Khen Ngân hàng Nhà nước nhanh nhạy, chuyên gia cảnh báo “không có gì được mà không mất”

TS. Trương Văn Phước đánh giá cao sự nhanh nhạy của Ngân hàng Nhà nước trong điều hành chính sách tiền tệ thời gian qua, đặc biệt là chính sách cơ cấu thời hạn trả nợ. Tuy nhiên, vị này cũng nhấn mạnh “không có gì được mà không mất”

Ban hành chính sách kịp thời, Ngân hàng Nhà nước được "khen"

Thông tin tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam, ông Phạm Thanh Hà – Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, trong 2 năm qua, ngành ngân hàng luôn trong trạng thái hỗ trợ nền kinh tế.

Theo đó, chính sách tiền tệ của Việt nam phản ứng ở mức trung bình của thế giới. Thực tế, chính sách tiền tệ tác động ở hai khía cạnh là lượng và giá, tương hỗ nhau.

Khen Ngân hàng Nhà nước nhanh nhạy, chuyên gia cảnh báo “không có gì được mà không mất” - Ảnh 1.

Ông Phạm Thanh Hà – Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước. (Ảnh chụp màn hình Diễn đàn Kinh tế Việt Nam)

Về lượng, mục tiêu của hệ thống ngân hàng là bảo đảm duy trì thanh khoản của nền kinh tế. NHNN đã điều hành bảo đảm thanh khoản cho nền kinh tế, các tổ chức tín dụng và cho các doanh nghiệp.

Ở góc độ thanh khoản cho nền kinh tế, cung ứng tiền của NHNN trong 2 năm qua đã hỗ trợ nền kinh tế rất lớn như việc NHNN mua ngoại tệ sau 2 năm khoảng 25 tỷ USD.

Về thanh khoản cho các doanh nghiệp, do Covid-19 nên các doanh nghiệp gặp khó khăn về trả nợ, vay mới, NHNN đã kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp thông qua các Thông tư 01, Thông tư 03 (sửa đổi Thông tư 01) và Thông tư 14 về cơ cấu lại thời hạn trả nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng của đại dịch. Từ đó, duy trì thanh khoản cho doanh nghiệp với điều kiện ngân hàng phải đánh giá khả năng trả nợ của doanh nghiệp trong tương lai, miễn giảm lãi suất cho khoản vay cũ và mới…

Tính đến cuối tháng 11, dư nợ tín dụng tăng trên 10%, phù hợp mục tiêu đề ra là 12% trong năm nay.

NHNN sẵn sàng có thể nới thêm chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho tháng cuối cùng của năm 2021 nhằm bảo đảm thanh khoản cho nền kinh tế.

Ông Phạm Thanh Hà – Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước.

Về giá, cùng với việc duy trì khối lượng thanh khoản tốt trên thị trường, NHNN đã điều hành hạ lãi suất để hỗ trợ nền kinh tế.

Theo đó, ngay từ đầu năm 2020, NHNN đã giảm lãi suất điều hành.

Hiện, lãi suất điều hành giảm 1,5 - 2%; lãi suất huy động giảm 1,5%; lãi suất cho vay giảm 1,77% so với đầu năm 2020.

Có 16 ngân hàng thương mại cam kết tiếp tục hạ lãi suất từ tháng 7 đến hết năm nay nhằm hỗ trợ người dân, doanh nghiệp.

Đánh giá cao những nỗ lực của ngành ngân hàng trong thời gian qua, TS. Trương Văn Phước, nguyên quyền Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia - nhấn mạnh, đại dịch này là phi tiền lệ, nên các chính sách cũng "khác thường", đứng đằng sau đó là vai trò của hệ thống ngân hàng.

"Tại Việt Nam, NHNN thực hiện vai trò rất tốt nhưng không ai biết, đó là trong gói kích thích hỗ trợ cho phục hồi kinh tế này, ghi nhận chính sách tiền tệ chỉ đóng 0,6 – 0,8%GDP, nhưng không phải như thế theo cách nhẩm tính của tôi. Thực tế, nếu không có Thông tư 01, thông tư 03 và mới đây là Thông tư 14 của NHNN thì đã không đưa ra thị trường thêm 400.000 tỷ", TS. Trương Văn Phước nói.

tong-hop-1638752810.png

Nguồn: Đề xuất của Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc Hội và Nhóm chuyên gia.

Vì sao lại như thế?

TS. Trương Văn Phước lập luận, ở các nước, NHNN hay các NHTM giúp các doanh nghiệp thông qua nới lỏng thể chế về tín dụng, tức là 1 mặt vẫn chấp nhận hệ số CAR là 8% nhưng các cấu phần để định ra rủi ro của các khoản vay thì người ta "nới" lên nhiều.

"Ví dụ tôi là một doanh nghiệp, tôi bị lỗ 2 năm 2020 và 2021, nếu như có tài sản đảm báo ngân hàng vẫn cho vay nhưng tôi phải định khoản vay đó là hệ số rủi ro 250%. Nếu như thế tổng tài sản có rủi ro vống lên. Như vây, nếu con số đó tăng lên nhanh thì ngân hàng phải đóng cửa không cho vay nữa. Trong hoàn cảnh đó, việc cho phép giãn hoãn, cơ cấu lại nợ tôi đánh giá đó là sự nhanh nhạy của NHNN", TS. Trương Văn Phước nhấn mạnh.

quoc-gia-1638752854.png

TS. Trương Văn Phước, nguyên quyền Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia.

"Cuộc đời này không có gì được mà không mất"

Dù nhấn mạnh việc cơ cấu nợ cho người dân, doanh nghiệp là rất quan trọng, nhưng theo TS. Trương Văn Phước "đương nhiên cuộc đời này không có gì được mà không mất".

Theo đó, NHNN và hệ thống thương mại đang có rủi ro rình rập là nợ xấu tăng lên. Như trong cuộc khủng hoảng năm 2008, nợ xấu tăng buộc các tổ chức tín dụng phải mạnh tay trích lập dự phòng rủi ro trong suốt những năm 2008 – 2016, đồng thời giảm cổ tức, giảm lợi nhuận – đó là cái giá phải trả, và chắc chắn rằng sắp tới hệ thống ngân hàng cũng phải trả cái giá đó, theo TS. Trương Văn Phước.

Phó Thống đốc Phạm Thanh Hà cũng thừa nhận, ngoài lạm phát, nợ xấu tăng là một trong những thách đối với hệ thống ngân hàng trong thời gian tới.

"Việc hỗ trợ doanh nghiệp trong đó cho phép các tổ chức tín dụng cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ cho khách hàng chịu tác động của đại dịch sẽ ảnh hưởng đến chất lượng tài sản của các tổ chức tín dụng. Đây là nguy cơ liên quan đến nợ xấu phát sinh trong thời gian tới của các ngân hàng", ông Hà nhấn mạnh.