Ngày 21/7/2020, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã làm việc với tỉnh Đồng Nai về công tác giải ngân vốn đầu tư công và tiến độ triển khai Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành. - Ảnh: VGP

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp Thường trực Chính phủ ngày 10/10 về việc khởi công một số hạng mục Cảng hàng không (CHK) quốc tế Long Thành trước ngày khai mạc Đại hội Đảng lần thứ XIII, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cho biết dự án này sẽ chính thức khởi công giai đoạn 1 vào ngày 5/1/2021.

“Ai không làm, đứng ra một bên”

Nghị quyết số 94/2015/QH13 ngày 25/6/2015 của Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư Dự án CHK quốc tế Long Thành được xem như “kim chỉ nam” đầu tiên để xây dựng sân bay Long Thành với công suất 100 triệu hành khách/năm. Không nhiều người biết rằng, sân bay Long Thành đã xuất hiện trong Đề án quy hoạch hệ thống sân bay dân dụng toàn quốc do Viện Khoa học hàng không chủ trì thực hiện từ đầu thập kỷ 90. Và văn bản pháp lý đầu tiên có sự hiện diện của sân bay Long Thành là Quyết định số 911/QĐ-TTg ngày 24/10/1997 của Thủ tướng Phan Văn Khải phê duyệt quy hoạch phát triển hệ thống sân bay toàn quốc, trong đó có việc xây mới sân bay Long Thành.

Năm 2015, CHK quốc tế Tân Sơn Nhất - sân bay lớn nhất Việt Nam, đầu mối giao thương quan trọng nhất của phía Nam với quốc tế - rơi vào tình trạng quá tải trầm trọng khi công suất thiết kế chỉ có 25 triệu khách/năm nhưng đã phải đón đến 26 triệu khách. Trước thực trạng phát triển “nóng” của hàng không và yêu cầu phát triển nền kinh tế, Chính phủ đã báo cáo Quốc hội về sự cần thiết phải xây CHK quốc tế Long Thành trở thành cảng hàng không trung chuyển của khu vực, giảm tải cho CHK quốc tế Tân Sơn Nhất. 

Năm 2019, Nghị quyết số 95/2019/QH14 của Quốc hội thông qua Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1 đã giao Chính phủ xem xét, quyết định tổng mức đầu tư, lựa chọn nhà đầu tư và đưa ra phương án huy động vốn với yêu cầu:  Sử dụng vốn của nhà đầu tư; không sử dụng bảo lãnh Chính phủ; và bảo đảm tiến độ, tính khả thi, hiệu quả và công khai, minh bạch.

Nhận nhiệm vụ do Quốc hội giao, Chính phủ, người đứng đầu Chính phủ và các Bộ, ngành liên quan đã tập trung chỉ đạo triển khai, CHK quốc tế Long Thành được xếp vào Dự án trọng điểm cấp quốc gia, và là một trong những ưu tiên chỉ đạo hàng đầu của Chính phủ. Tuy nhiên, tháng 6/2020, trong báo cáo gửi Quốc hội, Chính phủ cho biết tiến độ thẩm định, trình duyệt dự án giai đoạn 1 đã chậm 3 tháng so với yêu cầu, do dịch COVID -19 nên trong quá trình thẩm tra, thẩm định, các đơn vị, cá nhân liên quan không thể họp để trao đổi trực tiếp mà phải họp trực tuyến và lấy ý kiến bằng văn bản.

Chưa hết, giữa tháng 7/2020, tỉnh Đồng Nai báo cáo tỷ lệ giải ngân vốn để thu hồi đất, bồi thường, tái định cư sân bay Long Thành mới đạt 10,1%, đây là mức rất thấp so với cam kết ban đầu của địa phương này với Chính phủ.

Tại cuộc họp Chính phủ với các địa phương ngày 16/7 về giải ngân vốn đầu tư công, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể đã bày tỏ sự lo lắng khi mặt bằng chậm sẽ ảnh hưởng tới tiến độ các hạng mục của Dự án,  “nếu càng chậm thì càng khó khăn” bởi đặc điểm của ngành giao thông “không có mặt bằng, chúng tôi không làm được gì cả”.

Trước nguy cơ chậm tiến độ giải ngân vốn đầu tư công và công tác giải phóng mặt bằng của Dự án, ngày 21/7, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã trực tiếp xuống Đồng Nai kiểm tra hiện trường dự án. Tại đây, người đứng đầu Chính phủ đã quyết liệt yêu cầu tỉnh Đồng Nai và các Bộ, ngành liên quan nêu rõ các vướng mắc để xử lý.

"Bây giờ có mặt bằng, thi công có chỉ định, có tiền bạc rồi thì phải làm thôi, làm nhanh hơn nữa để đưa người dân ra, không phải khó khăn gì đâu. Không thể cầu toàn mà một lúc đưa hàng nghìn người ra được mà phải lần lượt, người nào có liên quan thì ra trước nhận đất làm nhà trước. Cần phải thi công đồng thời với hạ tầng, đường điện, cây xanh, điện nước… phải đồng bộ”, Thủ tướng Chính phủ nêu rõ.

Người đứng đầu Chính phủ cũng kiên quyết yêu cầu “ai không làm thì đứng qua một bên, để những người khác làm, xử lý vấn đề mặt bằng cho dứt điểm”.

Đồng lòng, khẩn trương để hoàn thành

Với sự quyết liệt của Thủ tướng, ngày 20/10/2020, UBND tỉnh Đồng Nai đã tổ chức lễ bàn giao mặt bằng 1.810 ha giai đoạn 1 (khu vực ưu tiên) dự án sân bay Long Thành cho Bộ GTVT. Ngoài ra, Đồng Nai còn bàn giao thêm cho Bộ GTVT khoảng 779 ha thuộc giai đoạn 2. Tổng cộng diện tích mặt bằng tỉnh bàn giao cho Bộ GTVT là gần 2.600ha/5.000ha cần bàn giao của dự án.

Trao đổi với Báo điện tử Chính phủ, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cho biết, đến thời điểm hiện tại, tiến độ Dự án xây dựng CHK quốc tế Long Thành đang bám sát yêu cầu mà Nghị quyết 94/2015/QH13 đưa ra. Dự án sẽ được chính thức khởi công vào ngày 5/1/2021 và hoàn thành giai đoạn 1 vào cuối năm 2025.

“Bộ GTVT đã nhận bàn giao mặt bằng sạch của UBND tỉnh Đồng Nai từ cuối năm 2020. Chính phủ cũng đã chính thức giao Tổng Công ty Cảng Hàng không Việt Nam (ACV) thực hiện dự án. Đến nay, cơ bản lựa chọn xong các đơn vị trúng thầu, hiện các đơn vị đang thực hiện rà, phá bom mìn trong khu vực xây dựng. Hồ sơ thiết kế chi tiết cũng đang được triển khai nhanh chóng.

Với trách nhiệm quản lý chuyên ngành, Bộ GTVT sẽ phối hợp với Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước chỉ đạo ACV thực hiện tốt nhất việc xây dựng sân bay Long Thành vào cuối năm 2025, kịp thời phục vụ nhu cầu đi lại của nhân dân, đảm bảo phát triển kinh tế, xã hội của đất nước”, Bộ trưởng cho biết.

Ông Lại Xuân Thanh, Chủ tịch Hội đồng thành viên ACV khẳng định, đơn vị sẽ triển khai các bước tiếp theo theo quy định của pháp luật, bảo đảm chất lượng, tiến độ thực hiện và hiệu quả đầu tư.

"Các hạng mục công trình thuộc dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1 được xây dựng đồng bộ bảo đảm kỹ thuật, mỹ thuật, chất lượng theo đúng tiêu chuẩn kỹ thuật quốc tế và tiêu chuẩn kỹ thuật có liên quan, bảo đảm mục tiêu, quy mô, công suất, chỉ tiêu kinh tế-kỹ thuật, hiệu quả đầu tư, không vượt tổng mức đầu tư được phê duyệt và các ý kiến chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ," người đứng đầu ACV cam kết.

Khi hoàn thành, Long Thành sẽ trở thành cảng hàng không quốc tế tầm cỡ trong khu vực, phục vụ chiến lược phát triển vận tải hàng không Việt Nam, trực tiếp chia sẻ gánh nặng cho sân bay Tân Sơn Nhất vốn dĩ đã quá tải nhiều năm qua. Dự án này không chỉ là đầu mối thông thương quan trọng mà còn điểm nhấn thể hiện tầm nhìn chiến lược, đưa quốc gia tăng tốc, hội nhập nhanh hơn.

Năm 2020 và 2021, Chính phủ đã đề ra “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch bệnh, bảo vệ sức khoẻ nhân dân, vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trong trạng thái bình thường mới. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã xem việc đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn và sớm khởi công dự án sân bay Long Thành như là một tiền đề quan trọng để giảm thiểu tác động xấu do COVID-19 gây ra cho khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam nói riêng và cả nước nói chung.

Nghị quyết 01 năm 2021 vừa được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ký ban hành đã nêu 1 trong 8 trọng tâm chỉ đạo điều hành là “tiếp tục hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội đồng bộ, hiện đại, đặc biệt là về giao thông, năng lượng, đô thị lớn, ứng phó với biến đổi khí hậu… Đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án quan trọng, công trình trọng điểm quốc gia, các dự án liên kết vùng, bảo đảm an ninh nguồn nước, an toàn đập, hồ chứa nước; tăng cường, nâng cao hiệu quả liên kết vùng, phát huy vai trò của các vùng kinh tế trọng điểm, các đô thị lớn”.

Tại Hội nghị Chính phủ với các địa phương cuối năm 2020, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể cho biết năm 2020, Thủ tướng đã chủ trì rất nhiều cuộc họp tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc của xây dựng cơ bản. Kết quả, giải ngân xây dựng cơ bản tốt nhất nhiệm kỳ, nếu không muốn nói là tốt nhất trong 10 năm qua, riêng Bộ GTVT đã giải ngân 36 nghìn tỷ trong tổng số 40 nghìn tỷ đồng và phấn đấu giải ngân 100%. Bộ trưởng cũng nhắc tới 8 dự án hạ tầng chuẩn bị hoàn thành trong thời gian tới, sau nhiều năm phấn đấu. Đồng thời, nhiều dự án mới chuẩn bị được khởi công ngay đầu năm 2021.

Chỉ với sự quyết liệt, khẩn trương của Chính phủ, các bộ ngành, địa phương và sự đồng thuận cao của người dân thì dự án Long Thành mới có thể về đích đúng hẹn. Việc khởi công những dự án lớn ngay từ những ngày làm việc đầu tiên của năm 2021 có thể coi như việc khởi động một giai đoạn phát triển mới của đất nước, đúng như phương châm hành động của Chính phủ trong Nghị quyết 01: “Đoàn kết, kỷ cương, đổi mới, sáng tạo, khát vọng phát triển”.

CHK quốc tế Long Thành giai đoạn 1 có 1 đường cất hạ cánh có chiều dài đạt tiêu chuẩn quốc tế mới nhất 4.000m, chiều rộng 75m và hệ thống đường lăn, sân đỗ đảm bảo cho các loại tàu bay hoạt động; 1 nhà ga hành khách cùng các hạng mục phụ trợ đồng bộ với công suất 25 triệu hành khách/năm với tổng diện tích sàn 373.000m2; 1,2 triệu tấn hàng hóa/năm.

Tổng mức đầu tư dự án đầu tư xây dựng CHK quốc tế Long Thành giai đoạn 1 là 109.111,7 tỷ đồng (tương đương 4.664,89 triệu USD). Thời gian thực hiện dự án là từ năm 2020 và hoàn thành giai đoạn 1 vào năm 2025.

CHK quốc tế Long Thành khi hoàn thành sẽ đóng vai trò cảng trung chuyển hàng không trong nước và quốc tế. Tại đây sẽ là khu trung tâm dịch vụ hàng không trên quốc tế với nhiều dịch vụ như cung ứng xăng dầu, bảo trì, nâng cấp, sửa chữa máy bay... cho các hãng hàng không trong nước và quốc tế. Theo nghiên cứu của Hãng tư vấn Hansen Partnership (Australia) thì sân bay Long Thành sẽ đóng góp được 3 - 5% GDP cả nước.

Cơ cấu phục vụ hành khách của sân bay Long Thành dự kiến gồm 80% là khách quốc tế (bao gồm cả khách quá cảnh) và 20% khách quốc nội. Còn sân bay Tân Sơn Nhất sẽ chủ yếu phục vụ các chuyến bay quốc nội. 

Phan Trang

Link nguồn: http://www.baochinhphu.vn/Kinh-te/Khoi-cong-giai-doan-1-san-bay-Long-Thanh-khoi-dong-mot-giai-doan-moi/418746.vgp