Lãi và phí phải thu quá lớn, cô đặc kéo dài và tiếp tục tăng lên thì dễ trở thành một dấu hiệu cảnh báo về chất lượng tài sản, nợ xấu tiềm ẩn (Ảnh minh họa).
Kết thúc năm 2020, mặc dù chịu ảnh hưởng không nhỏ từ đại dịch Covid-19 nhưng nhìn chung ngành ngân hàng vẫn có một năm kinh doanh khá khả quan, phần lớn thành viên đều ghi nhận lợi nhuận tăng trưởng so với năm trước. Một số ngân hàng thậm chí ghi nhận lợi nhuận tăng bằng lần năm qua.
Dù vậy, với việc lãi, phí phải thu của nhiều thành viên có xu hướng tăng mạnh trong năm qua thì chất lượng lợi nhuận đến đâu vẫn còn là một điều đáng để ý.
Khảo sát của BizLIVE tại 24 ngân hàng cho thấy, tổng lãi, phí dự thu đến cuối tháng 12/2020 ở mức gần 172,6 nghìn tỷ đồng, tăng 12,2% so với đầu năm. Trong đó, có tới 10/24 nhà băng trong nhóm khảo sát ghi nhận khoản mục này tăng so với đầu năm. Đáng chú ý, có thành viên ghi nhận lãi, phí dự thu tăng vọt tới 100% trong năm qua.
NamABank là một ví dụ. Kết thúc năm 2020, ngân hàng này ghi nhận lợi nhuận 1.005 tỷ đồng, tăng nhẹ 8,8% so với năm trước, vừa đúng hoàn thành kế hoạch lợi nhuận năm.
Tuy nhiên, trên bảng cân đối kế toán, khoản mục lãi, phí phải thu của NamABank tăng tới gấp đôi so với năm trước, lên 2.632 tỷ đồng, so với mức 1.315 tỷ đồng khi kết thúc năm 2019. Tỷ lệ lãi, phí phải thu/tổng tài sản theo đó đã tăng từ 1,4% năm 2019 lên 2% năm 2020.
Tương tự, trong năm qua, SCB là một trong những nhà băng ghi nhận lợi nhuận tăng trưởng mạnh nhất hệ thống với lợi nhuận trước thuế đạt 696 tỷ đồng, tăng tới 3,2 lần so với năm 2019.
Tuy nhiên, khoản lãi, phí phải thu của ngân hàng năm qua cũng tăng 39,1%, lên 73.598 tỷ đồng, chiếm tới 11,6% tổng tài sản.
LienVietPostBank cũng là một hiện tượng đáng chú ý trong năm qua xét ở chỉ tiêu này, khi có mức tăng chỉ đứng sau NamABank, với 41%.
TPBank và VIB cũng là những ngân hàng có lãi, phí tăng khá mạnh trong năm qua với mức tăng lần lượt 27,9% và 20,2%.
Về lý thuyết, lãi dự thu là khoản lãi mà ngân hàng dự kiến thu được trong tương lai từ các tài sản sinh lời, trong đó bao gồm cho vay khách hàng.
Dù ngân hàng chưa thu được tiền thật từ khoản này, nhưng vẫn được ghi nhận vào vào kết quả hoạt động kinh doanh.
Tuy nhiên, khi tỷ lệ này quá lớn, hoặc tăng quá nhanh và đặc biệt là cô đặc trong một khoảng thời gian dài thì dễ trở thành một dấu hiệu cảnh báo về chất lượng tài sản, nợ xấu tiềm ẩn cũng như chất lượng lợi nhuận của nhà băng.
Theo quy định tại Thông tư 16/2018/TT-BTC, các TCTD chỉ được hạch toán số lãi phải thu phát sinh trong kỳ vào thu nhập đối với các khoản nợ đủ tiêu chuẩn không phải trích dự phòng rủi ro, tức là nợ nhóm 1.
Đối với các khoản phải thu đã hạch toán vào thu nhập nhưng sau đó được đánh giá không thu được hoặc đến kỳ hạn thu không thu được thì TCTD phải hạch toán giảm doanh thu nếu cùng kỳ kế toán, hoặc hạch toán vào chi phí nếu khác kỳ kế toán.
Dù vậy, nhiều thành viên vẫn không thực hiện chuyển nhóm nợ đối với những khoản thu quá hạn, không thoái lãi dự thu đối với các trường hợp khó có khả năng thu hồi, từ đó, làm tăng lãi ảo, đồng thời, con số nợ xấu không được thể hiện một cách chính xác, cụ thể trên BCTC.
Để kiểm soát lãi dự thu và đưa con số nợ xấu về thực chất hơn, hồi cuối tháng 3/2019 NHNN đã có văn bản yêu cầu các TCTD nghiêm túc thực hiện dự thu lãi phù hợp với thực trạng các khoản nợ, đảm bảo tuân thủ đúng quy định của pháp luật để phản ánh đúng kết quả hoạt động kinh doanh. Đồng thời, TCTD thường xuyên rà soát tình hình thực tế của các khoản nợ đang dự thu lãi, đặc biệt các khoản lãi có dự thu lớn để kịp thời thoái lãi dự thu đối với các trường hợp khó có khả năng thu hồi.
Tuy nhiên, như trên, hiện quy mô khoản lãi dự thu của hệ thống ngân hàng vẫn khá lớn và còn có xu hướng tăng lên, đặc biệt là trước tác động của đại dịch Covid-19. Điều này tiềm ẩn yếu tố rủi ro lợi nhuận ngân hàng đang bị "thổi phồng" trong khi con số nợ xấu không được phản ánh đầy đủ trên sổ sách.
Bizlive