Khen/chê sếp thì rất dễ, nhưng đã bao giờ, các bạn thử tư duy lật ngược lại vấn đề: Vậy thì làm sếp… dễ hay khó?
Câu hỏi trên càng đáng chú ý hơn, khi rất nhiều người trẻ đang đặt mục tiêu “lên sếp”, nhưng không ít bạn lại chưa hiểu bản chất của vai trò quản lý này!
Từng giữ các vị trí từ nhân viên, rồi “sếp đội nhóm” (khởi tạo, điều hành, vạch nội quy), cho tới vị trí quản lý chính thức, tôi thấy rằng, làm sếp là công việc vừa dễ, vừa khó!
Dễ – là ở “nơi có ngân sách”, thì khá là dễ thở! Tất nhiên, đây là quan điểm cá nhân của tôi. Tại sao ư?
Sếp ở những chỗ đó thường được cho là “nắm quyền sinh sát”, “luôn đúng”. Đây là câu chuyện đầy “nhạy cảm”, mà những ai muốn phát triển sự nghiệp bằng chính thực lực của mình, không phải “toan tính nhạy cảm” thì có thể bỏ qua mối quan tâm này.
Khó – là ở môi trường doanh nghiệp tư nhân. Vì nhân viên không “sợ” sếp như hoàn cảnh ở trên. Nói cách khác, “quyền sinh sát” của sếp tại đây chẳng có mấy sức nặng.
Nếu nhân viên cảm thấy không thích, thì… họ nghỉ, để “nhảy” việc – đơn giản thế thôi.
Thành ra, muốn làm sếp ở môi trường doanh nghiệp tư nhân, người ta phải có những tố chất, năng lực rõ ràng, bằng không, sẽ khó thu hút nhân tài đồng hành cùng mình.
Vậy thì tố chất – năng lực của sếp ở DN tư nhân gồm những gì?
Thứ nhất, sếp phải có chuyên môn lõi/gốc tốt – chuyên môn này là “xương sống” ở bộ phận mà vị sếp đó quản lý.
Chẳng hạn, ở một đơn vị truyền thông, đó là tư duy nội dung. Không có tư duy nội dung, kỹ năng viết lách, làm sao để “truyền cho thông”?
Thứ hai, sếp cần có sự hiểu biết ở những mảng chuyên môn “gần”, như media (kỹ thuật quay, chụp, dựng), đồ họa…
Không tới mức phải biết sâu (vì sếp không có nghĩa là làm tất cả), nhưng cần hiểu những nguyên tắc cơ bản để điều hành, phân phối công việc hiệu quả và công bằng.
Thứ ba, là sếp thì không thể thiếu tư duy quản trị công việc rành mạch, lên kế hoạch rõ ràng, bao gồm:
= Xác định mục đích, mục tiêu.
= Vạch quy trình thực hiện, gồm những việc phải làm, giao cho ai.
= Thống nhất “chuẩn” nghiệm thu (thời gian, chất lượng).
Tư duy quản trị công việc nói trên là thứ rất quan trọng! Tại sao?
Vì bất kỳ nhân viên nào cũng sẽ cảm thấy thật khổ sở khi phải làm việc dưới “trướng” của vị sếp mơ hồ, theo kiểu “cứ làm đi”, chung chung, không biết đi tới đâu và sẽ đi như thế nào!
Cá nhân tôi đã chứng kiến không ít học viên có năng lực, có đam mê, nhưng buộc phải nói lời chia tay vị trí công việc lẽ ra rất phù hợp với họ – đơn giản vì sếp tại đó quá tùy hứng, làm việc thiếu cụ thể, khiến sự ức chế cứ tăng dần lên, tới mức… ra đi.
Thứ tư là khả năng thấu cảm giữa người với người, để sếp có thể xây dựng văn hóa trong đội nhóm của mình thực sự văn minh, thấu tình đạt lý.
Nếu không có năng lực này, mọi thứ trong môi trường làm việc có thể chỉ là sự đối phó, làm cho xong mà không có tính gắn kết hay cảm xúc gì.
Thứ năm là… sự gương mẫu!
Nói điều này ra, mọi người dễ nghĩ rằng, “lý thuyết thôi!”. Không phải đâu!
Nói về sự gương mẫu thì rất dễ, nhưng thực tế, làm thì không dễ chút nào. Sếp là nguời đưa ra “luật chơi” (nội quy) cho đội nhóm của mình, nên nhiều khi xảy ra tình trạng sếp tự cho mình quyền… “ngồi trên luật”.
Nhưng đừng quên rằng, ai cũng có khả năng quan sát, đánh giá, nên một khi sếp thiếu gương mẫu, nhân viên hoàn toàn có thể nhận biết và “phán xét” sau lưng.
Vị sếp nào thiếu tính kỷ luật, không gương mẫu thì ắt dẫn đến sự mất điểm, không phục.
Bởi thế, bất kỳ sự đặc thù nào trong chế độ công việc của sếp cũng cần được “luật hóa” vào nội quy chung, để mọi người đều hiểu, đảm bảo tính minh bạch và đàng hoàng, sòng phẳng.
(Năm điều nêu trên chính là “chân ái” kỹ năng làm sếp tốt!)
*****
Có quan điểm khá thú vị được cư dân mạng chia sẻ nhiều, là… “Muốn ngồi ở vị trí ít người ngồi được, thì phải làm được những thứ không nhiều người đảm đương nổi”.
Rõ ràng là thế!
Bởi vậy, tôi tái khẳng định quan điểm đã nêu: Làm sếp là việc không hề dễ, đặc biệt ở môi trường sòng phẳng như DN tư nhân!
Gần đây, lại có một học viên thân thiết nhắn: “Em vừa nghỉ việc rồi, thầy ạ!”.
Tiếc thay, cô ấy là một người có năng lực, có trách nhiệm, có nhiệt huyết. Vậy… “Tại sao em nghỉ?”. “Vì… sếp em!”.
Đơn giản, theo sự quan sát, cảm nhận của cô ấy, thì vị sếp đó thiếu cả 5 yếu tố mà tôi đã nêu ở trên – đặc biệt là yếu tố số 3 (tư duy quản trị công việc, xây dựng quy trình làm việc cho đội nhóm).
Sau tất cả những gì vừa chia sẻ, hẳn là đến giờ, mọi người đều sẽ đồng ý với tôi: Làm sếp tử tế, thì… không hề dễ!
Trung Hiếu – Vietchuyennghiep.vn