Ngày 29/11, thực hiện chỉ đạo Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị, Thanh tra Bộ Xây dựng có văn bản hỏa tốc gửi UBND tỉnh Lâm Đồng liên quan đến tình trạng phân lô bán nền ở Bảo Lộc, Bảo Lâm thuộc tỉnh này.
Cụ thể, Thanh tra Bộ đã đề nghị UBND tỉnh Lâm Đồng tổng hợp tình hình và báo cáo bằng văn bản theo các nội dung báo chí phản ánh về tình trạng phân lô bán nền diễn ra tại thành phố Bảo Lộc và huyện Bảo Lâm.
Trước đó, báo chí đã phản ánh có tới 100 dự án đã và đang thi công các hạng mục và chào bán rầm rộ. Ở Bảo Lâm, số dự án ít hơn nhưng diện tích dự án lại lớn hơn, nhiều dự án áp sát rừng.
Cũng theo phản ánh, những dự án bất động sản trái phép đang rầm rộ thi công là những dự đại dự án có diện tích hơn 10 ha, thậm chí 41 ha (gấp 1,4 lần khu trung tâm Hòa Bình - Đà Lạt), có dự án nằm ngay trong Trung tâm TP Bảo Lộc.
Ngoài ra có tình trạng một số "dự án" bất động sản thực hiện không đúng quy hoạch, xẻ đồi chè để phân lô, bán nền tràn lan thời gian qua, vi phạm nghiêm trọng về kinh doanh bất động sản.
Trước những thông tin nêu trên, Thanh tra Bộ đề nghị UBND tỉnh Lâm Đồng gửi văn bản báo cáo về Bộ trước ngày 6/12, để tổng hợp báo cáo Bộ trưởng Bộ Xây dựng.
Thành phố Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng trở thành "điểm nóng" về vấn nạn phân lô, bán nền trong thời gian qua. Hồi tháng 10, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Lâm Đồng đã tổ chức khám nghiệm hiện trường vụ hiến đất mở đường, phân lô, tách thửa tại phường Lộc Phát và xã Đam B'ri (thành phố Bảo Lộc) để phục vụ công tác điều tra liên quan đến sai phạm về công tác quản lý, sử dụng đất trên địa bàn.
Hôm 11/10, Thanh tra tỉnh Lâm Đồng cũng ban hành thông báo kết luận thanh tra trách nhiệm Chủ tịch UBND Thành phố Bảo Lộc trong công tác quản lý, sử dụng đất và quản lý đầu tư xây dựng cơ bản trên địa bàn.
Theo đó, thời gian qua, việc các hộ gia đình, cá nhân tự đầu tư hạ tầng nhằm mục đích phân lô, tách thửa trên địa bàn Thành phố Bảo Lộc có diễn biến phức tạp.
Đặc biệt là trên các trang mạng xã hội có nhiều thông tin, quảng cáo về các "dự án bất động sản", nhưng thực chất là do một số đối tượng môi giới bất động sản tự đặt tên và đăng tin quảng cáo nhằm thu hút người mua, thực tế các "dự án" này đều không được cấp phép.
Trước đó, trong nhiều báo cáo, Bộ Xây dựng nhấn mạnh đến việc vẫn còn các bất động sản, dự án bất động sản chưa đủ hồ sơ pháp lý, không đủ điều kiện kinh doanh vẫn đưa ra giao dịch, làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân, đồng thời gây mất trật tự an ninh xã hội.
Bộ Xây dựng cho rằng các địa phương cần có biện pháp quản lý, ngăn chặn việc chia tách, phân lô, bán nền tại các khu vực chưa được phép đầu tư, thiếu hệ thống hạ tầng; tăng cường kiểm soát hoạt động của các sàn giao dịch bất động sản, các tổ chức, cá nhân hành nghề môi giới bất động sản; chấn chỉnh hành vi mua bán trao tay nhiều lần, "thổi giá" gây nhiễu loạn thông tin thị trường bất động sản.
Cũng theo Bộ này, các địa phương cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp kinh doanh bất động sản không đúng quy định, không đủ hồ sơ pháp lý, không đủ điều kiện kinh doanh.
Nguyễn Mạnh