Muốn Make in Vietnam thì phải làm chủ công nghệ. Lời giải cho làm chủ công nghệ của Việt Nam là công nghệ mở. Với một nước đi sau như Việt Nam chúng ta mà muốn đi trước thì phải đứng trên vai những người khác.

Đó là lời phát biểu của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng tại Diễn đàn Phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam 2020 vừa mới được tổ chức tại Hà Nội giữa tuần này.

Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, một năm qua đã có hơn 13.000 doanh nghiệp công nghệ số được thành lập tại Việt Nam, đưa tổng số doanh nghiệp công nghệ trong nước lên con số 58.000. "Một con số kỷ lục!" ông Hùng nói.

Sự bùng nổ của các doanh nghiệp công nghệ trong thời gian qua có thể được coi là sự hưởng ứng của các doanh nghiệp đối với chiến lược phát triển doanh nghiệp công nghệ số và chương trình đổi mới số quốc gia của Chính phủ được bắt đầu từ năm 2019. Tuy nhiên, Bộ trưởng Hùng nhận định, để có thể thành công được, thì các doanh nghiệp cần phải có một tầm nhìn dài hạn và chiến lược trong từng giai đoạn.

"Lời giải cho làm chủ công nghệ của Việt Nam là công nghệ mở. Với một nước đi sau như Việt Nam chúng ta mà muốn đi trước thì phải đứng trên vai những người khác," Bộ trưởng Hùng nói.

Đại diện các doanh nghiệp tham dự diễn đàn đều khẳng định nếu doanh nghiệp trong nước không đứng lên, làm chủ những mảng kinh doanh cốt lõi sẽ thua ngay trên sân nhà.

"Người Việt Nam cần làm chủ công nghệ, hệ sinh thái số thuần Việt để cạnh tranh và vươn ra thế giới," bà Nguyễn Hoàng Phương, Tổng Giám đốc Be Group, nói.

Rõ ràng, với một quốc gia phát triển sau về công nghệ, đi tắt đón đầu và làm chủ công nghệ mới là hướng đi có thể giúp doanh nghiệp thay đổi cục diện, từ chỗ ít người biết đến nhanh chóng có được một vị thế có tiếng nói trên thị trường.

Câu chuyện Tổng Giám đốc TPBank Nguyễn Hưng chia sẻ tại diễn đàn có thể được coi là một điển hình về việc làm chủ công nghệ mới và từ đó xây dựng được một thương hiệu ngân hàng số Make in Vietnam.

Cách đây 8 năm, TPBank là ngân hàng "bét bảng" trong hệ thống ngân hàng thương mại, đứng ở vị trí 42/42. Ông Hưng cho biết, lựa chọn đúng chiến lược số hóa đã góp phần giúp ngân hàng này vươn lên Top 10 ngân hàng mạnh nhất hệ thống về chất lượng và hiệu quả hoạt động. TPBank cũng được coi là một trong những ngân hàng có dịch vụ ngân hàng số đi đầu ở Việt Nam hiện tại.

Làm chủ công nghệ mới để xây dựng ngân hàng số Make in Vietnam - Ảnh 1.

"Phương châm "Think big, start small, scale success" đã giúp TPBank làm chủ công nghệ", CEO TPBank, ông Nguyễn Hưng chia sẻ.

Thành công của TPBank chính là nhờ biết "đứng trên vai người khổng lồ", bắt tay với những công ty công nghệ hàng đầu để triển khai các nền tảng số, công nghệ tài chính tiên tiến trên thế giới. Tuy nhiên, hợp tác với các công ty công nghệ hàng đầu thế giới để triển khai các dự án nền tảng số chỉ là giải pháp.

"Khai thác hiệu quả các công nghệ, giải pháp vào mục đích kinh doanh, sáng tạo ra các sản phẩm, dịch vụ hay mô hình kinh doanh mới quan trọng. Chúng tôi làm chủ công nghệ và tiếp tục phát triển thành giải pháp, tạo ra các sản phẩm Make in Vietnam," ông Hưng nói.

Để làm chủ được công nghệ, ông Hưng chia sẻ, TPBank thực hiện phương châm "Think big, start small, scale success." (Nghĩ lớn, bắt đầu từ việc nhỏ, nhân rộng thành công sang các lĩnh vực khác).

Hệ thống ngân hàng tự động LiveBank là tấm gương phản ánh hiệu quả trong phương châm của TPBank. Với ý tưởng xây dựng một thương hiệu ngân hàng số chưa từng có ở Việt Nam, TPBank bắt đầu từ việc nhỏ là thí điểm lắp đặt hệ thống LiveBank đầu tiên vào năm 2017 và nhanh chóng gặt hái được thành công. Cho đến nay, ngân hàng này có 330 LiveBank trên cả nước. Tổng Giám đốc TPBank ước tính, 3 điểm LiveBank có hiệu quả hoạt động tương đương với 1 chi nhánh ngân hàng, nhưng lại có khả năng phục vụ 24/7. Như vậy, TPBank đã phát triển được mạng lưới tương đương với hơn 100 chi nhánh, điều mà ngân hàng phải mất 20 năm mới có được nếu phát triển chi nhánh truyền thống theo quy định của Ngân hàng Nhà nước.

TPBank cũng là ngân hàng đầu tiên đưa ra giải pháp eKYC (định danh khách hàng điện tử) áp dụng trên hệ thống LiveBank và nay những kinh nghiệm đó lại được áp dụng cho eKYC trên kênh eBank, với việc nâng cao ứng dụng AI và Machine Learning, cho phép khách hàng có thể định danh và mở tài khoản giao dịch với ngân hàng sau một số bước đơn giản trên môi trường số.

Lãnh đạo TPBank cho biết rất tự hào vì đang sở hữu đội ngũ kỹ sư công nghệ chất lượng tốt nhất thị trường, có thể tự nghiên cứu, sáng tạo ra những ứng dụng "Made in Vietnam" tốt không kém công nghệ nhập khẩu từ nước ngoài.

"Chúng tôi đã từng mua giải pháp công nghệ từ để số hóa toàn bộ tài liệu, chứng từ với chi phí khá đắt đỏ. Tuy nhiên, nhờ nghiên cứu, ứng dụng AI và Machine Learning trong công nghệ OCR, chúng tôi đã có thể tự số hóa hàng chục triệu trang chứng từ với chi phí rất thấp," ông Hưng nói.

Không chỉ vậy, nhờ làm chủ được công nghệ mới, TPBank đã tự phát triển được 70 robot ứng dụng trong quy trình hoạt động, dự kiến số lượng robot do TPBank tự phát triển trong năm 2021 là 140. Hoặc hiện nay, hơn 80% ứng dụng công nghệ mới của ngân hàng đều có sử dụng AI. TPBank hiện cũng là ngân hàng tích cực ứng dụng Big Data để nâng cao trải nghiệm khách hàng, và là ngân hàng đầu tiên ứng dụng công nghệ blockchain trong hoạt động chuyển tiền quốc tế tại Việt Nam.

Ánh Dương

Theo Nhịp sống kinh tế