Sàn đóng cửa, môi giới thất nghiệp
Đây là cú bồi khiến những sàn nhỏ, lẻ, tiềm lực tài chính yếu kém phải dừng hoạt động, khiến nhiều môi giới bất động sản rơi vào cảnh thất nghiệp. Một lực lượng không nhỏ những môi giới thất nghiệp mùa dịch đã phải chuyển đổi công việc để mưu sinh.
Anh Nguyễn Hoàng Anh, cựu sinh viên ngành ngân hàng nhưng ra trường chọn làm môi giới bất động sản. Một năm dịch bệnh khó khăn, anh đã quay lại nghề đúng chuyên ngành học là làm nhân viên tại một ngân hàng.
“Nhiều đồng nghiệp từng làm cùng tôi tại sàn giao dịch bất động sản cũ còn chuyển sang làm shipper, bán hàng online… Bất kỳ nghề nào làm ra tiền chân chính là chúng tôi làm, dẫu rằng nghề đó không liên quan đến bất động sản”, anh Hoàng Anh chia sẻ
Ông Nguyễn Văn Đính, Tổng thư ký Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam, nhận định thị trường bất động sản đang vô cùng khó khăn. Các chỉ thị về giãn cách, không tập trung đông người khiến các sự kiện mở bán, giới thiệu sản phẩm không tổ chức được. Do đó, nhiều sàn rơi vào tình cảnh không có hàng để bán. Đã có những sàn bị phá sản vì không chống đỡ được Covid-19.
Thích nghi với dịch
Bên cạnh những môi giới “rẽ lối” sang hướng mới, nhiều người vẫn đang cố gắng bám trụ với nghề, đang tìm cách thích nghi với dịch. Trải qua hơn một năm đầy biến động với dịch bệnh, những môi giới này dần quen với những đợt giãn cách xã hội, hạn chế tụ tập đông người, trong khi đặc thù của nghề là phải trực tiếp gặp gỡ khách hàng. Họ tự mình tìm cách thích ứng để “trụ” và sống được với nghề.
Anh Phạm Văn Truyền, môi giới một sàn giao dịch có trụ sở tại Cầu Giấy, cho biết một năm qua, anh đã quen với những đợt dịch bệnh bùng phát bất ngờ nên đợt dịch nặng nề lần này không làm anh rơi vào trạng thái mệt mỏi, chán nản như đợt dịch đầu.
Thời điểm hiện tại khi Hà Nội đang phải giãn cách theo Chỉ thị 16 thì anh và đồng nghiệp đều phải làm việc ở nhà. Do sàn anh đang phân phối một dự án ở phía Đông Hà Nội nên anh vẫn đẩy mạnh các kế hoạch marketing, tìm kiếm khách hàng.
Với data khách hàng thu được trong thời gian giãn cách, anh chú trọng việc chăm sóc khách online. Sau khi dịch được kiểm soát, anh sẽ chuyển sang chăm sóc offline. Trong những ngày giãn cách này, anh có nhiều thời gian rảnh hơn nên tự học chạy quảng cáo nhằm tiết kiệm khoản chi phí marketing vốn không nhỏ cho việc tìm kiếm khách hàng tiềm năng.
Trong khi đó, chị Vũ Thanh Hương, một môi giới chuyên bán Bất động sản nghỉ dưỡng và cao cấp lại tranh thủ thời gian nghỉ dịch để tìm hiểu về phân khúc giá rẻ. Chị Hương cho biết, dịch bệnh khiến kinh tế khó khăn, Bất động sản nghỉ dưỡng và cao cấp đều rất khó bán.
Cả năm qua, số giao dịch thành công chị đạt được chỉ bằng 1/5 so với thời kỳ thị trường sôi động. Thu nhập giảm sút nên đợt nghỉ dịch này chị quyết định tìm hiểu về nhà giá rẻ.
Theo chị Hương, khác với các các sản phẩm nghỉ dưỡng và cao cấp thường gặp khó về đầu ra khi thị trường suy thoái, nhu cầu của khách hàng với nhà giá rẻ luôn hiện hữu dù thị trường sôi động hay trầm lắng. Khi giãn cách kết thúc, chị Hương sẽ bắt đầu chuyển sang bán nhà giá rẻ và vẫn duy trì việc bán Bất động sản nghỉ dưỡng, cao cấp.
Còn với môi giới Nguyễn Văn Túc, Covid-19 càng cho thấy tầm quan trọng của việc sử dụng công nghệ. Anh nỗ lực nâng cao và gia tăng việc ứng dụng công nghệ vào công việc.
Do hạn chế việc đi lại, tiếp xúc, gặp gỡ, anh giới thiệu sản phẩm bất động sản tới khách hàng bằng việc sử dụng hình ảnh 3D do chính ảnh chụp và trau chuốt, các clip ngắn về căn hộ mẫu anh quay, tiến độ dự án cũng như các video tour. Kỹ năng sử dụng công nghệ của anh đã được nâng cao sau những đợt dịch trước và sẽ tiếp tục tốt hơn qua đợt dịch này.
Theo CafeLand
NĐH