Lãi suất tiết kiệm ngân hàng tăng dịp cận Tết

Do áp lực thanh khoản tăng cao dịp Tết Nguyên đán 2022, nhiều ngân hàng - bao gồm cả nhóm nhà băng tư nhân cỡ lớn - phải tăng lãi suất huy động tiền gửi trong tháng 1.

Sau 2 đợt tăng lãi suất tiền gửi tháng 11 và 12/2021 tại nhóm ngân hàng thương mại quy mô vừa và nhỏ, thị trường tiền tệ tiếp tục ghi nhận thêm một đợt tăng lãi suất trong tháng 1/2022 từ một số nhà băng. Tuy nhiên, trong đợt tăng lãi suất tiết kiệm này, những ngân hàng tham gia có quy mô tài sản và huy động lớn hơn rất nhiều.

Ngay trong tuần đầu tiên của tháng 1, VPBank công bố biểu lãi suất huy động vốn với các khách hàng cá nhân với xu hướng tăng 0,2-0,9 điểm % so với tháng 12/2021 trước đó.

Cụ thể, đầu tháng 12/2021, ngân hàng này niêm yết lãi suất tiền gửi kỳ hạn 1 tháng đến 6 tháng ở mức 3-5%/năm tùy hạn mức gửi. Đến nay, mặt bằng lãi suất các kỳ hạn này đã tăng lên mức 3,2-5,5%/năm. Trong đó, mức tăng mạnh nhất 0,5 điểm % được VPBank áp dụng với các khoản tiền gửi kỳ hạn 6 tháng có số dư trên 3 tỷ đồng.

Ngan hang tang lai suat can Tet anh 1

VPBank là ngân hàng tăng lãi suất huy động mạnh nhất trong tháng 1/2022. Ảnh: Việt Linh.

Lãi suất tăng gần 1 điểm %

Tương tự, các kỳ hạn 9 và 12 tháng cũng được ngân hàng này điều chỉnh tăng lần lượt 0,4 và 0,7 điểm %, hiện dao động quanh mức 4,5-5,5%/năm áp dụng cho kỳ hạn 9 tháng và 5-6%/năm với kỳ hạn 12 tháng.

Hiện mức lãi suất tiền gửi cá nhân cao nhất VPBank đưa ra là 6,3%/năm, áp dụng với các khoản gửi trên 50 tỷ đồng và kỳ hạn 36 tháng, cao hơn 0,9 điểm % so với một tháng trước.

Nếu chọn gửi tiết kiệm qua kênh online, khách hàng của VPBank sẽ được hưởng mức lãi suất cao hơn 0,2-0,3 điểm % so với gửi tại quầy. Với mức điều chỉnh kể trên, VPBank cũng là nhà băng có mức tăng lãi suất huy động cao nhất trong tháng 1/2022.

Không riêng VPBank, Sacombank cũng cập nhật biểu lãi suất huy động cá nhân từ đầu tháng 1, tăng 0,2-0,3 điểm % so với tháng 12/2021.

Trong đó, các kỳ hạn 1-3 tháng phổ biến tăng thêm 0,2 điểm %, dao động quanh mức 3,3-3,6%/năm; kỳ hạn 6-11 tháng tăng 0,3 điểm %, ở mức 4,6-4,7%/năm. Tương tự, lãi suất tiền gửi khách hàng cá nhân kỳ hạn 12 tháng hiện được Sacombank niêm yết ở 5,8%/năm, tăng so với mức 5,5%/năm của tháng liền trước.

Trong khi đó, lãi suất cao nhất nhà băng này đang áp dụng là 6,3%/năm với các khoản tiền gửi kỳ hạn 36 tháng trở lên.

- Lãi suất tiết kiệm ngân hàng tại quầy: %/năm

Ngân hàng 1-5 tháng 6-11 tháng 12 tháng
Techcombank 2,7-3,85 4,6-5,1 4,9-5,3
MBBank 2,5-3,2 4,25-4,7 4,85
LienVietPostBank 3,1-3,4 4 5,5
VPBank 3,2-4 4,5-5,5 5-6
Agribank 3,1-3,4 4 5,5
BIDV 3,1-3,4 4 5,5
Vietcombank 3-3,3 4 5,5
VietinBank 3,1-3,4 4 5,6
Saigonbank 3,1-3,4 4,7 5,6
MSB 3-3,8 5-5,3 5,6
HDBank 3-3,1 4,8 5,65
ABBank 3,35 5,2 5,7
Eximbank 3,3-3,6 5-5,6 5,7
SHB 3,5-3,75 5,2-5,5 5,7-5,8
ACB 3,2-3,6 4,7-5,1 5,6-5,8
Sacombank 3,3-3,6 4,6-4,7 5,8
TPBank 3,2-3,45 5,5-5,6 5,8
PGBank 3,9 5,4 6,1
OCB 3,55-3,7 5,2-5,4 5,9
GPBank 4 6-6,1 6,2
DongABank 3,6 5,5-5,6 6,1
VIB 3,3-3,6 5-5,1 6,2
VietBank 3,6-3,7 5,6-6 6,2
PVComBank 3,9 5,6-6,05 6,2
NCB 3,5 5,8-6,1 6,2
NamABank 3,95 5,6 6,2
Vietcapital Bank 3,8 5,7-5,9 6,2
SeABank 3,5-3,6 5,4-6,05 6,1
BacABank 3,7 5,9-6 6,3
Baoviet Bank 3,35-3,45 5,8-5,9 6,35
VietABank 3,75 6-6,1 6,5
Kienlongbank 3,1-3,4 5,6-5,8 6,5
CBBank 3,5-3,75 6,25-6,35 6,55
OceanBank 3,6-3,7 5,6-6 6,55
SCB 4 5,9-6,6 7

Tương tự VPBank, Sacombank cũng áp dụng mức lãi suất tiền gửi cao hơn 0,2 điểm % nếu khách hàng chọn gửi qua kênh trực tuyến.

Sau 2 tháng liên tiếp tăng lãi suất huy động cuối năm 2021, Techcombank một lần nữa nâng biểu lãi suất tiền gửi của khách hàng cá nhân từ 18/1, mức tăng phổ biến là 0,15-0,8 điểm %.

Cụ thể, lãi suất nhà băng này đưa ra với các khoản tiền gửi dưới 6 tháng hiện phổ biến ở mức 2,7-3,3%/năm, tăng 0,15-0,25 điểm % so với tháng trước.

Tại kỳ hạn 6 tháng, khách hàng thường của Techcombank được hưởng lãi suất quanh mức 4,6-5%/năm, trong khi khách hàng ưu tiên được hưởng lãi suất 4,7-5,1%/năm. So với tháng 12/2021, biểu lãi suất này đã tăng tới 0,6-0,9 điểm %.

Tại kỳ hạn 12 tháng, Techcombank đưa ra mức lãi suất dao động trong khoảng 4,9-5,3%/năm cho các khách hàng cá nhân, cao hơn mức 4,6-4,8%/năm của tháng trước đó.

Trong tháng 12/2021, lãi suất tiền gửi cao nhất mà nhà băng này áp dụng cho khách hàng cá nhân là 5%/năm áp dụng với kỳ hạn 36 tháng, đến nay, mức tiền gửi tương tự đã được hưởng lãi suất 5,8%/năm.

Theo khảo sát của Zing, ngoài 3 nhà băng nói trên, tháng 1 cũng ghi nhận hàng loạt ngân hàng điều chỉnh tăng lãi suất tiền gửi như DongABank; OceanBank; SCB… Trong đó, mức tăng chủ yếu dao động trong khoảng 0,1-0,5 điểm % so với tháng trước. Đây cũng là tháng thứ 2-3 liên tiếp các ngân hàng này tiến hành tăng lãi suất huy động.

Ở chiều ngược lại, tháng này ghi nhận 3 nhà băng giảm lãi suất huy động, gồm BacABank, GPBank và NCB, mức giảm chủ yếu tập trung ở các kỳ hạn dài với mức thấp hơn 0,1-0,9 điểm %.

Trong khi đó, bộ 4 ngân hàng thương mại quốc doanh VietinBank, Vietcombank, BIDV và Agribank vẫn tiếp tục duy trì lãi suất ổn định nhiều tháng gần đây. Hiện phổ biến ở mức 3,1-3,4%/năm với kỳ hạn dưới 6 tháng; 4%/năm với kỳ hạn 6-11 tháng và 5,5-5,6%/năm với kỳ hạn 12 tháng trở lên.

Lãi suất sẽ đi lên trong năm 2022

Các chuyên gia tài chính cho rằng nguyên nhân chính dẫn tới các đợt tăng lãi suất liên tiếp gần đây của nhóm ngân hàng thương mại là áp lực thanh khoản khi thị trường bước vào cao điểm thanh toán cuối năm.

Trên thị trường liên ngân hàng, thanh khoản các ngân hàng căng thẳng hơn cũng khiến lãi suất cho vay giữa các nhà băng tăng nhanh từ giữa tháng 12/2021 đến nay, hiện vẫn đạt trên 1%/năm với kỳ hạn qua đêm. Ngoài ra, các ngân hàng cũng phải đối mặt với việc tăng trưởng tiền gửi giảm sút nếu không tăng lãi suất huy động.

Cuối năm 2021, Thống đốc thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết khi lãi suất huy động mới giảm 1-1,5 điểm %, tăng trưởng tiền gửi của các ngân hàng đã giảm xuống còn 4,8% (đến tháng 10 cùng năm), trong khi cùng kỳ năm 2020 tăng trưởng vẫn là hơn 6%.

LÃI SUẤT CHO VAY LIÊN NGÂN HÀNG TĂNG VỌT GẦN ĐÂY
Nguồn: NHNN; SSI Research; Tổng hợp
Nhãn 27/9-1/10/2021 4-8/10 11-15/10 18-22/10 25-29/10 1-5/11 8-12/11 15-19/11 22-26/11 29/11-3/12 6-10/12 13-17/12 20-24/12 27-31/12 4-7/1/2022 10-14/1
1 tuần %/năm 0.84 0.77 0.81 0.79 0.83 0.8 0.78 0.75 0.74 0.74 0.8 1.1 1.68 1.76 1.55 1.59
Qua đêm 0.71 0.68 0.68 0.67 0.71 0.69 0.69 0.65 0.64 0.63 0.7 0.86 1.37 1.57 1.16 1.13

Vị lãnh đạo NHNN cho biết không thể đặt ra mục tiêu giảm lãi suất đầu vào để giảm lãi suất đầu ra thêm nữa vì nếu huy động với lãi suất quá thấp thì người dân sẽ không gửi tiền ngân hàng mà đi mua nhà, mua vàng. Điều này có thể dẫn đến bất ổn cho nền kinh tế.

Các chuyên gia phân tích tại Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cho rằng mặt bằng lãi suất năm 2022 khó có thể giảm thêm và sẽ tăng nhẹ trở lại quanh ngưỡng 0,25-0,5 điểm %, đặc biệt là giai đoạn nửa cuối năm 2022 khi tăng trưởng tín dụng tích cực trở lại.

Các chuyên gia của VNDirect thì cho rằng việc tăng lãi suất của các ngân hàng còn đến từ sự cạnh tranh của các kênh đầu tư hấp dẫn khác như bất động sản và chứng khoán. Các chuyên gia tại đây cũng dự báo lãi suất tiền gửi ngân hàng sẽ tăng 0,3-0,5 điểm % trong năm nay.

Như vậy, lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng của các ngân hàng thương mại có thể tăng lên 5,9-6,1%/năm vào cuối năm 2022. Tuy vậy, mức này vẫn thấp hơn đáng kể so với mức 6,8-7%/năm trước đại dịch.