'Khu công nghiệp đội chi phí vì mặt bằng, giá căn hộ ngày một đắt'

Theo TS. Cấn Văn Lực nhiều dự án khu công nghiệp gặp khó khăn để có “mặt bằng sạch” dẫn tới dự án bị đình trệ, đội chi phí. Trong khi đó, về bất động sản nhà ở, một lãnh đạo ngân hàng cho biết, từ đầu năm đến nay, lãi vay đã giảm 2,5% nhưng giá nhà không giảm, thậm chí còn tăng. Đây là những phát ngôn đáng chú ý của các chuyên gia, lãnh đạo doanh nghiệp trong tuần qua.
khu-cong-nghiep-doi-chi-phi-vi-mat-bang-gia-can-ho-ngay-mot-dat-1700438681.jpg

'Nhiều dự án khu công nghiệp bị đình trệ, đội chi phí vì khó kiếm mặt bằng sạch'

Dưới góc độ chuyên gia kinh tế, TS. Cấn Văn Lực đã chỉ ra nhiều khó khăn, thách thức mà thị trường bất động sản KCN vẫn đang đối mặt.

Thứ nhất, về thể chế, ông Lực đánh giá chính sách về KCN chưa đảm bảo tính ổn định, thống nhất, đồng bộ và cũng chưa thực sự đầy đủ và hoạt động của KCN liên quan đến nhiều lĩnh vực khác nhau như đầu tư, doanh nghiệp, đất đai, xây dựng, môi trường, lao động…. Do đó sẽ chịu sự điều chỉnh song song của nhiều Luật chuyên ngành. Chưa kể, việc định giá đất được triển khai khá chậm chạp trong thời gian gần đây do ảnh hưởng của một số vụ việc trên thị trường bất động sản, cũng như việc sửa đổi NĐ 44/2014 của Chính phủ về phương pháp định giá đất còn phức tạp. Từ đó, gây ảnh hưởng đến thời gian phê duyệt, triển khai các dự án đầu tư bất động sản KCN.

Thứ hai, về chất lượng, ông Lực cho hay hiệu quả quy hoạch phát triển KCN còn bất cập; thiếu tầm nhìn tổng thể, dài hạn và đang được quy hoạch khá dàn trải theo địa giới hành chính, chưa bám sát thực tiễn, thế mạnh của từng địa phương, dẫn đến phải điều chỉnh quy hoạch nhiều lần, ảnh hưởng đến tiến độ dự án.

Thứ ba, liên quan đến công tác giải phóng mặt bằng, vị TS đánh giá vẫn còn nhiều khó khăn và là vấn đề khá thách thức. Nhiều dự án gặp khó khăn để có “mặt bằng sạch” dẫn tới dự án bị đình trệ, đội chi phí. Nguyên nhân chủ yếu là do quỹ đất ngày càng hạn chế, phương án bồi thường chưa thực sự hợp lý, thỏa đáng, minh bạch. Sự vào cuộc của chính quyền địa phương chưa quyết liệt, chưa trúng vấn đề hoặc một số người dân chây ỳ, trong khi cần sự thỏa thuận, thống nhất của 100% hộ dân.

Lãi suất xuống giá nhà đắt thêm, chủ đầu tư găm hàng qua 2024 tăng giá tiếp

Tại hội nghị tín dụng bất động sản mới đây, Tổng giám đốc BIDV Lê Ngọc Lâm cho biết, các ngân hàng cam kết đã giảm đáng kể lãi suất cho vay ngắn, trung và dài hạn so với giai đoạn trước. Đơn cử như BIDV, lãi suất cho vay trung dài hạn sẽ đánh giá lại theo định kỳ 3 tháng và 6 tháng tương ứng với mức điều chỉnh giảm của lãi suất huy động.

“BIDV đã 10 lần giảm lãi suất huy động và cho vay, lãi suất cho vay đã giảm trên 20% so với trước. Lãi suất cho vay ngắn hạn chỉ xoay quanh 6 - 6,5%, lại suất cho vay trung và dài hạn chỉ 8-9%”, ông Lâm nói và cho hay việc lãi suất huy động giảm thì lãi suất cho vay cũng được điều chỉnh giảm theo. Do đó, ở BIDV lãi suất cho vay đã giảm tương ứng với lãi suất huy động.

Tương tự, ông Nguyễn Thanh Tùng, Tổng giám đốc Vietcombank cho hay, các ngân hàng đều giảm lãi suất cho vay, song việc giảm đến đâu còn phụ thuộc vào cơ cấu nguồn vốn của ngân hàng, nếu cơ cấu nguồn vốn giá cao thì phải cho vay lãi suất cao. Bên cạnh đó, các ngân hàng có nợ xấu cao, phải trích lập dự phòng lớn thì giá vốn cũng bị đẩy lên cao, dẫn tới lãi suất cho vay cao hơn.

“Từ đầu năm đến nay, lãi vay đã giảm 2,5% nhưng giá nhà không giảm, thậm chí còn tăng”, Tổng giám đốc Vietcombank nhấn mạnh.

Tổng giám đốc Vietcombank, chỉ ra bất cập của thị trường bất động sản hiện nay như dự án nhà ở xã hội khan hiếm, một số dự án không bán được. Nguyên nhân là do đối tượng mua nhà ở xã hội, nhà ở công nhân được quy định quá chặt chẽ, trong khi các đối tượng thỏa mãn điều kiện lại khó chứng minh khả năng trả nợ khi vay vốn ngân hàng.

Ngoài ra, cơ cấu thị trường bất động sản chưa cân đối, thiếu phân khúc nhà ở có giá cả phù hợp với thu nhập người dân. Hơn nữa, người mua nhà còn có tâm lý chờ đợi giá xuống hoặc chưa có điều kiện mua nhà. “Chúng tôi có danh mục khách hàng cá nhân rất tốt song từ đầu năm đến nay, lượng tiền gửi vẫn ùn ùn chảy vào ngân hàng bất chấp lãi suất thấp. Trong khi đó, dư nợ vay mua nhà lại liên tục sụt giảm”, Tổng giám đốc Vietcombank nói.

Lũng đoạn đấu giá – chưa có hồi kết nếu thiếu chế tài mạnh

Theo Nghị định số 22/2012/NĐ-CP quy định về đấu giá quyền khai thác khoáng sản, nếu các tổ chức, cá nhân tham gia phiên đấu giá và trúng đấu giá nhưng từ chối không nhận kết quả trúng đấu giá mà chưa được hội đồng đấu giá chấp thuận thì không được tham gia bất kỳ phiên đấu giá nào trong thời hạn 1 năm, kể từ ngày kết thúc phiên đấu giá đó.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp, cá nhân không thực hiện nghĩa vụ tài chính sau trúng đấu giá cũng không được nhận lại số tiền đặt cọc trước đó.

Trên thực tế, chế tài này chưa đủ mạnh nhằm ngăn chặn các doanh nghiệp, cá nhân đua nhau đẩy giá lên cao chót vót trong các phiên đấu giá quyền khai thác mỏ, đấu giá tài sản, đấu giá quyền sử dụng đất để rồi sau đó sẵn sàng bỏ cọc, phủi trách nhiệm.

Kỳ họp thứ 6 của Quốc hội khóa XV đã thảo luận về Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số quy định của Luật Đấu giá Tài sản.

Đại biểu Quốc hội Dương Ngọc Hải (Đoàn Thành phố Hồ Chí Minh) cho biết một số người tham gia đấu giá nhưng với mục đích không hẳn là để mua được tài sản mà nhằm thao túng mặt bằng giá mới, phô trương danh thế, phá hoại cuộc đấu giá... Do đó, việc xem xét năng lực và mục đích của người đấu giá cần được thực hiện chặt chẽ.

Theo Đại biểu Dương Ngọc Hải, cần phải tăng tiền đặt cọc lên 10% tổng giá trị tài sản được đấu giá để ngăn chặn việc người trúng đấu giá sẵn sàng mất cọc.

Tuy nhiên, để đảm bảo tính cạnh tranh thì nên quy định rõ biên độ chênh lệch số tiền đặt cọc ở mức tối thiểu và mức đặt tối đa, tùy theo giá trị của tài sản.

Các doanh nghiệp, cá nhân không chấp hành Luật Đấu giá Tài sản, không vì mục đích mua được tài sản thì ngoài việc mất tiền cọc còn phải chịu thêm việc phạt hành chính.

'VN-Index tháng 11 sẽ biến động mạnh trong vùng 1.005 - 1.145 điểm'

SSI cho rằng thị trường có thể vẫn còn những biến động khó lường trong ngắn hạn với các rủi to tiềm ẩn như môi trường lãi suất cao ở Mỹ, rủi ro địa chính trị, sự phục hồi yếu của nền kinh tế trong nước.

"Nhìn về lịch sử, dù do bất cứ yếu tố tác động nào, những nhịp điều chỉnh với biên độ hơn 15% đối với VN-Index thường đi kèm nhịp hồi phục mạnh mẽ sau đó và luôn mang lại suất sinh lợi vượt trội. Nhịp điều chỉnh hiện tại đã khiến VN-Index mất gấn 18% điểm số từ đỉnh ngắn hạn và đưa hệ số định giá P/E và P/B về gần các mức thấp nhất trong lịch sử 5 năm là 11 lần và 1,6 lần. Đây là nền tảng định giá tốt giúp thị trường tạo sức bật khi các động lực tăng trưởng cho thị trường phục hồi trở lại", báo cáo của SSI nhấn mạnh.

Bước qua tuần đầu tháng 11, trên biểu đồ trung hạn, VN-Index có những phản ứng tích cực đầu tiên khi chạm vùng hỗ trợ 1.020 điểm. Như vậy, sau chuỗi giảm mạnh vừa qua, chỉ số gần lấy lại cân bằng của nhịp điều chỉnh khi gặp vùng hỗ trợ năm 2023 tại 1.020-1.030 điểm.

Về các chỉ báo, RSI có xu hướng di chuyển từ vùng quá bán qua vùng trung tính, ADX vẫn nằm trong xu hướng giảm. Như vậy, theo SSI, sự ổn định của các chỉ báo kỹ thuật sức mạnh chưa đồng nhất, điều này sẽ gây ra những dao động lớn và VN-Index có thể sẽ cần kiểm định quanh vùng hỗ trợ 1.020 điểm trước khi phục hồi hoàn toàn.

"Như vậy, chúng tôi dự kiến sự biến động của thị trường trong tháng 11 sẽ khá rộng và theo hướng tích cực. Dự kiến biên độ dao động của chỉ số VN-Index trong phạm vi 1.005 -1.145 điểm. Trong kịch bản thị trường chuyển biến tiêu cực hơn dự kiến, nếu chỉ số VN-Index không giữ vững trên vùng 1.000 điểm, nhà đầu tư cần quản trị rủi ro chặt chẽ và chờ đợi cơ hội ổn định của thị trường để tham gia trở lại", SSI khuyến cáo.

Ấn Độ: 'Chúng tôi nên được cảm ơn vì mua dầu của Nga'

Phát biểu tại một sự kiện do Cao ủy Ấn Độ tổ chức ở London (Anh) mới đây, ông Jaishankar nhấn mạnh “sự ổn định đặc biệt” của mối quan hệ Ấn Độ-Nga.

“Chúng tôi thực sự đã làm dịu thị trường dầu mỏ và thị trường khí đốt thông qua các chính sách mua hàng của mình. Kết quả là chúng ta đã thực sự quản lý được lạm phát toàn cầu. Tôi đang chờ lời cảm ơn của của bạn”, ông Jaishankar nói.

Nhà ngoại giao Ấn Độ giải thích thêm rằng nếu New Delhi quyết định không mua dầu từ Moscow, giá dầu toàn cầu sẽ tăng đáng kể “bởi vì chúng tôi sẽ tiếp cận cùng một thị trường, với cùng các nhà cung cấp mà châu Âu sẽ kết nối, và thành thật mà nói, như chúng tôi đã phát hiện ra, châu Âu sẽ có giá cao hơn chúng tôi.”

Thừa nhận tầm quan trọng của Ấn Độ trên thị trường toàn cầu, nhà ngoại giao này nhấn mạnh thêm tác động của các lệnh trừng phạt lên Nga đối với các nước đang phát triển.

“Trên thực tế, Ấn Độ là một quốc gia đủ lớn để giành được sự tôn trọng trên thị trường, nhưng có những quốc gia nhỏ hơn nhiều thậm chí không nhận được phản hồi về giá thầu của họ vì các nhà cung cấp khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) không còn quan tâm đến việc giao dịch với họ. Họ có nhiều khách hàng lớn hơn để hợp tác”, ông Jaishankar nói.