Lạc quan với triển vọng của Việt Nam trong năm 2022

Mặc dù phải đối mặt với hàng loạt khó khăn do ảnh hưởng dịch Covid-19, tuy nhiên trong các năm 2020, 2021 Việt Nam đã có những chiến lược linh hoạt, kịp thời, phù hợp bảo đảm an toàn sức khỏe người dân, duy trì ổn định nền kinh tế, đạt được những thành tựu quan trọng, được bạn bè quốc tế ghi nhận. Những kinh nghiệm, kết quả mà Việt Nam đạt được trong hai năm qua đã tạo nền tảng vững chắc cho sự hồi phục, phát triển kinh tế của đất nước trong năm 2022.
lac-quan-trien-vong-1642143735.jpg
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Nhìn lại kinh tế Việt Nam trong hai năm 2020, 2021 chúng ta thấy rằng Việt Nam có đà tăng trưởng phục hồi vào năm 2022-đây là đánh giá của ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC) phát biểu tại Hội thảo "Bức tranh Kinh tế Việt Nam và Đồng bằng sông Cửu Long: Dự báo Kinh tế quý IV và triển vọng năm 2022" tổ chức ngày 1/10/2021. Cũng cần phải thấy rằng, nhờ có nền tảng vững chắc từ giai đoạn 2010-2020 đã giúp cho nền kinh tế Việt Nam chống chịu đáng kể trong giai đoạn chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID-19. Việt Nam là một trong số ít các quốc gia đạt tăng trưởng dương vào năm 2020 với tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng 2,91% so với năm 2019, trong khi đó nền kinh tế phát triển trên thế giới tăng trưởng âm.

Mặc dù sự tăng trưởng trên là thấp nhất của các năm trong giai đoạn 2011-2020, nhưng trong bối cảnh đại dịch thì sự tăng trưởng của Việt Nam lại thuộc nhóm cao nhất thế giới. Kết quả này cho thấy tính đúng đắn trong công tác chỉ đạo, điều hành của Đảng, Chính phủ, sự quyết tâm, đồng lòng của toàn bộ hệ thống chính trị, và sự chung tay của cộng đồng doanh nghiệp, người dân để thực hiện có hiệu quả "mục tiêu kép" "vừa phòng, chống dịch bệnh, vừa phát triển kinh tế-xã hội".

Trong năm 2020, sự tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu có được từ các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) thế hệ mới như Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) có hiệu lực từ ngày 1/8/2020 và 15 FTA khác được thực thi... đã tạo động lực cho nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng.

Như trong quý IV/2020, GDP tăng 4,48% so với cùng kỳ năm trước. Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa năm 2020 đạt 281,5 tỷ USD, tăng 6,5% so với năm 2019; kim ngạch nhập khẩu hàng hóa đạt 262,4 tỷ USD, tăng 3,6%. Việt Nam đạt giá trị xuất siêu lớn nhất từ trước đến nay (19,1 tỷ USD). Các FTA này sẽ giúp cho nền kinh tế Việt Nam phát triển bền vững trong những năm tiếp theo.

Đến năm 2021, dấu hiệu nền kinh tế có xu hướng phục hồi chậm là do sự xuất hiện các chủng vi-rút SARS-CoV-2 khiến tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, khó lường.

Tổng GDP năm 2021 chỉ tăng 2,58%. Đây là mức tăng thấp nhất trong 10 năm qua theo Báo cáo tình hình kinh tế xã hội năm 2021 của Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) công bố ngày 29/12/2021. Tuy nhiên, nếu quan sát kỹ bức tranh toàn cảnh của nền kinh tế Việt Nam trong cả năm 2021 cho thấy Chính phủ đã có những thay đổi quan trọng về cách thức hoạt động và đạt những hiệu quả trong chỉ đạo điều hành.

Làn sóng dịch bệnh lần thứ tư (từ ngày 27/4) đã tác động bất lợi, ảnh hưởng nặng nề đến nền kinh tế. Ngay sau các đợt phong tỏa, giãn cách xã hội kéo dài trên diện rộng, Chính phủ đã kịp thời chuyển hướng chiến lược phòng, chống dịch từ Zero COVID-19 sang thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch COVID-19 khi kiên trì thực hiện "mục tiêu kép", vừa phòng, chống dịch COVID-19, vừa phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội.

Điều này là thách thức lớn với Chính phủ nhiệm kỳ 2021-2026, nhưng với cách tiếp cận linh hoạt biện pháp, đặc biệt là đặt tính mạng và sức khỏe của nhân dân lên trên hết, trước hết đã tạo ra sự thành công lớn của Việt Nam trong phòng, chống dịch bệnh, duy trì các hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Một văn bản có tính đột phá, góp phần tạo hành lang pháp lý quan trọng để phát triển kinh tế trong điều kiện bình thường mới là Nghị quyết số 128/NQ-CP của Chính phủ, ngày 11/10/2021 ban hành quy định tạm thời "thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19", qua đó thực hiện mục tiêu kép, đưa đất nước chuyển sang trạng thái bình thường mới trong thời gian sớm nhất có thể.

Việc kịp thời ban hành Nghị quyết 128/NQ-CP đã đảo chiều GDP, từ giảm 6,02% vào quý III/2021 sau đó tăng 5,22% vào quý IV/2021. Thu ngân sách nhà nước tăng 3,7% so với thực hiện năm 2020, ước đạt 1.563,3 nghìn tỷ đồng. Thu ngân sách hiệu quả đã bảo đảm nguồn chi (ước tính 74 nghìn tỷ đồng) cho phòng, chống dịch COVID-19, kiểm soát dịch bệnh và bảo đảm an sinh xã hội, ổn định đời sống nhân dân.

Nhờ chính sách đúng đắn, kịp thời của Chính phủ, các FTA thế hệ mới đã được thực thi hiệu quả, làm tăng tổng kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2021 đạt mức kỷ lục 668,5 tỷ USD, tăng 22,6%, trong đó kim ngạch xuất khẩu đạt trên 336,25 tỷ USD, tăng 19%. Nông nghiệp vẫn khẳng định vai trò là bệ đỡ cho nền kinh tế Việt Nam năm 2021 với kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản trên 48,6 tỷ USD. Cùng với các chỉ số tăng trưởng khác đã đưa Việt Nam trở thành một trong 20 quốc gia có quy mô thương mại lớn nhất thế giới.

Đầu tư nước ngoài (FDI) là sự thay đổi tích cực của nền kinh tế ngay sau Nghị quyết 128/NQ-CP. Thu hút FDI năm 2021 tăng 9,2% đã mang lại cho các doanh nghiệp và người dân niềm tin, sự kỳ vọng về khả năng phục hồi kinh tế trong năm 2022. Đặc biệt, trong chuyến công du của Thủ tướng Chính phủ tại châu Âu vào tháng 11/2021 đã ký kết thành công 60 biên bản ghi nhớ có tổng vốn đầu tư hơn 30 tỷ USD. Theo Báo cáo Đầu tư thế giới năm 2021 của Hội nghị Liên hợp quốc về Thương mại và Phát triển, Việt Nam lần đầu tiên nằm trong nhóm 20 nước thu hút FDI lớn trên thế giới.

Từ những điểm sáng về thương mại quốc tế, đầu tư và trong sản xuất năm 2021, chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách-Tiền tệ quốc gia đưa ra kịch bản: Việt Nam nếu đồng thời thực hiện tốt vừa phòng, chống dịch COVID-19, vừa phục hồi, phát triển kinh tế sẽ hứa hẹn đạt mức tăng GDP 6,5-7% trong năm 2022. Đây cũng là nhận định được ông Jacques Morisset, Chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam khi cho rằng mức tăng trưởng 6-6,5% là hoàn toàn khả thi nếu Việt Nam đáp ứng yêu cầu kiểm soát tốt dịch bệnh và cải thiện cán cân cung-cầu.

Tháng 10/2021, Chính phủ đưa ra nhận định trong Nghị quyết số 128/NQ-CP rằng dịch COVID-19 chưa thể kiểm soát được hoàn toàn trước năm 2023. Vì vậy, Việt Nam xác định tận dụng mọi nguồn lực, cơ hội để thúc đẩy quá trình phục hồi, phát triển nền kinh tế và duy trì tăng trưởng trong năm 2022.

Trong bản dự thảo Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2022 được Phó Thủ tướng Lê Minh Khái trình bày trong Hội nghị trực tuyến của Chính phủ với các địa phương vào ngày 5/1/2022 vừa qua đã đưa ra các chỉ tiêu kinh tế trong năm 2022 như tốc độ tăng GDP từ 6-6,5%; GDP bình quân đầu người 3.900 USD/người; tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 4%; bội chi ngân sách ước khoảng 4% GDP; tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân khoảng 5,5%; phấn đấu giải ngân 100% kế hoạch vốn đầu tư… Nhưng Việt Nam sẽ "không hy sinh an sinh xã hội để đổi lấy tăng trưởng đơn thuần" theo như lời Thủ tướng khẳng định trong phiên họp.

Chính phủ vẫn đang nỗ lực điều hành để kiên trì giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát trong ngưỡng dưới 4% (sẽ giảm dần khi dịch bệnh chấm dứt). Cùng với đó, Chính phủ đang bám sát tình hình nhằm đẩy mạnh việc cơ cấu lại nền kinh tế mang lại hiệu quả, đặc biệt là tháo gỡ những vướng mắc về thể chế, thủ tục hành chính để thu hút và phân bổ nguồn lực đầu tư. Bởi theo Ngân hàng Thế giới (WB) trong Báo cáo cạnh tranh toàn cầu năm 2019-2020 thì một trong ba rào cản khiến nhà đầu tư quan ngại khi tiếp cận thị trường các nước đang phát triển trong đó có Việt Nam là thủ tục đầu tư (bên cạnh yếu tố quy định về hàm lượng nội địa, lao động là người nước ngoài).

Tinh thần chỉ đạo xuyên suốt của Thủ tướng về đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo điều kiện cho người dân và doanh nghiệp tiếp cận chính sách, giải quyết các công việc; các chính sách, nghị quyết được Chính phủ đưa ra, đệ trình, thúc đẩy phát triển thương mại điện tử, đẩy mạnh chuyển đổi số, xây dựng nền kinh tế số, xã hội số,... là thời cơ để Việt Nam nỗ lực thực hiện mục tiêu đã đề ra.

Bà Dorsati Mandani - Chuyên gia kinh tế cao cấp, Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam đánh giá: "Nền kinh tế Việt Nam vẫn nằm trong số các quốc gia tăng trưởng tốt trong khi phần lớn các quốc gia khác suy giảm kinh tế nghiêm trọng. Đó là dấu hiệu của khả năng phục hồi... Chính phủ đang làm việc tích cực để ngăn chặn dịch bệnh trong khi vẫn nỗ lực bảo đảm các hoạt động kinh tế".

Mặc dù năm 2020, 2021 nền kinh tế Việt Nam phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức trước ảnh hưởng nặng nề của dịch COVID-19, nhưng với sự chỉ đạo sáng suốt của Đảng, Nhà nước, sự vào cuộc kịp thời, thường xuyên lắng nghe ý kiến đóng góp của các chuyên gia, cộng đồng doanh nghiệp, người dân của Chính phủ đã giúp nền kinh tế khôi phục và đạt được những thành tựu, kỷ lục mới trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu mang bức tranh mầu xám. Những thành tựu kinh tế Việt Nam đã đạt được trong hai năm qua là tiền đề quan trọng, tạo cơ sở để xây dựng niềm tin cho doanh nghiệp, người dân về triển vọng tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam vào năm 2022.

Theo nhandan.vn