Lãi suất điều hành có thể giảm thêm 0,5%
Phát biểu TalkShow Phố Tài mới đây, ông Trần Thăng Long, Giám đốc Phân tích, Công ty Cổ phần chứng khoán BIDV (BSC) cho rằng, sau 10 lần họp và 10 lần quyết định tăng lãi suất, đến tháng 6 vừa qua FED đã có lần tạm dừng tăng lãi suất đầu tiên. Điều này cho thấy dấu hiệu đỉnh của lãi suất đối với chính sách của FED. Trong khi đó, qua theo dõi, chỉ số lạm phát chung toàn cầu, đã có sự suy giảm khá tốt.
"Dự kiến cuối năm nay, mức lạm phát chung của toàn cầu sẽ rơi vào khoảng 5,3% và đến năm 2024, mức lạm phát chung được kỳ vọng giảm về khoảng 4%", ông Long nói.
Trong khi đó, tại Việt Nam, NHNN đã có sự phản ứng đi trước. hạ lãi suất hỗ trợ cho người dân và doanh nghiệp. Việc đẩy mạnh lãi suất để kiểm soát vấn đề tỷ giá vào thời điểm cuối tháng 10/2022 cùng với tình trạng thanh khoản bị hạn chế đã gây ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế của Việt Nam.
Thực tế cho thấy, lạm phát của Việt Nam cũng đã giảm nhanh hơn so với các nước khác, về mức dưới 3% trong hồi tháng 5 vừa rồi và chắc tháng 6, lạm phát vẫn sẽ ổn, cộng với việc năm nay tỷ giá không còn áp lực nào nữa, cùng với các chính sách hỗ trợ kinh tế phục hồi trở lại, NHNN đã cắt lãi suất điều hành bốn lần. Nhưng có một phần lãi suất rất quan trọng, đó là trần lãi suất tiền gửi dưới sáu tháng mới giảm ba lần, như vậy lãi suất huy động đã giảm nhanh hơn lãi suất cho vay.
Ông Quản Thành Thành - Giám đốc Khối Phân tích, Maybank Investment Bank cho rằng, sẽ mất khoảng 3 - 4 tháng nữa để có thể nhìn thấy tác động của việc cắt giảm lãi suất điều hành, nó lan qua lãi suất cho vay. Và để lãi suất cho vay trở lại mức bình thường và gọi là khỏe mạnh cho nền kinh tế, thì lãi suất cho vay phải giảm khoảng 1,5% so với mức hiện tại.
"Dựa trên phân tích như vậy thì chúng tôi rằng lãi suất điều hành của Việt Nam vẫn có thể giảm thêm ít nhất là 0,5% nữa, có thể là trong vòng ba tháng tới”, ông Thành đặt vấn đề.
Ông Trần Thăng Long cho hay, tại thị trường Việt Nam, mức lạm phát mục tiêu trong năm 2023 khoảng 4,5%, việc lạm phát vào thời điểm kết thúc nửa đầu năm ở mức 3,5% đã cho thấy phần nào việc kiểm soát lạm phát tương đối tốt của Việt Nam so với một số quốc gia khác. Và, Việt Nam vẫn còn dư địa cho những đợt giảm lãi suất tiếp theo.
Tiền rẻ có chảy về chứng khoán?
Theo ông Quản Trọng Thành, có hai yếu tố sẽ tác động trực tiếp đến xu hướng của thị trường bao gồm: yếu tố lãi suất, thanh khoản và sự kỳ vọng về tăng trưởng kinh tế, lợi nhuận của doanh nghiệp. Trạng thái đã được chuyển đổi từ thắt chặt trong cuối quý IV/2022, đầu quý I/2023 sang trạng thái nới lỏng hơn với mức lãi suất giảm và thanh khoản bắt đầu quay trở lại, giúp cho thị trường phục hồi tốt trong giai đoạn vừa qua.
“Thị trường chứng khoán Việt Nam đã có mức sinh lời khoảng tầm 10-11%, tốt nhất trong khu vực ASEAN. Và chúng tôi thấy rằng, lãi suất giảm giúp cho thanh khoản duy trì ở mức 700 đến 800 triệu USD/ngày hoàn toàn khả thi và có thể giúp thị trường tăng trưởng thêm một chặng nữa, khoảng 7%. Sau đó, thị trường sẽ chuyển sang tập trung vào câu chuyện đánh giá tốc độ phục hồi của kinh tế và doanh nghiệp nhưng vẫn còn khó đoán định”, ông Thành phân tích.
Ông Trần Thăng Long cho rằng, thị trường chứng khoán Việt Nam đã có tăng trưởng khá tốt từ đầu năm đến nay, với mức tăng trưởng khoảng 10%. Từ giờ cho đến cuối năm và thậm chí là năm sau ta vẫn còn về kỳ vọng nhất định cho việc tăng điểm của thị trường, dựa trên cơ sở các chính sách về mặt tiền tệ, tài khóa đều đang hỗ trợ cho tăng trưởng nhiều hơn. Trong khi đó, các nhà đầu tư đã bắt đầu dần dần tự tin vào thị trường và tìm kiếm những cơ hội đầu tư tốt hơn.
"Trong giai đoạn hiện nay, khi kết quả kinh doanh dần được đưa ra, nhiều ngân hàng vẫn khá tốt về hoạt động kinh doanh, những rủi ro liên quan đến nợ xấu hay liên quan đến trái phiếu doanh nghiệp vẫn nằm trong vùng kiểm soát. Và điều quan trọng nhất là hiện nay nhiều ngân hàng đang có mức định giá hợp lý cho việc đầu tư dài hạn. Nhìn chung đang có cơ hội đối với nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn, đặc biệt là từ nửa sau của năm", ông Long cho hay.
Trong khi đó, ông Quản Trọng Thành nhận định, cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ sẽ tạo ra hiệu ứng tăng giá tốt hơn so với những cổ phiếu vốn hóa lớn. Trong khi đó, dòng tiền của nhà đầu tư tổ chức, đặc biệt là dòng tiền của nhà đầu tư tổ chức nước ngoài vẫn chưa quay trở lại thị trường một cách rõ ràng.
"Chỉ khi nào chúng ta bước vào trạng thái kinh tế phục hồi tốt hơn, đặc biệt là những vấn đề nhà đầu tư nước ngoài đang quan tâm như thị trường trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản... đã có chính sách khắc phục… lúc đó dòng tiền ngoại mới quay lại. Khi đó, chúng ta mới có thể kỳ vọng dòng tiền vào thị trường sẽ mạnh mẽ hơn đối với nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn. Theo quan điểm của chúng tôi, càng giai đoạn về cuối năm, khi triển vọng về phục hồi kinh tế cũng như các ngành, hay những công ty lớn chứng tỏ được nội lực trong việc đi qua cơn bão và họ vẫn duy trì được tăng trưởng tốt thì dòng tiền sẽ quay lại dần đối với nhóm cổ phiếu vốn hoá lớn", ông Thành nói.
TalkShow Phố Tài chính là chương trình truyền hình cung cấp cho các nhà đầu tư những thông tin chính thống, đa chiều và các kiến thức chuyên sâu về thị trường tài chính - chứng khoán. Chương trình được phát sóng vào lúc 18h30 thứ 2 hàng tuần trên VTV8 và phát lại trên các nền tảng mạng xã hội của Talkshow Phố Tài chính. |