Thanh khoản dồi dào, trong khi khó cho vay, nên nhiều ngân hàng không có chính sách níu kéo khách hàng khi họ rút tiền. Ảnh: Dũng Minh

Thanh khoản dồi dào, trong khi khó cho vay, nên nhiều ngân hàng không có chính sách níu kéo khách hàng khi họ rút tiền. Ảnh: Dũng Minh

Không níu giữ

Trang, chuyên viên cao cấp của Ngân hàng T. tại Hà Nội cho biết, chưa khi nào thấy nguồn tiền dễ dàng rời khỏi ngân hàng mà lại còn “đi” nhanh đến thế.

Được giao phụ trách một nhóm khách “VIP” nên Trang khá nhàn ở khía cạnh khai thác khách hàng. Lượng khách hàng cao cấp này có dòng tiền ra - vào thường xuyên, nhưng về cơ bản có nguồn tiền nhàn rỗi tương đối lớn và ổn định. Nhưng khoảng 1 năm trở lại đây, trước ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, dòng tiền từ nhiều khách "VIP" có sự thay đổi không nhỏ, ngày càng theo hướng rút ra nhiều hơn gửi vào.

Gần đây, một khách hàng thông báo sẽ rút 15 tỷ đồng. Khách hàng chia sẻ, lãi suất ngân hàng thấp quá, trong khi có mối quan hệ với một công ty chứng khoán nên cùng một người bạn chuyển tiền sang tài khoản chứng khoán để đầu tư cổ phiếu.

Biết được suy nghĩ của khách “VIP”, Trang giới thiệu vị khách này mua trái phiếu doanh nghiệp do Ngân hàng bảo lãnh với lãi suất kỳ hạn 3 tháng là 5%/năm, hấp dẫn hơn nhiều so với lãi suất huy động 3,4%/năm cùng kỳ hạn của Ngân hàng, nhưng nhận được lời từ chối. Trang gợi ý khách hàng mua trái phiếu của công ty chứng khoán trong hệ sinh thái của Ngân hàng với lãi suất 7%/năm cho kỳ hạn 3 tháng, nhưng vị khách cho hay, công ty chứng khoán nơi anh mở tài khoản có gói đầu tư trái phiếu với lãi suất cao gấp đôi.

Trang cho biết thêm, trong bối cảnh giãn cách xã hội nhằm phòng chống dịch Covid-19, có những khách hàng phải tạm ngừng kinh doanh nên gửi tiết kiệm hàng chục tỷ đồng, nhưng sẵn sàng thế chấp sổ tiết kiệm, vay lại tiền ngân hàng để đầu tư chứng khoán. Một bộ phận khách hàng khác gửi tiết kiệm được một thời gian nhưng yêu cầu tất toán trước hạn do cơ hội đầu tư ở “phía bên kia” hấp dẫn hơn.

Do dịch Covid-19, có những khách hàng phải tạm ngừng kinh doanh nên gửi tiết kiệm hàng chục tỷ đồng, nhưng sẵn sàng rút ra, hoặc thế chấp sổ tiết kiệm, vay lại tiền ngân hàng để đầu tư chứng khoán.

Hỏi về giải pháp của ngân hàng trước tình trạng khách hàng lớn rút tiền, Trang nói: “Nếu là tình trạng này trước kia thì ngay lập tức ngân hàng sẽ có giải pháp nhằm níu kéo khách hàng. Nhưng hiện tại, nguồn huy động nhìn chung vẫn ổn, trong khi cho vay rất khó khăn, điều này có nghĩa ngân hàng phải gánh phần chi phí cho nguồn vốn dôi dư. Do đó, ngân hàng chấp nhận để khách hàng ra đi”.

Tương tự, giám đốc chi nhánh Ngân hàng S ở phố Trung Kính, Hà Nội chia sẻ: “Hiện giờ, cán bộ, nhân viên chủ yếu giải quyết các thủ tục hành chính liên quan đến hỗ trợ doanh nghiệp. Thỉnh thoảng có khách hàng đến tất toán sổ tiết kiệm, đa số chuyển sang đầu tư chứng khoán, chứ không phải rút từ ngân hàng này chuyển sang ngân hàng khác nhằm hưởng lãi suất cao hơn như trước đây”.

Tiền rẻ

Trong năm 2020, Ngân hàng Nhà nước đã có 3 lần giảm lãi suất tái cấp vốn (tổng cộng 2 điểm phần trăm) và giảm lãi suất huy động với kỳ hạn dưới 6 tháng (từ 0,6 - 1,0 điểm phần trăm/năm), đồng thời giảm trần lãi suất cho vay các lĩnh vực ưu tiên 1,5 điểm phần trăm/năm. Động thái này nhằm mục tiêu duy trì môi trường lãi suất thấp để hỗ trợ các doanh nghiệp trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19.

Theo Tổng cục Thống kê, 8 tháng đầu năm 2021, cả nước có 81.600 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký gần 1.133.400 tỷ đồng, tổng số lao động đăng ký 598.900 người, giảm 8% về số doanh nghiệp, giảm 7,5% về vốn đăng ký và giảm 13,8% về số lao động so với cùng kỳ năm ngoái.

Cũng trong 8 tháng đầu năm nay, 85.500 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể và hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 24,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, 43.200 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 25,9%; 30.100 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng 24,5%; 12.200 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 17,8% so với cùng kỳ. Trung bình mỗi tháng có gần 10.700 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.

“Những số liệu trên lý giải phần nào cho quyết định duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng của Ngân hàng Nhà nước trong nửa đầu năm 2021 nhằm tạo thuận lợi cho khu vực kinh tế thực. Theo đó, Ngân hàng Nhà nước giữ lãi suất tái cấp vốn ở mức 4%/năm và khuyến khích các ngân hàng thương mại cho vay mới với lãi suất thấp hơn, hoặc tái cơ cấu các khoản vay đã có, miễn, giảm lãi, phí và giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng do dịch Covid-19”, TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế nói.

Theo số liệu của Ngân hàng Thế giới, tăng trưởng tín dụng tăng tốc trong nửa đầu năm 2021 từ mức 10 - 12% trong tháng 12/2020 lên trên 15% cuối tháng 7/2021. Đồng thời, thanh khoản vẫn dồi dào trong hệ thống tài chính khi tổng tiền gửi tăng lên 16,4% trong tháng 4/2021, từ mức 14,0% trong tháng 12/2020. Tuy nhiên, điểm quan ngại là tốc độ tăng tổng tiền gửi đã giảm từ tháng 5/2021 do những bất định về đại dịch tăng lên.

Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội tháng 8 và 8 tháng đầu năm 2021 của Cục Thống kê TP.HCM cho biết, tổng vốn huy động của toàn hệ thống ngân hàng trên địa bàn TP.HCM tính đến ngày 1/8/2021 đạt 3.029.250 tỷ đồng, tăng 0,7% so với đầu tháng 7 và tăng 14,2% so với cùng kỳ năm 2020; tổng dư nợ tín dụng đạt 2.681.490 tỷ đồng, tăng 0,2% so với 1 tháng trước và tăng 13,1% so với 1 năm trước.

Tại Hà Nội, Cục Thống kê TP. Hà Nội cho biết, tính đến cuối tháng 8/2021, tổng nguồn vốn huy động của các tổ chức tín dụng trên địa bàn ước đạt 4.099.000 tỷ đồng, tăng 3,6% so với tháng 7 và tăng 9,2% so với cuối năm 2020. Trong khi đó, tổng dư nợ tín dụng trên địa bàn đạt 2.386.000 tỷ đồng, tăng 1% so với cuối tháng 7 và tăng 8,3% so với cuối năm 2020.

“Thanh khoản toàn hệ thống hiện nay chưa gặp vấn đề gì. Minh chứng là mặt bằng lãi suất liên ngân hàng tuần từ ngày 23/8 đến 27/8 tiếp tục giảm và dừng lại ở mức 6 - 11 điểm cơ bản, kết tuần ở 0,75%/năm cho kỳ hạn qua đêm và 0,90%/năm cho kỳ hạn 1 tuần. Như vậy, mặt bằng lãi suất liên ngân hàng đã giảm khoảng 15 điểm cơ bản trong tháng 8, trong bối cảnh thanh khoản hệ thống dồi dào nhờ nguồn cung VND từ hợp đồng bán ngoại tệ. Tuy nhiên, với đà huy động vẫn diễn biến như hiện nay và dự báo nền kinh tế sẽ khởi sắc trong quý cuối năm do chương trình tiêm vắc-xin Covid-19 được đẩy mạnh tạo ra miễn dịch cộng đồng thì đây thực sự là điều cần cảnh báo”, tổng giám đốc một ngân hàng thương mại cổ phần có hội sở tại TP. Hồ Chí Minh nói.

Trang chia sẻ, cô có lẽ đang làm việc bao đồng khi lo lắng khách hàng của mình đầu tư trái phiếu với lãi suất cao sẽ chịu nhiều rủi ro, nhưng cũng không thể giữ khách hàng gửi tiền tiết kiệm tại ngân hàng.

“Ngân hàng không có chính sách tặng thêm lãi suất cho khách hàng gửi tiết kiệm, nếu có chỉ là cho khoản tiền gửi online và mức tăng không đáng kể, thậm chí quà tặng cho những dịp đặc biệt như Trung thu, 20/10 sắp tới… cũng không có chủ trương gì. Yếu tố tiền rẻ như hiện tại là điểm mấu chốt khiến dòng tiền chảy khỏi ngân hàng”, Trang nhận xét.

Theo tinnhanhchungkhoan.vn

infonet