'Lộ diện' phân khúc bất động sản 'ế hàng' nhiều nhất

Trong quý II/2023, mặc dù cũng có những tín hiệu tích cực về cơ chế chính sách, lãi suất ngân hàng đang trong xu hướng giảm, tuy nhiên vẫn còn nhiều dự án bất động sản đang phải tạm dừng do vướng mắc liên quan đến quy định pháp lý, liên quan đến điều chỉnh quy hoạch, giải phóng mặt bằng và biến động nguyên vật liệu… khiến nhiều phân khúc bất động sản gặp khó khăn. Ngoài ra, các dự án còn gặp khó về hạn chế vốn tín dụng ngân hàng, trái phiếu doanh nghiệp.

Do vậy, theo Bộ Xây dựng, lượng tồn kho được đánh giá tiếp tục tăng hơn so với cùng kỳ năm trước. Tỷ trọng tồn kho chủ yếu ở phân khúc bất động sản nhà ở riêng lẻ, đất nền của các dự án và căn hộ nghỉ dưỡng của các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nhà ở và nghỉ dưỡng, giá trị tồn kho bất động sản hiện nay lên đến hàng chục nghìn tỷ đồng.

Bộ Xây dựng cũng cho biết, theo số liệu báo cáo tạm thời của các địa phương (có 17/63 tỉnh), lượng tồn kho bất động sản trong quý II năm 2023 vào khoảng 16.688 căn (bao gồm chung cư, nhà ở riêng lẻ, đất nền), trong đó: chung cư (1.714 căn); nhà ở riêng lẻ (7.4773 căn); đất nền (7.501 nền). Theo đó, có thể thấy tỷ trọng tồn kho chủ yếu ở phân khúc bất động sản nhà ở riêng lẻ và đất nền của các dự án.

Phân khúc bất động sản nào dẫn đầu số lượng hàng tồn kho?  - Ảnh 1.

Đất nền là một trong những phân khúc bất động sản có số lượng hàng tồn kho lớn (Ảnh: TN)

Theo báo cáo của Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam, Novaland là doanh nghiệp đứng đầu với khoảng 139.000 tỷ đồng hàng tồn kho, tăng hơn 2.000 tỷ đồng so với cuối quý I. Chi phí tồn kho của Novaland chủ yếu ở các đại dự án như NovaWorld Phan Thiet, NovaWorld Ho Tram, Aqua City.

Tiếp đó, Vinhomes là doanh nghiệp đứng thứ hai với giá trị tồn kho đến hết quý II khoảng 55.000 tỷ đồng. Công ty ghi nhận tồn kho bất động sản để bán đang xây dựng khoảng 52.700 tỷ đồng. Đây là tiền sử dụng đất, chi phí giải phóng mặt bằng, chi phí xây dựng, phát triển dự án Dream City, Grand Park, Ocean Park, Smart City, khu đô thị Đại An và một số dự án khác.

Kế tiếp là nhóm các nhà phát triển bất động sản có lượng tồn kho hơn 10.000 tỷ đồng gồm: Công ty cổ phần Đầu tư Nam Long, Công ty cổ phần Tập đoàn Đất Xanh, Tập đoàn Khang Điền và Công ty cổ phần Phát triển Bất động sản Phát Đạt. Trong số đó, hàng tồn kho của Nam Long trên 16.200 tỷ đồng, chủ yếu liên quan các dự án Izumi ở Đồng Nai (9.000 tỷ đồng), Waterpoint ở Long An (5.000 tỷ đồng). Như vậy, hàng tồn kho của Tập đoàn này đã tăng hơn 1.400 tỷ đồng và chiếm khoảng 60% tổng tài sản của nhà phát triển.

Nhiều chuyên gia nhận định, hàng tồn kho bất động sản không chỉ ảnh hưởng lớn đến vấn đề tài chính của các doanh nghiệp địa ốc mà còn là sự lãng phí đối với nền kinh tế của một nước. Vì vậy, giải quyết hàng tồn kho trên thị trường bất động sản luôn là việc cần thiết phải làm, vừa “cứu” doanh nghiệp địa ốc thoát khỏi tình trạng bị “chôn vốn”, vừa giúp thị trường hồi phục thanh khoản.

Theo ông Nguyễn Thế Điệp, Phó Chủ tịch CLB Bất động sản Hà Nội, hàng tồn kho thành phẩm là sản phẩm đã hoàn thiện như căn hộ, nhà ở đưa ra thị trường nhưng không được giao dịch, làm mất tính thanh khoản của doanh nghiệp, trở thành cục nợ có thể dẫn đến nguy cơ phá sản nếu không thể biến lượng hàng tồn thành tiền.

"Còn tồn kho bán thành sản phẩm hay còn gọi là bất động sản dở dang nếu thực hiện mãi không xong vì nhiều lý do cả về thủ tục pháp lý, vốn... và kéo dài sẽ trở thành gánh nặng cho doanh nghiệp bất động sản nói riêng và cho nền kinh tế nói chung. Hàng tồn kho nằm trong nhóm dự án vướng mắc về pháp lý, bị dừng triển khai, không ra được sản phẩm làm tăng gánh nặng chi phí, lãi vay ngày càng lớn và gây khó khăn trực tiếp cho nhiều phân khúc bất động sản", ông Điệp nhận định.