Ngày 21/7, nhóm Big4 (gồm Agribank, BIDV, Vietcombank và VietinBank) đồng loạt hạ lãi suất huy động ở hầu hết các kỳ hạn tiền gửi.

Tại Agribank, lãi suất tiền gửi tại quầy kỳ hạn 13-24 tháng đồng loạt giảm từ 6,3%/năm xuống 6%/năm; lãi suất kỳ hạn 1 tháng, 2 tháng từ 3,4%/năm xuống 3,3%/năm.

VietinBank cũng có điều chỉnh giảm lãi suất kỳ hạn 1 tháng, 2 tháng tại quầy từ 3,4 xuống 3,3%/năm.

BIDV giảm 0,1 điểm % ở kỳ hạn gửi 1 tháng và 2 tháng tại quầy xuống 3,3%/năm. Với hình thức tiết kiệm online, lãi suất kỳ hạn 1 tháng giảm từ 4% xuống 3,6%/năm, kỳ hạn 6 tháng giảm từ 5,6 xuống 5,3%/năm.

Vietcombank điều chỉnh giảm lãi suất huy động kỳ hạn 1-2 tháng 0,2 điểm %, còn 3,4%/năm; kỳ hạn 3-5 tháng giảm 0,1 điểm %, còn 4,2%/năm; kỳ hạn từ 6-11 tháng được giảm đồng loạt 0,1 điểm % xuống còn 5,1%/năm.

Cũng trong sáng 21/7, SeABank giảm lãi suất huy động với kỳ hạn từ 6 tháng trở lên với mức giảm từ 0,5-0,8 điểm %. Đây là lần thứ hai kể từ đầu tháng 7, ngân hàng này giảm lãi suất huy động.

Trước đó, sáng 20/7, Ngân hàng Á Châu (ACB) điều chỉnh giảm lãi suất huy động các kỳ hạn từ 6-11 tháng với mức giảm 0,1 điểm %, xuống 6,4%/năm.

Sáng 19/7, Sacombank điều chỉnh giảm lãi suất huy động với mức giảm 0,3 điểm % đối với tiền gửi kỳ hạn từ 6-12 tháng, 0,4 điểm % cho các kỳ hạn dài. 

Từ 18/7, Ngân hàng Quốc Dân (NCB) điều chỉnh giảm lãi suất huy động các kỳ hạn từ 6 tháng trở lên. Theo đó, lãi suất kỳ hạn 6-7 tháng còn 7,2%/năm, kỳ hạn 8-9 tháng còn 7,3%/năm. Kỳ hạn 10-11 tháng là 7,35%/năm, kỳ hạn 12-13 tháng là 7,5%/năm.

Tương tự, HDBank điều chỉnh lãi suất huy động kỳ hạn 6 tháng giảm 0,3 điểm % còn 7%/năm; kỳ hạn 12-15 tháng giảm 0,3 điểm % xuống còn 7%/năm. 

Ngày 17/7, Ngân hàng MSB tiếp tục điều chỉnh giảm 0,2 điểm % lãi suất huy động kỳ hạn 6 -11 tháng xuống còn 6,9%/năm; lãi suất các kỳ hạn 12-36 tháng cũng đồng loạt giảm 0,2 điểm % xuống còn 7%/năm. Đây là lần thứ hai kể từ đầu tháng, ngân hàng này giảm lãi suất huy động tiền gửi.

Ngân hàng Nam Á (NamABank)  cũng điều chỉnh giảm 0,2 điểm % lãi suất huy động các kỳ hạn từ 6-36 tháng kể từ ngày 17/7. Đây cũng là lần thứ hai NamABank giảm lãi suất huy động kể từ đầu tháng 7.

Ngày 14/7, MB điều chỉnh giảm 0,1-0,3% lãi suất huy động ở một số kỳ hạn từ 6 tháng trở lên.

Lãi suất cao nhất tại MB hiện nay là 7,1%/năm, áp dụng cho kỳ hạn từ 24 tháng trở lên.

ABBank cũng giảm lãi suất huy động lần thứ 2 kể từ đầu tháng 7. Từ 13/7, ABBank giảm từ 0,1- 0,2 điểm % lãi suất các kỳ hạn trên 5 tháng.

Tương tự, từ 13/7, BaoViet Bank điều chỉnh giảm lãi suất huy động với mức giảm 0,2 điểm % cho tiền gửi kỳ hạn 12 tháng. Lãi suất huy động cao nhất tại Bảo Việt là 7,6%/năm với các kỳ hạn 13-18 tháng.

Trước đó, ngày 12/7, GPBank và ABBank cũng thay đổi biểu lãi suất huy động. Tại GPBank, lãi suất các kỳ hạn từ 6 tháng trở lên giảm 0,3 điểm %. Còn tại ABBank, mức giảm lãi suất lần này là 0,1-0,2 điểm %.

Từ ngày 11/7, Ngân hàng Việt Nam Thương Tín (VietBank) giảm 0,2 điểm % lãi suất huy động các kỳ hạn từ 6-11 tháng. Theo đó, lãi suất huy động online kỳ hạn 6 tháng còn 7,4%/năm. Kỳ hạn 7-8 tháng còn 7,6%/năm, kỳ hạn 9-11 tháng còn 7,5%/năm. 

Ngân hàng TM TNHH MTV Đại Dương (OceanBank) từ 11/7 cũng giảm lãi suất huy động các kỳ hạn từ 6-13 tháng với mức giảm 0,2 điểm %.

Ngày 3/7, Eximbank giảm lãi suất huy động đối hai kỳ hạn tiền gửi 6 tháng và 12 tháng, còn lần lượt 7,3% và 7,4%/năm.

Từ tháng 7 đến nay, có 26 ngân hàng đã giảm lãi suất huy động. Trong đó, SeABank, MSB và NamA Bank đã hai lần giảm lãi suất.

Lãi suất huy động giảm mạnh trong những tháng gần đây, sau khi Ngân hàng Nhà nước có 4 lần giảm lãi suất điều hành chỉ trong vòng hơn 3 tháng, đánh dấu chu kỳ hạ lãi suất nhanh nhất trong những năm gần đây.

Hiện lãi suất kỳ hạn ngắn 1-3 tháng của 4 ngân hàng quốc doanh đã trở về ngang với cùng kỳ (tháng 7/2022). Còn lãi suất trung - dài hạn vẫn còn cao hơn khoảng 1%/năm.

Các ngân hàng nhỏ đang niêm yết lãi suất kỳ hạn 12 tháng phổ biến quanh mức 7,5%/năm. Các ngân hàng tư nhân lớn huy động với lãi suất kỳ hạn 12 tháng quanh 7%/năm.

Trong báo cáo vĩ mô mới công bố, Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) cho biết, mặt bằng lãi suất huy động thực tế đã tạo đỉnh từ đầu năm 2023, duy trì xu hướng giảm cho đến thời điểm hiện tại và đã về sát mức lãi suất trước đại dịch Covid 19.

Theo KBSV, bình quân 6 tháng đầu năm, lãi suất huy động đã giảm tương đối mạnh, khoảng 1,35% trong khi lãi suất cho vay sẽ có độ trễ 3 – 6 tháng bởi giá vốn đầu vào của các ngân hàng vẫn chịu mức chi phí cao hơn do các khoản tiền gửi lãi suất cao chưa đáo hạn; đồng thời rủi ro nợ xấu cũng sẽ tác động tới quyết định hạ lãi suất cho vay của các ngân hàng. Theo ước tính sơ bộ, mặt bằng lãi suất cho vay đã hạ nhiệt 1% so với thời điểm cuối năm 2022.

KBSV dự báo lãi suất huy động sẽ tiếp tục xu hướng giảm từ nay đến cuối năm, với mức lãi suất huy động bình quân 12 tháng của các ngân hàng quanh mức 6,2% (giảm 1,8% so với đầu năm và giảm 0,45% so với thời điểm hiện tại). Lãi suất cho vay bình quân kỳ hạn 12 tháng, dù có độ trễ nhưng cũng sẽ có xu hướng giảm là chủ đạo với mức giảm so với đầu năm 2023 ở mức 1,8% - 2,3%/năm.