Tại hội thảo “Thông tin kinh tế quý III của Việt Nam và tác động kinh tế xã hội của chính sách thuế tiêu thụ đặc biệt đối với các ngành công nghiệp” do Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) tổ chức ngày 18/11, các chuyên gia đã đưa ra nhiều đánh giá tích cực về sự phục hồi kinh tế của Việt Nam trong năm 2024.
Doanh nghiệp mong muốn có được môi trường đầu tư kinh doanh minh bạch, ổn định hơn.
Tuy nhiên, các chuyên gia cũng nhấn mạnh, những thách thức trong cải thiện môi trường kinh doanh, như sự thiếu đồng bộ và thiếu minh bạch trong chính sách, đang là rào cản lớn đối với dòng vốn đầu tư, đặc biệt từ các doanh nghiệp FDI.
Tăng trưởng mạnh nhưng thiếu yếu tố bền vững
Theo TS Nguyễn Quốc Việt - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), Việt Nam ghi nhận mức tăng trưởng GDP ấn tượng 6,82% trong 9 tháng đầu năm 2024. Lạm phát được kiểm soát tốt với chỉ số CPI quý III tăng 3,48%, thấp hơn so với nửa đầu năm. Kim ngạch xuất nhập khẩu cũng đạt 578,5 tỷ USD, tăng 16,3% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất siêu đạt 20,8 tỷ USD.
Tuy nhiên, ông Việt cho rằng nền kinh tế vẫn phụ thuộc quá nhiều vào khu vực công nghiệp chế biến chế tạo, trong khi các lĩnh vực khác như nông nghiệp, dịch vụ lại thiếu đột phá.
“Tăng trưởng tốt nhưng chúng ta cần chú trọng hơn vào chất lượng và tính bền vững, thay vì chỉ dựa vào các yếu tố ngắn hạn”, ông Việt nhận xét.
Báo cáo của EuroCham cũng cho thấy chỉ số niềm tin kinh doanh (BCI) trong quý III/2024 đã tăng lên 52 điểm, phản ánh tín hiệu tích cực từ thị trường. Tuy vậy, nhiều doanh nghiệp vẫn bày tỏ lo ngại về sự phức tạp trong thủ tục hành chính và thiếu sự đồng bộ trong việc áp dụng các chính sách mới, gây khó khăn cho hoạt động kinh doanh và đầu tư.
TS Nguyễn Minh Thảo - Trưởng Ban Môi trường Kinh doanh và Năng lực Cạnh tranh, Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM), cảnh báo, yếu tố bất ổn từ bên ngoài như xung đột địa chính trị, lạm phát toàn cầu và biến động tỷ giá có thể ảnh hưởng đến kinh tế Việt Nam.
Bà Thảo nhấn mạnh: “Chúng ta cần xây dựng nội lực mạnh mẽ hơn để giảm thiểu các rủi ro từ bên ngoài.”
Giải pháp từ chính sách minh bạch và đồng bộ
Để thu hút đầu tư nước ngoài hiệu quả hơn, các chuyên gia cho rằng, Việt Nam cần tập trung vào việc cải thiện chính sách và quy trình hành chính.
TS Nguyễn Minh Thảo nhận định, sự ổn định của chính sách chính là yếu tố quyết định niềm tin của nhà đầu tư. Tuy nhiên, thực tế hiện nay cho thấy nhiều quy định thay đổi quá nhanh và thiếu sự hướng dẫn cụ thể, gây khó khăn cho doanh nghiệp trong việc tuân thủ.
Phân tích thêm, TS Nguyễn Quốc Việt khẳng định, Việt Nam cần tập trung vào những lĩnh vực đang là xu hướng toàn cầu như tăng trưởng xanh, công nghệ cao và tiêu dùng bền vững. Ông Việt lấy ví dụ về các quy định liên quan đến năng lượng tái tạo và tiêu chuẩn xuất khẩu sang thị trường EU.
“Nếu chính sách không đồng bộ, doanh nghiệp sẽ không thể đáp ứng được các yêu cầu quốc tế, từ đó đánh mất cơ hội cạnh tranh”, ông Việt nói.
Theo bà Đinh Thị Quỳnh Vân - Chủ tịch PwC Việt Nam, chia sẻ góc nhìn tương tự khi nói về những dự án lớn như BOT năng lượng và LNG. Theo bà Vân, quá trình xin phê duyệt dự án tại Việt Nam có thể kéo dài hàng chục năm, trong khi tại nhiều quốc gia khác, thời gian xử lý chỉ từ 6 đến 12 tháng. Bà Vân kêu gọi cần sự phối hợp mạnh mẽ hơn giữa các cơ quan quản lý để rút ngắn thời gian và nâng cao hiệu quả thực thi chính sách.
Đại diện EuroCham cũng nhấn mạnh, việc phát triển năng lượng tái tạo không chỉ mang lại lợi ích kinh tế mà còn giúp Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn hơn với các doanh nghiệp có ý thức về phát triển bền vững. Nhiều tập đoàn quốc tế hiện đang ưu tiên lựa chọn các thị trường có chi phí năng lượng thấp và ổn định, kết hợp với chính sách hỗ trợ mạnh mẽ.
Nhìn chung, các chuyên gia đều nhất trí Việt Nam cần duy trì đà tăng trưởng hiện tại bằng cách xây dựng một môi trường kinh doanh minh bạch, ổn định và có tính cạnh tranh cao hơn. Điều này đòi hỏi sự cam kết mạnh mẽ từ các cơ quan quản lý và sự hợp tác đồng bộ giữa các bộ, ngành để tháo gỡ những khó khăn đang tồn tại.
Việc cải thiện môi trường kinh doanh không chỉ là yếu tố ngắn hạn mà còn là chiến lược dài hạn để Việt Nam vươn lên vị trí cao hơn trên bản đồ kinh tế thế giới. Với sự quyết tâm và định hướng đúng đắn, Việt Nam hoàn toàn có thể tạo nên một môi trường đầu tư hấp dẫn, vừa bảo đảm sự phát triển bền vững vừa đáp ứng nhu cầu hội nhập quốc tế.
Duy Khánh (t/h)