Giá dầu Brent tương lai giảm 53 cent, tương đương 0,7%, xuống 71,69 USD/thùng.
Giá dầu WTI tương lai giảm 94 cent, tương đương 1,4%, xuống 68,35 USD/thùng, trong phiên có lúc chạm 67,64 USD/thùng.
John Saucer, phó chủ tịch thị trường dầu thô tại Mobius Risk Group, Houston, bang Texas, nói USD và việc Arab Saudi ngày 5/9 hạ giá bán chính thức (OSP) tháng 10 gây áp lực lên thị trường dầu. USD tăng giá khiến dầu trở nên đắt hơn với nhà đầu tư không nắm giữ đồng bạc xanh.
“Mọi người coi việc Arab Saudi hạ OSP là tín hiệu lực cầu từ châu Á suy yếu và mức giảm lớn hơn dự báo”, theo Saucer.
Arab Saudi hạ OSP ít nhất 1 USD/thùng với mọi loại dầu thô bán cho châu Á, cho thấy lực cầu tại khu vực nhập khẩu hàng đầu thế giới vẫn yếu, với lo ngại liên quan biến chủng Delta và các biện pháp phong tỏa phủ bóng lên triển vọng kinh tế.
Số liệu công bố hôm 3/9 cho thấy kinh tế Mỹ tạo ra ít việc làm nhất 7 tháng do ảnh hưởng từ Covid-19.
Tuy nhiên, thị trường năng lượng được hỗ trợ phần nào khi các chỉ số kinh tế Trung Quốc mạnh và sản lượng từ Mỹ chưa phục hồi sau bão Ida.
Trung Quốc tháng 8 nhập khẩu dầu thô tăng 8% so với tháng trước. Kinh tế Trung Quốc cũng được thúc đẩy khi xuất khẩu tăng vượt dự báo.
Kim loại quý
Giá vàng có phiên giảm mạnh nhất một tháng do USD tăng giá và lợi suất trái phiếu đi lên.
Giá vàng giao ngay tại sàn New York giảm 33,5 USD xuống 1.794,1 USD/ounce, có phiên tệ nhất kể từ ngày 9/8.
Giá vàng tương lai giảm 1,9% xuống 1.798,5 USD/ounce.
Giá bạc giảm 1,4% xuống 24,32 USD/ounce.
Giá platinum giảm 2,2% xuống 996,48 USD/ounce.
Như Tâm (Theo Reuters)