Bé trai 7 tuổi ở Hà Nội được bố mẹ đưa đi thăm khám sau một tháng xuất hiện triệu chứng rối loạn tiêu hoá. Trước khi đến Bệnh viện Đặng Văn Ngữ thuộc Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương, gia đình từng đưa con đi thăm khám một vài bệnh viện nhưng không ra bệnh.
Bé trai ăn kém, bắt đầu sụt cân, đi thăm khám lần thứ 3 thì được giới thiệu đến Bệnh viện Đặng Văn Ngữ để xét nghiệm ký sinh trùng. Qua các xét nghiệm phát hiện có trứng sán dây chuột, hay còn gọi là sán dây lùn trong phân của trẻ.
“Bệnh nhân được chẩn đoán mắc sán dây chuột”, đại diện Bệnh viện Đặng Văn Ngữ nói và cho biết, bệnh nhi được chỉ định nằm viện điều trị một tuần, sau đó về điều trị ngoại trú, tái khám sau một tháng.
Bệnh sán dây chuột có từ lâu, bất kỳ ai cũng có thể bị nhiễm và mắc bệnh. Trên thế giới khoảng 20 triệu người mắc bệnh này. Sán dây chuột phổ biến tại các quốc gia ôn đới, thường gặp nhất ở người sống ở khu vực có điều kiện vệ sinh kém và người sống trong môi trường tập trung. Bệnh phổ biến hơn ở các vùng nghèo đói và điều kiện vệ sinh kém, đặc biệt là khi có mặt bọ chét.
Tại Việt Nam phát hiện nhiều trường hợp trẻ em bị nhiễm sán. Bệnh diễn biến âm thầm nên thường bị bỏ qua. Hàng năm vài bệnh nhân khám tại Bệnh viện Đặng Văn Ngữ tình cờ phát hiện có trứng sán dây chuột trong phân.
Người mắc sán dây chuột do nuốt phải trứng sán lẫn trong các loại thực phẩm, nước uống. Nguyên nhân có thể bàn tay nhiễm trứng sán hoặc ấu trùng chưa trưởng thành trong các loại động vật gặm nhấm như chuột, động vật chân đốt như gián hoặc mọt cám. Người mắc bệnh chưa điều trị cũng là nguồn lây bệnh.
Khi bị nhiễm nguồn lây, bệnh thường diễn tiến âm thầm. Tuy nhiên có trường hợp nhiễm số lượng sán nhiều, người bệnh có thể xuất hiện các triệu chứng mệt mỏi, chán ăn, sút cân, đau đầu, ngứa vùng thân dưới.
Khi nuốt phải trứng sán, hoặc ăn phải thực phẩm nhiễm sán dây nhỏ, mầm bệnh vào dạ dày, khu trú và gây bệnh ở nhung mao của ruột non, hồi tràng. Chúng phá vỡ nhung mao ruột gây các triệu chứng về đường tiêu hóa như đau bụng thượng vị, quanh rốn, gây chán ăn, mệt mỏi, gầy sút cân, ngứa vùng thân dưới. Đôi khi bệnh nhân có dấu hiệu thần kinh như mất ngủ, chóng mặt, co giật.
Để phát hiện và chẩn đoán xác định đúng bệnh sán dây nhỏ cần các xét nghiệm chuyên môn sâu như tìm trứng sán đặc hiệu trong phân, hoặc nội soi tìm con sán trưởng thành.
Để phòng sán dây chuột chúng ta cần tuyên truyền giáo dục sức khỏe về nguyên nhân, tác hại, đường lây truyền và cách phòng chống bệnh.
Bố mẹ cần rửa tay bằng nước ấm sau khi đi vệ sinh, thay tã và trước khi chuẩn bị thức ăn cho trẻ. Đồng thời các gia đình dạy trẻ tầm quan trọng của việc rửa tay để ngăn ngừa nhiễm trùng.
Mỗi người khi đi du lịch đến các quốc gia có nguy cơ ô nhiễm thực phẩm cao hơn, hãy rửa, gọt vỏ hoặc nấu tất cả rau và trái cây sống bằng nước an toàn (nước khử trùng, chẳng hạn như nước đóng chai, nước đun sôi hoặc nước lọc) trước khi ăn.