác để chiếm lấy lợi thế cho bạn. Khi chúng ta giúp đỡ hoặc tặng quà cho người khác, họ có thể phát triển cảm giác biết ơn sâu thẳm bên trong. Từ đó, họ sẽ dễ dàng đồng ý với những yêu cầu của chúng ta hơn.

Chẳng hạn tại nơi làm việc, bạn có thể giúp đồng nghiệp giải quyết vấn đề trước khi nhờ họ giúp đỡ bạn. Chẳng ai nỡ lòng từ chối nếu trước đó đã nhận được sự giúp đỡ từ đối phương.

Làm thế nào để chống lại sự thao túng của "hiệu ứng ngưỡng"?

Để chống lại sự thao túng của "hiệu ứng ngưỡng", chúng ta cần phát triển những thói quen sau:

- Cảnh giác: Trong các tương tác giữa các cá nhân, hãy thường xuyên cảnh giác và nhận thức được những thao túng tâm lý có thể xảy ra. Khi bạn cảm thấy mình có thể bị thao túng, bạn hãy tạm dừng và cân nhắc những ưu và nhược điểm để đảm bảo đưa ra quyết định sáng suốt.

- Học cách nói "không": Học cách nói "không" là một cách hiệu quả để chống lại sự thao túng. Đừng ngại nói "không" với một yêu cầu mà bạn cảm thấy không hợp lý hoặc vượt quá khả năng của mình. Điều này sẽ vừa bảo vệ lợi ích của bạn vừa giúp bạn phát triển một thái độ kiên quyết.

Theo Ứng Hà Chi

Thể thao & Văn hóa