“Khám sức khỏe” tài chính Nhà thầu Vimeco

Công ty CP Vimeco vừa được lựa chọn thực hiện Gói thầu số 17 Thiết kế - mua sắm vật tư, thiết bị - thi công xây dựng công trình thuộc Dự án Mở rộng sân đỗ máy bay và hệ thống tiếp nhiên liệu khu vực Nhà ga hành khách T2 - Cảng hàng không quốc tế Nội Bài. Gói thầu mới liệu có cải thiện hiệu quả kinh doanh suy giảm của Vimeco hay không đang là một câu hỏi.

vimeco-1664183107.jpg Sáu tháng đầu năm 2022, lợi nhuận sau thuế của Vimeco ở mức 0,33 tỷ đồng. Ảnh: Lê Tiên

Gói thầu nêu trên có giá hơn 747 tỷ đồng, là gói thầu có giá trị lớn nhất của Dự án (tổng mức đầu tư 1.189,681 tỷ đồng, sử dụng vốn của Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam); được đấu thầu rộng rãi quốc tế, với sự tham dự của 2 nhà thầu. Trong đó, Công ty CP Tập đoàn Xây lắp 1 - Petrolimex (PCC-1) bị loại ở bước đánh giá về kỹ thuật. Liên danh WEC Engineers and Contructors Pte Ltd - Vimeco trúng thầu với giá hơn 658,56 tỷ đồng, giảm 88,514 tỷ đồng so với giá gói thầu, đạt tỷ lệ tiết kiệm 11,8%; thời gian thực hiện hợp đồng 540 ngày, loại hợp đồng trọn gói.

Vào tháng 3/2022, Vimeco góp mặt trong liên danh 5 nhà thầu trúng Gói thầu 5.6 Thi công cọc công trình nhà ga hành khách của Dự án thành phần 3 Các công trình thiết yếu trong cảng hàng không thuộc Dự án Đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1. Liên danh này trúng thầu với giá hơn 471 tỷ đồng, thấp hơn 26,1 tỷ đồng so với giá gói thầu.

Xây lắp là một trong những trụ cột chính trong hoạt động kinh doanh của Vimeco bên cạnh đầu tư bất động sản, dịch vụ tài chính. Năm 2022, Đại hội đồng cổ đông Vimeco đặt ra những mục tiêu tham vọng, tuy nhiên kết quả đạt được trong nửa đầu năm còn khiêm tốn.

Cụ thể, trong 6 tháng đầu năm 2022, doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ của Vimeco đạt 321 tỷ đồng, giảm 10,3% so với cùng kỳ năm ngoái; lợi nhuận sau thuế ở mức 0,33 tỷ đồng, bằng 1/3 con số 1 tỷ đồng đạt được cùng kỳ năm 2021. Trong khi đó, tổng doanh thu và lợi nhuận sau thuế mục tiêu năm 2022 của Công ty lần lượt là 1.800 tỷ đồng và 31,1 tỷ đồng.

Trong giai đoạn 2018 - 2021, hoạt động kinh doanh của Vimeco cũng cho thấy sự giảm sút. Từ con số doanh thu 1.560 tỷ đồng năm 2018 giảm xuống mức 1.156 tỷ đồng năm 2019 và chỉ còn 642 tỷ đồng năm 2020. Năm 2021, doanh thu của Vimeco đã tăng trưởng trở lại, đạt 765,8 tỷ đồng, nhưng vẫn thấp hơn nhiều mức đạt được giai đoạn 2014 - 2019.

Trong năm 2022, ban lãnh đạo Vimeco còn dự kiến tăng vốn điều lệ lên gấp 5 lần, từ 200 tỷ đồng lên 1.016 tỷ đồng thông qua phương án chào bán 80 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với mức giá 12.500 đồng/cổ phiếu. Phương án này đã được Đại hội đồng cổ đông Công ty thông qua vào ngày 16/3.

Phần lớn số tiền thu về từ đợt phát hành sẽ được Vimeco góp vốn thành lập Công ty CP Phát triển khu đô thị và công nghiệp Vimeco (500 tỷ đồng) để tập trung phát triển bất động sản khu công nghiệp. Ngoài ra, Vimeco dành 100 tỷ đồng đầu tư vào Công ty CP Đầu tư bất động sản Vimeco Home, 100 tỷ đồng đầu tư vào Công ty CP Hệ thống giáo dục quốc tế, 150 tỷ đồng đầu tư thiết bị thi công, 120 tỷ đồng để mua bán và sáp nhập, hợp tác đầu tư các dự án bất động sản dân dụng và khu công nghiệp, 46 tỷ đồng bổ sung vốn lưu động.

Tại thời điểm họp cổ đông chốt tăng vốn, giá cổ phiếu VMC của Vimeco trên sàn HNX đạt trên 24.000 đồng/cổ phiếu. Tại phiên giao dịch ngày 23/9/2022, giá VMC rơi về 12.600 đồng/cổ phiếu, khiến phương án chào bán 80 triệu cổ phiếu ở giá 12.500 đồng của Vimeco trở nên rất xa vời.