Lan tỏa tình người trong đại dịch

Hà Nội ngày giãn cách, trên những tuyến đường, ngõ nhỏ không khó bắt gặp hình ảnh cảm động của nhiều nhóm, đội thiện nguyện trao tặng những suất cơm, nhu yếu phẩm cho người dân lao động, bệnh nhân nghèo, nhằm giúp họ vơi bớt phần nào cơ cực khó khăn, căng thẳng trong dịch.

null

Nhóm thiện nguyện của anh Vũ Minh Châu đều đặn mỗi ngày giúp đỡ nhu yếu phẩm đến cho những người có hoàn cảnh khó khăn do dịch bệnh.

Nhân rộng những tấm lòng thiện nguyện

Đã nhiều năm nay, nhóm thiện nguyện của anh Vũ Minh Châu đã chung tay hỗ trợ, giúp đỡ các hoàn cảnh khó khăn như một công việc quen thuộc. Mặc dù đã gặp không ít trường hợp éo le, cực khổ nhưng có lẽ chưa bao giờ anh phải chứng kiến người dân, nhất là bà con lao động tự do lại khốn khó như bây giờ. Qua mấy đợt dịch, cuộc sống của họ ngày càng nhọc nhằn, khó khăn, nhất là trong thời gian giãn cách xã hội kéo dài.

Với khoảng 250 thành viên, anh Châu cùng nhóm của mình chia nhau theo ca ngày và ca tối để trao nhiều nhất có thể các phần quà đến tay người khó khăn. Vì có kinh nghiệm và sắp xếp hợp lý nên nhóm phân chia đối tượng nhận: Người ít khó khăn hơn thì sẽ phát quà bánh mỳ, sữa, ai khó khăn nhiều hơn thì phát rau, gạo. Công việc này được thực hiện hằng ngày đều đặn bất kể mưa nắng.

Anh Châu chia sẻ: “Việc làm này cũng là công việc thường ngày của cá nhân tôi và cả nhóm thiện nguyện, dịch bệnh phức tạp, những vùng đỏ có ca lây nhiễm, chúng tôi xin phép các đồng chí phụ trách chốt kiểm dịch đến hỗ trợ cho cá nhân, gia đình bà con nhất là với người lao động tự do, chúng tôi cố gắng giúp được nhiều hoàn cảnh nhất có thể. Tuy nhiên, luôn phải thực hiện nghiêm các quy định phòng chống dịch, giãn cách, bảo đảm an toàn cho bản thân mình cũng như mọi người xung quanh”.

Cá nhân, gia đình ở các khu trọ nghèo, những người làm nghề tự do, bệnh nhân điều trị bệnh nặng, sinh viên các tỉnh bị mắc kẹt mùa dịch… tại một số quận như Hoàng Mai, Thanh Xuân, Cầu Giấy là địa bàn nhóm hoạt động nhiều nhất.

Để có được số lượng lớn nhu yếu phẩm và các suất quà hỗ trợ, nhóm của anh Châu ngoài việc tự nguyện ủng hộ, còn tích cực vận động từ các mạnh thường quân, doanh nghiệp, tổ chức, các đầu mối siêu thị thực phẩm…. Trung bình mỗi ngày họ đi phát tặng khoảng hơn 100 suất gạo, 200-300 suất rau củ quả cùng các loại thực phẩm thiết thực khác. Bản thân anh Châu và đội nhóm của anh là nơi làm công tác từ thiện lâu năm, uy tín, nhiệt tình, nhiệt tâm nên nhiều tổ chức, đoàn thể, mạnh thường quân tin tưởng, tạo điều kiện chung tay.

Chia sẻ thêm anh nói: “Tôi cùng các thành viên trong nhóm quan điểm rằng, mình dùng gì, ăn đồ gì thì mình tặng biếu người dân đồ như thế. Trao tặng bằng tất cả tấm lòng thiện nguyện của mình, phần nào giúp họ yên tâm vượt qua khốn khó, đói khổ, chỉ mong sao cuộc sống của mọi người dần ổn định, mọi khó khăn sẽ sớm qua đi”, anh Châu tâm niệm.

Chuẩn bị lương thực phân phát cho xóm trọ nghèo ven sông Hồng gặp khó khăn do dịch bệnh.

Sẻ chia với những mảnh đời cơ cực

Hà Nội sau gần 1 tháng giãn cách, dịch bệnh đã làm xáo trộn, đảo lộn cuộc sống của tất cả mọi người, khó khăn chồng chất nhưng với tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái, không một người dân nào bị bỏ lại phía sau, các mảnh đời khốn khó, hoàn cảnh éo le vất vả đã nhận được những động viên, chia sẻ, giúp đỡ kịp thời từ các cấp ngành, tổ chức đoàn thể, hội nhóm, nhà hảo tâm.

Tại một khu trọ nghèo thuộc phường Trung Văn, quận Nam Từ Liêm, hầu hết nơi đây tập trung thành phần lao động tự do, người già neo đơn…bị ảnh hưởng nghiêm trọng về đời sống sau khi dịch COVID-19 bùng phát. Họ phải dừng toàn bộ công việc kiếm sống, không tiền, cạn lương thực thực phẩm, nỗi lo lắng dịch bệnh, không thể về quê vì giãn cách… Nhiều đoàn thể, cá nhân, mạnh thường quân đã trực tiếp trao những suất quà là các nhu yếu phẩm, gạo, mỳ tôm, rau xanh… cho những người dân.

Cụ Lê Thị Tâm (85 tuổi), sống một mình trong căn nhà nhỏ cũ nát, nhận được đồ cứu trợ, cụ khóc vì mừng, cụ tâm sự: “Hằng ngày tôi nhặt ve chai, đồ phế liệu… góp nhặt lại mang bán kiếm rau cháo qua ngày, giờ dịch, phải nghỉ ở nhà, thật may có các anh chị từ thiện cho đồ thế này, tôi chẳng biết nói gì hơn là cảm ơn các nhà hảo tâm đã quan tâm để chúng tôi có cái ăn những ngày này”.

Không riêng gì cụ Tâm, những lao động nghèo mắc kẹt lại Thủ đô tại xóm trọ này cũng cạn tiền mua thực phẩm, họ đều vui sướng, hạnh phúc khi đón nhận sự quan tâm, đùm bọc của mọi người. Không những vậy, họ còn được giúp đỡ tiền phòng trọ, tiền mặt, thuốc men, khẩu trang, nước sát khuẩn để có thể phòng chống dịch bệnh một cách an toàn nhất.

Ông Phạm M.T trú tại La Khê, quận Hà Đông, công việc hằng ngày làm bảo vệ vốn dĩ chỉ tạm đủ ăn với đồng lương khiêm tốn. Khi lệnh giãn cách được ban hành, công ty nơi ông làm việc phải đóng cửa, cô con gái làm nghề tự do cũng rơi vào tình trạng thất nghiệp. Không có thu nhập, không việc làm, mọi thứ lo lắng cứ thế đè nặng lên vai người đàn ông gần 60 tuổi gà trống nuôi con nhiều năm nay. Giữa bộn bề đó, ông và gia đình đã nhận được hỗ trợ thực phẩm, nhu yếu phẩm của tấm lòng thiện nguyện, ông T cảm giác bất ngờ, vui mừng, cảm động khiến ông nghẹn ngào không nói nên lời, chỉ biết đưa tay lau nước mắt.

Giữa khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID- 19, những tấm lòng “nhường cơm sẻ áo”, “một miếng khi đói bằng một gói khi no” đang được lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng, thể hiện tinh thần đoàn kết, tương trợ cùng nhau của người dân Thủ đô nói riêng, và những người Việt Nam khắp mọi miền đất nước nói chung. Những hành động đẹp vì người nghèo của các nhà hảo tâm, những suất cơm miễn phí, những bao gạo, bó rau, thùng mỳ gói… những hành động đẹp đều chứa chan tình cảm, sự động viên, sẻ chia cùng vượt qua đại dịch, đi qua khó khăn giữa con người với con người.

Cho đi mà không cần nhận lại, đón nhận yêu thương san sẻ vơi bớt âu lo và an tâm không ai bị bỏ lại phía sau. Trong tình cảnh nguy khốn lúc này, chưa bao giờ tình người lại tỏa sáng đến thế, giá trị của việc cho đi và nhận lại khiến cuộc sống trở nên ý nghĩa và tốt đẹp biết bao!

Hồng Tâm