Trong đơn thư gửi Tạp chí Doanh Nghiệp Việt Nam, ông Nguyễn Hữu Lợi và 6 người lao động kiến nghị khi cho rằng Công ty TNHH Nhà máy bia Heineken Việt Nam (Công ty bia Heineken Việt Nam) đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động khiến cuộc sống khó khăn.
Ông Lợi và những người lao động khởi kiện Công ty Heineken Việt Nam
Theo đơn thư, ông Lợi ký hợp đồng lao động và làm việc tại Tổ xe nâng thuộc kho vận tại Quận 12, Nhà máy bia Heineken Việt Nam từ năm 2005. Đến ngày 04/5/2020, ông Lợi và những công nhân khác bất ngờ khi nhận được thông báo đến nhà máy họp với nội dung sẽ chấm dứt hợp đồng lao động từ nngày 22/6/2020 đối với 40 nhân viên lái xe nâng, với lý do thay đổi cơ cấu. Số lượng công nhân bị chấm dứt hợp đồng lao động được Công ty bia Heineken Việt Nam chuyển sang làm việc tại doanh nghiệp thứ 3 là Công ty Cung ứng Dịch vụ Lao động Le &Associate.
Sau đó, ông Lợi và nhiều công nhân gửi đơn thư cho lãnh đạo công ty, các cơ quan quản lý, hỗ trợ người lao động... nhưng đều không thay đổi được kết quả. Tiếp đóó, ông Lợi cùng 6 công nhân quyết định nộp đơn khởi kiện Công ty Heniken Việt Nam lên TAND Quận 1 (TP.HCM).
Ngày 13/10/2020, TAND Quận 1 ra thông báo số 854/2020/TB-TA về việc thụ lý vụ án với nội dung: Thụ lý hồ sơ lao động sơ thẩm số 157/2020/LĐ-ST về việc “tranh chấp đơn phương hợp đồng lao động” theo đơn khởi kiện của ông Nguyễn Hữu Lợi. Tuy nhiên đến nay vụ án vẫn chưa được đưa ra xét xử.
Trong quá trình theo đuổi vụ kiện, ông Lợi đã gửi thêm đơn yêu cầu “xem xét thẩm định tại chỗ” (ngày 09/10/2020), đơn đề nghị “giải quyết yêu cầu xem xét thẩm định tại chỗ” (ngày 01/12/2020) và đơn kiến nghị “về việc yêu cầu của đương sự không được xem xét giải quyết” (ngày15/4/2021).
Luật sư Võ Tấn Lộc (Công ty Luật Long Phan PMT- Đoàn Luật sư TP HCM) cho biết: "Căn cứ Điều 32, Điều 203, Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015, thời hạn chuẩn bị xét xử các vụ án tranh chấp về lao động chỉ là 2 tháng. Trong trường hợp này, đối với vụ án có tính chất phức tạp hoặc do sự kiện bất khả kháng, trở ngại khách quan thì Chánh án Tòa án có thể quyết định gia hạn thời hạn chuẩn bị xét xử nhưng không quá 01 tháng. Như vậy, cho đến thời điểm hiện tại, các thẩm phán thụ lý vụ án đã vi phạm thời hạn chuẩn bị xét xử."
Luật sư Lộc cũng nói thêm, việc thay đổi cơ cấu theo Bộ luật Lao động 2012, nay là Bộ luật Lao động 2019 nêu rõ: Trường hợp thay đổi cơ cấu, công nghệ mà ảnh hưởng đến việc làm của nhiều người lao động, thì người sử dụng lao động có trách nhiệm xây dựng và thực hiện phương án sử dụng lao động theo quy định tại Điều 46 của Bộ luật này; trường hợp có chỗ làm việc mới thì ưu tiên đào tạo lại người lao động để tiếp tục sử dụng. Vậy phương án sử dụng lao động lại đã cân nhắc các vị trí nhân sự hay chưa? Cơ cấu thay đổi cụ thể là gì? Có đúng theo quy định pháp luật hay không?... Tất cả những vấn đề này chỉ có thể được giải quyết khi tòa án tổ chức thẩm định tại chỗ.
Trong văn bản trả lời Tạp chí Doanh Nghiệp Việt Nam, Đại diện Công ty TNHH Nhà máy Bia Heneiken Việt Nam xác nhận: "Từ năm 2016 công ty đã quyết định tái cấu trúc bộ phận Chăm sóc khách hàng và Kho vận (CS&L). Công ty chuyển sang sử dụng dịch vụ thuê ngoài cho hoạt động xếp dỡ hàng hóa... Phần lớn lái những nhân viên lái xe nâng nói trên đều đồng thuận và ký thỏa thuận chắm dứt hợp đồng lao động với công ty."
"Tuy nhiên, vẫn có một số ít nhân viên (cụ thể 7 nhân viên) không đồng ý chấm dứt hợp đồng lao động với công ty. Họ đã khiếu nại lên Sở Lao động, Thương binh và Xã hội TP.HCM và nộp đơn khởi kiện chúng tôi ra tòa. Thời gian qua, tòa án cũng nhiều lần thực hiện các cuộc hòa giải theo quy trình tố tụng, nhưng không thành. Vì vậy, chúng tôi cũng đang chờ sự phân xử của tòa án về sự việc này".
Theo Huy Hùng (Doanhnghiepvn.vn)