'Lãi suất giảm chỉ có trên ti vi, DN vẫn vay ngân hàng với mức 13,9%/năm'

Giám đốc doanh nghiệp cho rằng, lãi suất giảm chỉ có trên tivi, hiện tại, chúng tôi vẫn đang chịu lãi cho khoản vay ngân hàng với mức 13,9%/năm.

Gần đây, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) liên tục hạ lãi suất nhằm hỗ trợ người dân và doanh nghiệp, tuy nhiên trên thực tế lãi suất cho vay vẫn ở mức cao và rất khó tiếp cận.

Ông Trần Hữu Trường, Giám đốc Công ty cổ phần thực phẩm Chiko Food (Hà Nội) cho biết, chưa bàn đến việc lãi suất cho vay còn cao mà chỉ tính riêng việc tiếp cận nguồn vốn ngân hàng thôi, doanh nghiệp đã gặp muôn vàn khó khăn, đặc biệt doanh nghiệp nhỏ và vừa càng khó. “Nếu có thể vay được thì doanh nghiệp cũng không thể có lãi với mức lãi suất ở thời điểm hiện tại”, ông nói.

Tương tự, ông Đỗ Văn Bằng, Giám đốc Công ty TNHH Minh Thành Phát với thương hiệu xe Sao Việt đồng thời là Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội cũng cho biết, trước đây doanh nghiệp có hơn 50 đầu xe chuyên chạy tuyến Hà Nội - Lào Cai - Sapa. Giai đoạn COVID-19 bùng phát, sau đó là giá xăng tăng mạnh liên tiếp, doanh nghiệp phải bán gần 20 đầu xe nhằm thu hẹp hoạt động, tiết kiệm chi phí.

Đến đầu tháng 5/2022, doanh nghiệp kỳ vọng tiếp cận được nguồn vốn hỗ trợ lãi suất 2% theo Nghị định 31/2022/NĐ-CP, coi đây như chiếc phao để bám vào trong giai đoạn khó khăn bủa vây tứ bề. Tuy nhiên, dù đã cố gắng nhưng doanh nghiệp vẫn không thể tiếp cận được nguồn vốn này do những yêu cầu rất khắt khe về thủ tục. Cuối cùng, không biết xoay sở thế nào và sẽ được vay bao nhiêu, hãng xe Sao Việt đành bỏ cuộc.

null
Hãng xe Sao Việt bỏ cuộc khi vay vốn ngân hàng lãi suất thấp. (Ảnh minh họa: Sao Việt)
Nếu có thể vay được thì doanh nghiệp cũng không thể có lãi với mức lãi suất ngân hàng ở thời điểm hiện tại

Ông Trần Hữu Trường, Giám đốc Công ty cổ phần thực phẩm Chiko Food

Cập nhật tình hình kinh doanh mới nhất với VTC News, ông Đỗ Văn Bằng cho biết doanh nghiệp này vẫn đang rất khó khăn và không còn hy vọng gì vào các gói hỗ trợ.

“Khi mình đã cố gắng rồi không được thì bây giờ cũng không hy vọng gì nữa, doanh nghiệp phải tự lực cánh sinh chứ cũng không trông đợi gì được vào các gói ưu đãi", ông Bằng thở dài.

Ông Bằng kể thêm, ngay cả khi đã vay được tiền ngân hàng với lãi suất không ưu đãi, ông cũng cảm thấy "không khác nào bị lừa". Lúc đi vay thì được hưởng lãi suất 8%/năm nhưng mức lãi suất này chỉ duy trì trong vòng 1 năm, sau đó là tăng theo biên độ thị trường. “Mà doanh nghiệp vận tải vay vốn đầu tư ít nhất cũng là dự án trung và dài hạn, nghĩa là từ 24 tháng đến 72 tháng. Sau 12 tháng biên độ lãi suất “thả nổi" thì chết doanh nghiệp.

Thông tin đại chúng gần đây nói lãi suất đã giảm nhưng theo tôi chỉ có trên tivi thôi. Hiện tại, doanh nghiệp chúng tôi vẫn đang chịu lãi cho khoản vay ngân hàng với mức lãi suất 13,9%/năm. Có lúc thậm chí lên đến 14,9%, 15,9%/năm. Nếu trả chậm một ngày thôi là bị dính nợ xấu ngay. Lãi suất cao như vậy thì làm ăn không thể có lãi", ông Bằng nói.

doanh-nghiep-than-lai-suat-cho-vay-cua-ngan-hang-van-o-muc-cao-1684975646.jpg
Doanh nghiệp than lãi suất cho vay của ngân hàng vẫn ở mức cao. (Ảnh minh họa: VTV)

Nhiều ngân hàng không dám cho vay

Chuyên gia tài chính, TS. Nguyễn Trí Hiếu nhận định, thực tế nhiều doanh nghiệp vẫn đang phải chịu mức lãi suất rất cao. Có những doanh nghiệp càng vay, càng làm càng lỗ, đặc biệt là các doanh nghiệp bất động sản.

Lãi suất cho vay bất động sản ban đầu rất thấp. Sau đó lãi suất được tính theo công thức lãi suất huy động bình của các ngân hàng lớn chia lãi suất cơ sở, cộng thêm một biên độ lãi suất 3 - 5%. Ngoài bất động sản, các doanh nghiệp sản xuất cũng đang phải chịu mức lãi suất cao, rất khó để mở rộng quy mô sản xuất, thậm chí là duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh.

Ngân hàng Nhà nước mới đây tiếp tục hạ lãi suất điều hành thêm một lần nữa. Theo ông Hiếu, động thái này là rất tốt nhằm hỗ trợ nền kinh tế nhưng khó giúp các doanh nghiệp có thể vay vốn được. Vì các doanh nghiệp có thể vay vốn được hay không không chỉ là vấn đề lãi suất mà còn ở vấn đề về rủi ro. Rất nhiều doanh nghiệp ngừng hoạt động, phá sản khiến rủi ro tăng rất cao, khiến các ngân hàng không dám cho vay.

"Ngân hàng rất muốn cho vay nhưng vì trải qua khủng hoảng kéo dài, các doanh nghiệp hầu như đã không còn đủ điều kiện vay vốn. Nếu cố cho vay thì ngân hàng sẽ phải chịu rủi ro rất lớn", ông Hiếu nói.

Bên cạnh đó, các gói tín dụng 40.000 tỷ hoặc 120.000 tỷ đồng có những quy định, điều kiện cho vay rất ngặt nghèo khiến nhiều doanh nghiệp không thể đáp ứng.

“Lý do doanh nghiệp sợ bị thanh tra, kiểm tra mà ngại tiếp cận nguồn vốn hỗ trợ lãi suất cũng là một trong những lý do đã và đang diễn ra. Bởi nhiều doanh nghiệp hoạt động còn chưa rõ ràng về các khoản thuế. Nếu vay được vốn ở nguồn tín dụng hỗ trợ lãi suất, khi bị thanh tra, kiểm tra biết bao nhiêu những thứ chưa rõ ràng bị phơi bày ra hết nên họ không muốn vay nguồn vốn này", TS. Nguyễn Trí Hiếu phân tích thêm.

Có những doanh nghiệp càng vay, càng làm càng lỗ, đặc biệt là các doanh nghiệp bất động sản.

TS Nguyễn Trí Hiếu

Còn theo đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân, doanh nghiệp ở Việt Nam hiện tại đã quá khó khăn khi vừa “ngấm đòn" bởi những tác động từ COVID-19. Khi đại dịch qua đi tưởng chừng có thể vực dậy thì căng thẳng địa chính trị Nga - Ukraine dẫn đến cầu giảm; năng lượng, lương thực bị ảnh hưởng; lạm phát, khủng hoảng kinh tế. Do vậy, nếu gặp khó khăn về nguồn tín dụng, lãi suất thì doanh nghiệp sẽ quá sức chịu đựng.

Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú thì chỉ rõ việc ngân hàng vẫn còn quá khắt khe trong hỗ trợ vay vốn cho các doanh nghiệp. Hơn nữa, lãi suất ngân hàng hiện tại vẫn quá cao.

“Tôi có lần đi dự một hội nghị ở Hải Dương và biết được rằng, có trường hợp nông dân đầu tư 2 - 3 tỷ đồng nhà màng kính để trồng rau nhưng ngân hàng không coi đó là tài sản thế chấp nên doanh nghiệp không thể vay được vốn. Tôi cho rằng ngân hàng cũng cần linh hoạt hơn trong hỗ trợ ngân hàng", vị chuyên gia kiến nghị.

Mới đây, NHNN cho biết gói hỗ trợ lãi suất 40.000 tỷ đồng sau hơn một năm giải ngân chưa đạt được như kỳ vọng. Theo số liệu của NHNN, đến hết tháng 2, số tiền hỗ trợ lãi suất theo Nghị định 31/2022 chỉ đạt 256 tỷ đồng cho 1.784 khách hàng, bằng 0,64% tổng quy mô.

Nguyên nhân chính khiến khách hàng từ chối nhận hỗ trợ lãi suất là tâm lý e ngại bị thanh tra, kiểm tra sau này của các cơ quan chức năng. Thực tế, một số khách hàng đã được nhận hỗ trợ lãi suất, song họ lại hoàn trả ngân hàng thương mại toàn bộ số tiền lãi đã được hỗ trợ.

Bên cạnh đó, tiêu chí đánh giá để hỗ trợ lãi suất là khách hàng phải có khả năng phục hồi. Trong bối cảnh kinh tế thế giới nhiều bất ổn, ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trong nước, việc đánh giá khả năng phục hồi của khách hàng là rất khó khăn.