Như cây lúa muốn có năng suất cao thì trước tiên giống phải tốt, ruộng phải màu mỡ, lại được chăm sóc chu đáo trong thời tiết mưa thuận gió hòa - thì con người muốn có sự nghiệp cái thế trước hết phải được sinh ra từ dòng họ nhân kiệt, được nuôi dưỡng lớn lên trên quê hương địa linh, được tắm mình trong truyền thống đời nối đờì thấm đẫm oanh liệt. Làng quê nào thuộc đất địa linh, dòng họ nào thuộc dòng nhân kiệt - đều là những cứ huyệt sức sống quý báu của mỗi quốc gia dân tộc.
Những dòng sông là các huyết mạch của tự nhiên. Những dòng sông là biên giới kết nối của các cấu trúc địa chất. Bởi thế, hai phía của dòng sông là đất linh thiêng khác cấu trúc. Nơi giao kết của các dòng sông là nơi kết giao của các cấu trúc địa chất – cũng là nơi kết tụ linh khí từ hòa hợp của tạo hóa.
Ân Phú có may mắn trời cho - được ôm ấp bởi các cánh tay linh thiêng của tạo hóa. Hai dòng sông Ngàn Sâu, Ngàn Trươi ôm Ân Phú ở phía Nam và phía Tây. Hai dòng sông Ngàn Phố Ngàn Sâu lại giang tay nuôi dưỡng Ân Phú ở phía Bắc và phía Đông, mà hòa hợp thành sông La xuôi về biển cả. Án ngự trùng điệp phía Tây Ân Phú là dãy Trường Sơn hùng vĩ quanh năm mây trắng. Đối diện che chở Ân Phú về phía Đông là mênh mông biển mẹ bốn mùa sóng ru. Ân Phú là nơi hòa hợp của nhiều cấu trúc địa chất tự nhiên có biên giới là các sông Ngàn Trươi, Ngàn sâu, Ngàn Phố, sông La và dãy Trường Sơn cùng biển Đông. Ân Phú bao quanh bởi nhiều điểm gãy cấu trúc địa chất – là các huyệt đạo của tự nhiên. Ân Phú nhờ đó mà được nuôi dưỡng bởi các huyệt khí thiêng của trời đất.
"Làng Ân Phú" công trình nghiên cứu chất chứa tình nghĩa quê hương
Đất lành chim đậu. Là vùng đất địa linh, Ân Phú có sự trùng hợp thuận thiên khi những dòng họ thuộc hàng nhân kiệt biết tìm đến Ân Phú để sinh sống. Đúng 600 năm trước, một trong những dòng họ nhân kiệt là Trạng nguyên Sử Hy Nhan đã tìm đến vùng đất tập trung nhiều huyệt đạo của tự nhiên - ở nơi giao hòa của Trường Sơn, Ngàn Trươi, Ngàn Sâu, Ngàn Phố và sông La để lập ấp Trại Đầu – là pháo đài đầu tiên nổi danh của vùng đất địa linh này. Pháo đài Trại Đầu là tên khai sinh còn lưu giữ trong sử sách của vùng đất Ân Phú ngày nay.
Đất thiêng không chỉ dành cho một người. Các dòng họ nhân kiệt khác, bởi vậy, cũng theo năm tháng mà hội tụ ở Ân Phú. Vùng đất địa linh Ân Phú vì thế mà sinh ra lớp lớp các bậc trí nhân. Một trong số trí nhân đó - tỏa sáng vào thời cận đại ở thế kỷ XX - là thi sĩ Cù Huy Cận. Lớp lớp học trò người Việt từ nửa sau thế kỷ XX trở đi không mấy ai không biết đến kiệt tác ‘Tràng giang’ của thi sĩ Cù Huy Cận. Sự bất tử của ‘Tràng giang’ được bắt nguồn từ sự vĩnh cửu của Ngàn Sâu, Ngàn Trươi, Ngàn Phố, sông La và Trường Sơn. Có thể nói, Huy Cận là thành quả của ‘địa linh sinh nhân kiệt’. Còn “Tràng giang’, đến lượt mình, làm rạng rỡ đất địa linh mà trở thành ‘nhân kiệt dưỡng địa linh’.
Trong “ LÀNG ÂN PHÚ” của nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Thế Phiệt lưu giữ một “cuốn phim” tài tình làm sống lại vùng đất địa linh Ân Phú không chỉ có 600 năm, mà có gốc gác cả từ trước công nguyên cho đến hiện tại. Ống kính “LÀNG ÂN PHÚ” không chỉ tập trung vào vùng đất địa linh Ân Phú, mà còn lia quét bao quát đến văn hóa và lịch sử toàn miền hữu ngạn sông Ngàn Cả (sông Lam) cho tới tận Hoành sơn.
Trong “LÀNG ÂN PHÚ - 600 NĂM KHAI CƠ LẬP NGHIỆP” người đọc tìm lại được bức tranh đời sống của người Việt miền hữu ngạn sông Ngàn Cả qua nhiều thế kỷ. Là những đợt di dân từ Đông lên Tây, từ Bắc xuống Nam. Là sự hình thành các làng quê cùng dòng họ với tên làng qua các thời kỳ và các gia phả chi tiết. Là các tập tục ăn mặc sinh sống qua các thời kỳ. Là sự giao thoa phát triển tôn giáo và tín ngưỡng. Là các dòng văn hóa cùng các trò chơi dân gian. Là sự học. Là lao động mưu sinh…
Tình yêu quê hương khắc khoải đã dẫn đưa Nguyễn Thế Phiệt tự nguyện đảm nhận một chức năng dâng hiến - làm sống lại một cách chi tiết lịch sử văn hóa 6 thế kỷ của vùng địa linh Ân Phú. “Cuốn phim” “LÀNG ÂN PHÚ” đã tiêu tán nhiều sinh lực và tâm trí của anh. Như một điều tra “hình sự”, để dựng lên “LÀNG ÂN PHÚ” không chỉ đòi hỏi công phu tra cứu từ nhiều nguồn tư liệu, không chỉ đòi hỏi một trình độ am hiểu văn hóa nhiều đời của người Việt trên tiến trình ngàn năm phát triển, mà còn yêu cầu một tầm hiểu biết chữ viết Hán Nôm, và phải nhờ cậy vào “thần giao cách cảm” của một người con được sinh thành từ khí thiêng của vùng đất địa linh Ân Phú.
Làng Ân Phú nơi chôn nhau cắt rốn của nhà thơ Huy Cận
“LÀNG ÂN PHÚ” có thể sẽ là một hình mẫu hứng khởi để cho nhiều làng quê Việt Nam sực tỉnh mà viết lại ngàn năm lịch sử của chính mình. Không ghi nhớ nguồn gốc, không biết ơn tổ tiên - thì không bao giờ có thể làm nên những chiến công cái thế ở tương lai. Một quốc gia hùng cường là một quốc gia ngập tràn những chiến công cái thế khắp mọi vùng miền. Đó mới là điều đóng góp quý giá nhất từ “LÀNG ÂN PHÚ” của Nguyễn Thế Phiệt.
“LÀNG ÂN PHÚ” là lời đáp tri ân tiếng gọi cội nguồn của Nguyễn Thế Phiệt cho quê hương Ân Phú sau nhiều năm phiêu dạt. “LÀNG ÂN PHÚ” nhắc nhủ mỗi người con xa quê không ngừng thao thức nhớ quê. Tiếng gọi cội nguồn từ quá khứ thức tỉnh tương lai. Điều đó làm toại nguyện bất cứ ai đã vì quê hương mà dâng hiến.
(Tiến sĩ Toán học NGUYỄN NGỌC CHU)