Băn khoăn cấm hay không

Theo dự thảo, các thỏa thuận, giao dịch về cung cấp dịch vụ đòi nợ có hiệu lực trước ngày 1/1/2021 cũng sẽ chấm dứt hiệu lực. Sau ngày này, các bên trong giao dịch được yêu cầu thực hiện thủ tục nhằm thanh lý hợp đồng theo quy định pháp luật dân sự và pháp luật có liên quan. Đây là mối quan tâm không những của doanh nghiệp (DN) kinh doanh dịch vụ đòi nợ mà của cả nhiều tổ chức tín dụng trong vấn đề xử lý nợ xấu.

Bộ Tài chính đưa ra dự thảo nghị định quản lý kinh doanh dịch vụ đòi nợ để lấy ý kiến của các bộ, ngành từ giữa năm 2018. Theo đó, dự thảo sửa đổi một số điều của Nghị định 104/2007/NĐ-CP về kinh doanh dịch vụ đòi nợ như: Mức vốn điều lệ tối thiểu là 2 tỷ đồng; Người quản lý, giám đốc chi nhánh phải có trình độ học vấn từ đại học trở lên thuộc một trong các ngành: Kinh tế, quản lý, pháp luật, an ninh; Chưa từng bị kết án; Không giữ chức danh quản lý DN kinh doanh dịch vụ đòi nợ đã bị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh dịch vụ đòi nợ.

Ngoài ra, điều kiện về tiêu chuẩn đối với người lao động trong hoạt động dịch vụ đòi nợ cũng rất khắt khe, với các yêu cầu như: Có hợp đồng lao động không xác định thời hạn hoặc có thời hạn từ sáu tháng trở lên.

Ngày 11/6, trả lời PV Tiền Phong về quan điểm của Bộ Tài chính ủng hộ việc cấm hay siết kinh doanh dịch vụ đòi nợ, bà Phạm Thị Thu Hiền, Vụ trưởng Vụ Tài chính Ngân hàng và các tổ chức tài chính cho hay: “Quan điểm của Chính phủ đã trình ra Quốc hội, rất thống nhất, cứ thực hiện theo đó... Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tổng hợp đầy đủ ý kiến các thành viên Chính phủ, quan điểm chung là cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ. Chúng tôi cũng đề xuất như vậy, các bộ ngành cũng thống nhất như vậy”.

Hoạt động công khai dễ quản lý hơn

Theo kết quả khảo sát của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) năm 2014, các DN khởi kiện ra tòa và thu nợ qua cơ quan thi hành án hiệu quả chỉ khoảng 50%, trong khi sử dụng dịch vụ đòi nợ thuê hiệu quả tới 90%. Đa số ý kiến các bộ, ngành ủng hộ việc cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ thuê, cònnhiều luật sư cho rằng, nên siết thành ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Trong một xã hội phát triển, đòi nợ thuê với những quy định chặt chẽ sẽ bảo vệ hữu hiệu quyền của chủ nợ, đồng thời thúc đẩy các giao dịch dân sự liên quan vay mượn, nợ nần.

Luật sư Trương Anh Tú (đoàn luật sư Hà Nội) cho biết, đòi nợ thuê là hiện tượng xã hội đen núp bóng công ty đòi nợ thuê hợp pháp để làm những việc phi pháp mất an ninh trật tự, đe dọa tính mạng, nhân phẩm của người khác. Luật sư Tú cho rằng, đề xuất đưa loại hình hoạt động đòi nợ thuê vào danh mục ngành nghề cấm kinh doanh thể hiện rất đúng và rõ ràng.

Tuy nhiên, ông Tú cũng cho hay, trên phương diện Hiến pháp cũng như pháp luật của Việt Nam, người dân được quyền tự do kinh doanh. Trong đó lĩnh vực đòi nợ thuê không phải là lĩnh vực cấm kinh doanh. Vì vậy, để hạn chế việc này, đầu tiên phải chọn giải pháp đưa vào danh mục, các ngành nghề cấm kinh doanh như đề xuất của TPHCM năm 2019 để từ đó không cấp mới, tiến tới đưa ra giải pháp nào đó để giải thể các công ty đòi nợ được cấp phép.

Theo luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch HĐTV Công ty Luật BASICO, đòi nợ thuê là một trong những hoạt động rất cần thiết, thậm chí là sự tất yếu giúp cho việc thu hồi nợ trên thực tế, bảo vệ hữu hiệu quyền của chủ nợ, đồng thời thúc đẩy các giao dịch dân sự liên quan đến vay mượn, nợ nần.

Ông Đức cho rằng, đòi nợ là một nghề khó, một công việc phức tạp, đòi hỏi chuyên môn, kinh nghiệm, kỹ năng, nghệ thuật, phương pháp nhất định mà người cho vay, cho nợ, bán chịu hàng hóa sành sỏi cũng không dễ gì có được. Do đó, vị luật sư cho rằng, nên cho phép đăng ký kinh doanh có điều kiện dịch vụ đòi nợ, hoạt động công khai hợp pháp sẽ dễ quản lý hơn các hoạt động trôi nổi, bất hợp pháp.

 

Trước đó, báo cáo giải trình, tiếp thu dự thảo luật, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, dịch vụ đòi nợ thuê còn nhiều ý kiến khác nhau nên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đưa ra 2 phương án. Phương án 1, cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ như dự thảo Chính phủ trình, vì thời gian qua có nhiều biến tướng dịch vụ này thành các băng nhóm xã hội, tội phạm nhằm cưỡng đoạt tài sản, gây áp lực với con nợ, mất trật tự xã hội. Phương án 2, dịch vụ đòi nợ là ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện do dịch vụ này xuất phát từ nhu cầu thực tế cuộc sống.