Ngân hàng TMCP Liên Việt (LienVietPostBank, HOSE: LPB) vừa công bố kết quả hoạt động kinh doanh quy 4/2022 với nhiều hoạt động biến động. 

Theo Báo cáo kết quả hoạt động giữa niên độ, trong quý 4/2022, tổng lợi nhuận trước thuế của LienVietPostBank đạt hơn 867 tỷ đồng, tăng 32 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2021. Lũy kế từ đầu năm 2022 đến cuối quý tăng lên 5.689 tỷ, tăng hơn 2000 tỷ so với cùng kỳ năm 2021. Lãi sau thuế đạt hơn 4.510 tỷ đồng.

lienvietpostbank-1678764487.png  

Đây là kết quả khả quan, đầy nỗ lực của ngân hàng tầm trung. Tuy nhiên, LienVietPostBank phải chi khá “đậm” cho khoản chi phí dự phòng rủi ro tín dụng. Cụ thể, trong quý 4/2022, khoản chi phí dự phòng rủi ro tín dụng ngân hàng đạt 1.306 tỷ, tăng gần 900 tỷ so với cùng kỳ năm 2021. Dẫn tới lũy kế khoản này cũng tăng mạnh từ 1.322 tỷ trong năm 2021 lên 3.173 tỷ, tăng gấp 2,4 lần so với cùng kỳ năm 2022.

Theo báo cáo lưu chuyển tiền tệ, lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động kinh doanh của LienVietPostBank tính đến ngày 31/12/2022 đạt 8.019 tỷ, giảm hơn 2.400 tỷ so với cùng kỳ năm 2021. Lưu chuyển thuần về hoạt động đầu tư của LienVietPostBank tại kỳ này tăng gần 3.000 tỷ do tăng vốn cổ phần từ góp vốn.

Kết thúc quý 4/2022, nợ xấu tại LienVietPostBank đạt 3.400 tỷ đồng, tăng 700 tỷ so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, đáng chú ý là nhóm nợ dưới tiêu chuẩn tăng vọt từ 460 tỷ lên 1.069 tỷ. Nhóm nợ nghi ngờ không thay đổi. Nợ có khả năng mất vốn tăng từ 1.333 tỷ lên 1.352 tỷ đồng.

Đây chính là lý do khiến dự phòng rủi ro trích lập quý 4/2022 của  LienVietPostBank tăng vọt từ 3.170 tỷ lên 4.869 tỷ, tăng gần 1.700 tỷ, tương đương tăng 64% so với cùng kỳ năm 2021. Đáng chú ý, nhóm dự phòng cụ thể tăng “khủng” từ 1.616 tỷ vào năm 2021 lên tới 3.118 tỷ trong năm 2022, tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ.

Trong năm 2022, khoản vay của LienVietPostBank tại Ngân hàng Nhà nước tăng vọt từ 1.702 tỷ năm 2021 lên 3.073 tỷ đồng vào năm 2022. Để thực hiện các khoản vay này, LienVietPostBank chủ sử dụng tài sản đảm bảo bằng cách cầm cố các giấy tờ có giá (khoản vay 2.950 tỷ đồng) và vay theo hồ sơ tín dụng (122 tỷ đồng).

Kết thúc ngày 31/12/2022, số thuế LienVietPostBank phải nộp về ngân sách nhà nước là 2.198 tỷ đồng. Hiện, ngân hàng đã thực hiện đóng 1.551 tỷ đồng, còn nợ 878 tỷ đồng. Trong đó gồm 17 tỷ thuế GTGT, gần 809 tỷ thuế TNCN, và 55 tỷ các loại thuế khác.

VNPost tiếp tục thoái vốn tại LienVietPostBank sau một năm bán ế

Mới đây, LienVietPostBank cho biết đã nhận được công văn của Ngân hàng Nhà nước chấp thuận việc chuyển nhượng cổ phần của cổ đông lớn là Tổng cục Bưu điện Việt Nam (VNPost). Theo đó, Ngân hàng Nhà nước chấp thuận đề nghị của LienVietPostBank về việc chuyển nhượng hơn 140,5 triệu cổ phiếu LPB do Tổng cục Bưu điện Việt Nam (VNPost )sở hữu.

LienVietPostBank có trách nhiệm phối hợp với VNPost xây dựng phương án, lộ trình xử lý hệ thống phòng giao dịch bưu điện sau khi VNPost thực hiện chuyển nhượng cổ phần, trong đó có phương án quản lý các đơn vị mạng lưới của LienVietPostBank (bao gồm hệ thống phòng giao dịch bưu điện), đảm bảo ngân hàng hoạt động an toàn, hiệu quả, tuân thủ quy định của pháp luật...

Hồi đầu năm 2022, VNPost từng thực hiện bán đấu giá gần 122,2 triệu cổ phần LPB nhưng không thành công. Kết quả 7 nhà đầu tư cá nhân trong nước mua thành công 800 cổ phiếu LPB do VNPost chào bán với giá đấu bình quân 29.483 đồng/cổ phiếu. Không có bất cứ nhà đầu tư tổ chức nào muốn tham gia đợt đấu giá cổ phiếu LPB lần này. Khi đó, giá khởi điểm mà VNPost công bố bán ra là 28.930 đồng/cổ phần, tương đương hơn 3.500 tỉ đồng cho toàn bộ lô cổ phần.

Cuối năm 2022, LienVietPostBank đã phát hành hơn 225,5 triệu cổ phiếu để trả cổ tức với tỷ lệ 100:15 (sở hữu 100 cổ phiếu được nhận 15 cổ phiếu mới). Sau khi nhận cổ tức, số lượng cổ phiếu LPB do VNPost sở hữu tăng từ gần 122,2 triệu lên hơn 140,5 triệu đơn vị.

Hiện giá bán khởi điểm số cổ phiếu LPB mà VNPost đang sở hữu chưa được công bố. Trên sàn chứng khoán, cổ phiếu LPB đang giao dịch xoay quanh 14.000 đồng. Tạm tính theo giá này thì tổng số cổ phiếu do VNPost tương đương gần 2.000 tỉ đồng, thấp hơn nhiều so với giá trị công bố thoái vốn vào đầu năm 2022.