Kinh tế Việt Nam có thể bứt phá vượt trội trong những tháng cuối năm 2023

Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê Lê Trung Hiếu. (Nguồn: TCTK)

Tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý I/2023 ước tính tăng 3,32% so với cùng kỳ năm trước. Ông đánh giá thế nào về kết quả này?

Kinh tế nước ta quý I/2023 diễn ra trong bối cảnh thế giới tiếp tục có nhiều biến động phức tạp và bất ổn như lạm phát toàn cầu dù đã hạ nhiệt nhưng vẫn ở mức cao, sự phục hồi chậm và suy giảm nhu cầu tiêu dùng của các đối tác thương mại lớn. Đặc biệt là sự bất ổn của một số ngân hàng ở Mỹ, châu Âu ảnh hưởng đến niềm tin của người dân trên thế giới đối với hệ thống ngân hàng. Trong khi đó, các Ngân hàng Trung ương tiếp tục tăng lãi suất và sử dụng chính sách thắt chặt tiền tệ hơn nữa…

Tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý I/2023 tăng 3,32% so với cùng kỳ năm trước, chỉ cao hơn tốc độ tăng 3,21% của quý I/2020 trong cả giai đoạn 2011-2023.

Ở góc độ sản xuất, nhiều ngành kinh tế vốn được coi là dẫn dắt tăng trưởng cả nước không đạt được kết quả như mong muốn. Khu vực công nghiệp tăng trưởng giảm 0,82% làm giảm 0,28 điểm phần trăm trong tăng trưởng chung.

Đây là lần đầu tiên kể từ năm 2011 các ngành công nghiệp có mức tăng trưởng âm trong quý I/2023. Các ngành công nghiệp giảm mạnh nhất chủ yếu tập trung ở các ngành gia công, lắp ráp như: dệt, sản xuất trang phục, sản xuất da, sản xuất các sản phẩm điện tử… và là những ngành sản xuất chủ yếu phục vụ xuất khẩu do chi phí sản xuất đầu vào tăng cao, số lượng đơn đặt hàng giảm mạnh.

Tuy nhiên, vẫn có một số ngành công nghiệp giữ được mức tăng trưởng khá tốt như: sản xuất đồ uống tăng gần 25%, sản xuất than cốc, sản phẩm dầu mỏ tinh chế tăng hơn 19% và sản xuất các sản phẩm từ cao su và nhựa tăng 12%.

Ngược lại với xu thế của ngành công nghiệp, ngành xây dựng và khu vực dịch vụ vẫn duy trì tăng trưởng dương; trong đó xây dựng tăng 1,95%, đóng góp 0,12 điểm phần trăm, dịch vụ tăng 6,79%, đóng góp 3,26 điểm phần trăm trong tăng trưởng chung.

Nhiều ngành dịch vụ vốn bị ảnh hưởng nặng của dịch Covid-19 đang trên đà khôi phục khá tốt như hoạt động du lịch, hoạt động vui chơi giải trí đã kích thích các ngành kinh tế khác phát triển như hoạt động vận tải, đặc biệt vận tải hàng không tăng cao; dịch vụ lưu trú, ăn uống…

Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản vẫn ổn định với mức tăng 2,52%, đóng góp 0,3 điểm phần trăm vào tăng trưởng chung của nền kinh tế; tiếp tục khẳng định vai trò trụ đỡ vững chắc của nền kinh tế nước ta, bảo đảm an ninh lương thực và đóng góp ổn định trong tăng trưởng kinh tế.

Ở góc độ sử dụng, tiêu dùng cuối cùng của hộ gia đình có mức tăng 3,01%, tuy thấp hơn mức tăng cùng kỳ 2 năm trước đó nhưng cũng cho thấy nhu cầu tiêu dùng của người dân trở lại trạng thái bình thường theo quy luật tiêu dùng trước, trong và sau Tết Nguyên đán.

Đầu tư công tăng. Trong quý I/2023, vốn đầu tư ngân sách nhà nước đạt 13,4% kế hoạch năm và tăng 11,5% so cùng kỳ đã thể hiện sự chuyển biến tích cực trong việc đẩy mạnh thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công ngay từ các tháng đầu năm 2023, đóng góp vào tăng trưởng của ngành xây dựng và tích lũy tài sản.

Kim ngạch xuất, nhập khẩu cùng giảm nhưng cán cân thương mại xuất siêu 4,07 tỷ USD cũng đã đóng góp vào mức tăng trưởng chung của GDP quý I/2023.

Nhìn chung, trong bối cảnh khó khăn thách thức nhiều hơn thuận lợi như lạm phát vẫn cao, chính sách thắt chặt tiền tệ ở nhiều nước, nhu cầu toàn cầu giảm sút, diễn biến và tác động của xung đột Nga-Ukraine…; kết quả tăng trưởng GDP quý I/2023 đã phản ánh đúng thực trạng hoạt động kinh tế. Tuy mức tăng trưởng này thấp hơn chỉ tiêu được Quốc hội giao nhưng cũng không nằm ngoài dự liệu.

Thời gian tới, nền kinh tế có những thuận lợi như thế nào để tăng trưởng và phát triển, thưa ông?

Tình hình kinh tế Việt Nam tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, song vẫn có triển vọng tích cực và được các tổ chức quốc tế, uy tín đánh giá cao. Một số điểm sáng đối với kinh tế thế giới trong năm 2023 có thể giúp giảm bớt áp lực đối với điều hành vĩ mô của nền kinh tế, bao gồm áp lực lạm phát toàn cầu, tỷ giá, tăng mặt bằng lãi suất đã chậm lại và Trung Quốc nới lỏng chính sách “Zero-Covid”.

Sự phục hồi của nền kinh tế trong năm 2023 sẽ tiếp tục được hưởng lợi từ việc thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội.

Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự chỉ đạo, điều hành kịp thời, quyết liệt, sát sao của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và nỗ lực của các cấp, các ngành, các địa phương, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân cả nước, kỳ vọng, kinh tế Việt Nam sẽ có những bứt phá vượt trội trong các tháng cuối năm.

Thuận lợi cho phát triển kinh tế trong thời gian tới có thể kể đến như:

Thứ nhất, giải ngân đầu tư công sẽ có khả năng bứt phá trong năm 2023 do đây là năm cuối thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội theo Nghị quyết 11/CP.

Đầu tư công được đẩy mạnh sẽ có tác dụng gia tăng nền tảng kết cấu, cơ sở hạ tầng, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của khu vực doanh nghiệp và các cơ sở sản xuất kinh doanh; khơi thông nguồn lực đầu tư công có tác dụng thúc đẩy nhiều ngành, lĩnh vực. Là nguồn “vốn mồi” thúc đẩy đầu tư tư nhân, thúc đẩy sản xuất, kích cầu của nền kinh tế phát triển.

Thứ hai, hoạt động du lịch trong thời kỳ dịch bệnh Covid-19 bị đình trệ nhưng thời gian tới sẽ có nhiều khởi sắc. Chúng ta đã có những chương trình khởi động mùa du lịch và quảng bá mạnh mẽ du lịch tới các bạn bè quốc tế. Đặc biệt, do đặc thù du lịch là ngành dịch vụ thị trường có tính chất lan tỏa nên nhiều ngành dịch vụ khác sẽ sôi động hơn trong thời gian tới như vận tải, hoạt động ăn uống, khách sạn, nhà hàng, nghệ thuật vui chơi giải trí,…

Thứ ba, ngành nông nghiệp sẽ tiếp tục thể hiện vai trò là “trụ đỡ” vững chắc của nền kinh tế nước ta; không chỉ bảo đảm nguồn cung lương thực, thực phẩm trong nước mà có cơ hội mang lại nguồn thu ngoại tệ từ hoạt động xuất khẩu nông sản; bảo đảm an ninh lương thực và góp phần duy trì ổn định tăng trưởng năm 2023.

Thứ tư, Trung Quốc xóa bỏ chính sách “Zero-Covid”, mở cửa biên giới và bỏ giới hạn đi lại quốc tế là cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu, kết nối nguồn cung nhập khẩu nguyên vật liệu bị gián đoạn do dịch bệnh, kỳ vọng sẽ tạo sức bật cho hoạt động xuất khẩu, đặc biệt là các mặt hàng nông sản và thủy sản của nước ta. Đồng thời, đây cũng là cơ hội để ngành du lịch, dịch vụ của Việt Nam phát triển nhờ thu hút khách du lịch quốc tế, đặc biệt là du khác đến từ Trung Quốc.

Thứ năm, lãi suất của các ngân hàng đang dần hạ nhiệt giúp ổn định thị trường tiền tệ sẽ tạo cơ hội cho tiêu dùng nội địa tăng, kích thích sản xuất, kinh doanh, tạo động lực cho tăng trưởng và phát triển kinh tế.

Thứ sáu, tình hình lao động, việc làm phục hồi tích cực; tỷ lệ thất nghiệp, thiếu việc làm giảm, thu nhập của lao động có xu hướng tăng. Các hỗ trợ để tăng cường kết nối cung-cầu lao động, hỗ trợ người lao động tìm kiếm việc làm, hỗ trợ người dân, người lao động bị mất việc, giảm giờ làm đang được tích cực đẩy mạnh.

Thứ bảy, cầu tiêu dùng của người dân kỳ vọng sẽ ổn định và tiếp tục gia tăng cùng với nhu cầu du lịch sẽ là yếu tố, động lực tích cực của nền kinh tế trong thời gian tới.

Vậy khó khăn với nền kinh tế thì sao?

Song song với những thuận lợi, nền kinh tế Việt Nam tiếp tục đối mặt với một số khó khăn. Cụ thể như:

Kinh tế thế giới 2023 được dự báo tiếp tục có nhiều biến động phức tạp, lạm phát toàn cầu mặc dù đã hạ nhiệt nhưng vẫn ở mức cao, giá năng lượng thế giới tăng cao, xung đột Nga-Ukraine nhiều diễn biến bất ngờ, ngoài dự đoán, nguy cơ suy thoái kinh tế ở các nền kinh tế lớn như Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) vẫn hiện hữu và ngày càng rõ nét khi lạm phát kéo dài trong nhiều tháng liên tiếp cùng với lãi suất tăng nóng.

Gần đây, sự sụp đổ của ngân hàng Mỹ và sáp nhập của ngân hàng Credit Suisse của Thụy Sỹ đã phần nào ảnh hưởng tới tâm lý người tiêu dùng ở các nước trên thế giới. Với một quốc gia có độ mở lớn như Việt Nam thì những thay đổi về kinh tế, địa chính trị và sinh thái đều tác động đến triển vọng phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam trong thời gian tới.

Bên cạnh đó, lạm phát, giá cả tăng cao gây áp lực lớn lên hoạt động sản xuất kinh doanh trong nước. Việt Nam là nước nhập khẩu lớn về nguyên liệu phục vụ sản xuất, khi giá nguyên, vật liệu đầu vào thế giới đang ở mức cao nên sẽ ảnh hưởng đến chi phí, giá thành, tạo áp lực cho sản xuất của doanh nghiệp trong nước và từ đó đẩy giá hàng hóa tiêu dùng trong nước tăng lên gây sức ép lên mặt bằng giá chung.

Thêm vào đó, số lượng đơn hàng sụt giảm. Đây là một trong những nguyên nhân khiến tăng trưởng ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giảm âm. Trong thời gian tới, tình trạng này chưa có dấu hiệu khả quan nên vẫn là cảnh báo khó khăn cho các doanh nghiệp sản xuất.

Ngoài ra, dịch Covid-19 đang có dấu hiệu quay trở lại cũng là một trong những khó khăn đối với nền kinh tế Việt Nam thời gian tới. Trong nước đã xuất hiện nhiều ca mắc covid-19 và tình hình lây nhiễm diễn biến phức tạp.

Mặc dù Việt Nam đã luôn chủ động trong việc phòng chống dịch và đầy kinh nghiệm ứng phó nhưng cũng không thể chủ quan trước tính hình dịch bệnh, cần phản ứng kịp thời và linh hoạt tránh làm hỏng những thành quả mà toàn Đảng, toàn dân đã nỗ lực đạt được thời gian qua.

Kinh tế Việt Nam có thể bứt phá vượt trội trong những tháng cuối năm 2023
Cầu tiêu dùng năm 2023 sẽ tiếp tục hồi phục sau đại dịch và được hỗ trợ từ nhu cầu du lịch trong nước.

Với những thuận lợi, khó khăn như đã phân tích và trước bối cảnh nền kinh tế thế giới nhiều bất ổn, mục tiêu tăng trưởng 6,5% cho năm nay liệu có đạt được?

Theo kịch bản tăng trưởng đã đề ra trong Nghị quyết số 01/NQ/CP ngày 6/1/2023 của Chính phủ, để đạt mục tiêu cả năm tăng trưởng 6,5% trong năm 2023 thì quý I và II cần phải đạt được mức tăng lần lượt là: 5,6% và 6,7%.

Tuy vậy, kết quả biên soạn GDP cho thấy, kinh tế cả nước quý I/2023 chỉ ước đạt 3,32%, thấp hơn nhiều so với kế hoạch (thấp hơn 2,3 điểm phần trăm). Để tăng trưởng kinh tế cả năm đạt 6,5%, trong 9 tháng còn lại của năm 2023, kinh tế cả nước cần phải tăng khoảng 7,5%. Đây là mức tăng khá cao, trong bối cảnh các khó khăn, thách thức của quý I vẫn chưa thực sự chấm dứt; đơn hàng nước ngoài chưa có nhiều chuyển biến rõ nét do thế giới vẫn tồn tại nhiều yếu tố, rủi ro tiềm ẩn nên cầu tiêu dùng thế giới vẫn yếu và khó dự báo.

Tuy nhiên, năm 2023 là năm bản lề để thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế đất nước giai đoạn 2021-2025, tất cả các nguồn lực sẽ được huy động và quyết tâm thực hiện trọn vẹn, hiệu quả nhất các giải pháp phát triển kinh tế.

Theo quan sát của Tổng cục Thống kê, xu hướng tăng trưởng kinh tế Việt Nam thường tăng thấp trong quý I, gia tăng dần ở quý II sau đó bứt phá ở nửa cuối năm.

Năm 2023, kinh tế Việt Nam vẫn có thể đi theo xu hướng này khi hoạt động sản xuất công nghiệp đang xu hướng tăng dần thể hiện qua chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 2 tăng hơn 5% so với tháng 1. Tháng 3 ước tính tăng 9,4% so với tháng 2 và tính chung 3 tháng đầu năm giảm 2,2% so với cùng năm trước và làm cho giá trị tăng thêm của ngành công nghiệp giảm 0,82%.

Do vậy, trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới hiện nay, kinh tế quý II của Việt Nam còn nhiều khó khăn, chưa thể có tăng trưởng bứt phá nhưng sẽ có cải thiện so với quý I.

Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự chỉ đạo, điều hành kịp thời, quyết liệt, sát sao của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và nỗ lực của các cấp, các ngành, các địa phương, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân cả nước, chúng tôi kỳ vọng, kinh tế Việt Nam sẽ có những bứt phá vượt trội trong các tháng cuối năm.

Theo quan điểm của ông, yếu tố nào sẽ dẫn dắt nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng năm 2023?

Một số yếu tố dẫn dắt cho kinh tế Việt Nam năm 2023 có thể kể đến như:

Theo góc độ sản xuất: Ngành nông nghiệp đang thực hiện quá trình tái cơ cấu chuyển từ “sản xuất nông nghiệp” sang “kinh tế nông nghiệp” và đã đạt được những kết quả tích cực, sẽ tiếp tục thể hiện vai trò là “trụ đỡ” vững chắc của nền kinh tế Việt Nam. Không chỉ bảo đảm nguồn cung lương thực, thực phẩm trong nước, ngành này mà còn khẳng định vị trí là nước xuất khẩu nông sản hàng đầu, đóng vai trò quan trọng trong bảo đảm an ninh lương thực và đóng góp ổn định trong tăng trưởng kinh tế của đất nước.

Ðối với ngành công nghiệp, mặc dù, có dấu hiệu sụt giảm trong quý I/2023, nhưng một số ngành công nghiệp chế biến vẫn duy trì được mức tăng trưởng chỉ số sản xuất khá tốt, tiếp tục là động lực chính cho tăng trưởng

Khu vực dịch vụ trong năm 2023 được dự báo sẽ tiếp tục có sự tăng trưởng khá, nhất là hoạt động thương mại điện tử có xu hướng phát triển mạnh trong những năm gần đây. Khách du lịch trong nước và quốc tế tiếp tục dự báo tăng cao, khi đó những ngành chưa hoàn toàn phục hồi, hoặc phục hồi chậm so với trước đại dịch sẽ tăng trưởng cao như: Dịch vụ lưu trú, ăn uống; vận tải, hoạt động hành chính và dịch vụ hỗ trợ; nghệ thuật vui chơi, giải trí…

Ngành xây dựng cũng sẽ có nhiều tín hiệu khả quan khi trong năm 2023 sẽ khởi công đồng loạt 12 dự án thành phần thuộc dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025. Ngoài ra, các công trình xây dựng lớn phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh đã hoàn thành trong năm 2022 giúp tăng thêm năng lực sản xuất cho nền kinh tế cũng sẽ là một trong các động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong năm 2023 và các năm tiếp theo.

Theo góc độ sử dụng: Năm 2023 là điểm rơi của đầu tư công trung hạn và giải ngân thực hiện gói đầu tư cơ sở hạ tầng thuộc chương trình phục hồi phát triển kinh tế - xã hội. Khi thực hiện đây sẽ là nguồn vốn mồi thúc đẩy đầu tư tư nhân, kích cầu nền kinh tế.

Ngoài ra, chính sách dịch chuyển dòng vốn đâu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của các doanh nghiệp Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc) và điểm đến có thể là Việt Nam. Theo đó, các công ty tại Việt Nam tiếp tục đa dạng hóa chuỗi cung ứng, đây cũng sẽ là động lực cho tăng trưởng kinh tế năm 2023.

Một yếu tố khác là cầu tiêu dùng năm 2023 sẽ tiếp tục hồi phục sau đại dịch và được hỗ trợ từ nhu cầu du lịch trong nước.

Bên cạnh đó, mặc dù năm 2023 được dự báo sẽ khó khăn khi xuất khẩu đến các đối tác thương mại lớn của Việt Nam như Mỹ, EU; tuy nhiên, Việt Nam có thể bù đắp ở các thị trường có Hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới như Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP).

Đặc biệt, với việc Trung Quốc mở cửa trở lại, Việt Nam có thể xuất khẩu những mặt hàng tiêu dùng vào thị trường hơn 1,4 tỷ dân sau thời gian dài cách ly. Cùng với đó, lượng lớn khách du lịch từ Trung Quốc sẽ đến Việt Nam (năm 2019 khách Trung Quốc chiếm 30% khách du lịch quốc tế vào Việt Nam), kéo theo xuất khẩu dịch vụ sẽ tăng mạnh.

Xin cảm ơn ông!