Triển lãm “Sắc màu di sản văn hóa, thiên nhiên và sản phẩm thủ công truyền thống Việt Nam” và “Hội thi sản phẩm thủ công mỹ nghệ Việt Nam năm 2024” do Bộ Văn hoá - Thể thao và Du lịch phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức là hoạt động văn hóa chào mừng Ngày Di sản hoá Việt Nam (23/11).
Sự kiện nhằm giới thiệu, quảng bá, tôn vinh những di sản văn hóa, thiên nhiên, các di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh và sản phẩm du lịch đặc sắc của đất nước con người Việt Nam. Đồng thời, khẳng định tiềm năng phát triển văn hóa, du lịch giữa các địa phương trong cả nước, tạo động lực thu hút mạnh mẽ các nguồn lực phát triển du lịch, nâng cao vị thế hình ảnh đất nước, con người Việt Nam.
Cụ thể, triển lãm “Sắc màu di sản văn hóa, thiên nhiên và sản phẩm thủ công truyền thống Việt Nam” sẽ diễn ra từ ngày 22-26/11 tại tỉnh Nghệ An. Triển lãm bao gồm các hoạt động: trưng bày những tư liệu giới thiệu “Di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh Việt Nam”, đặc trưng di sản văn hóa các dân tộc Việt Nam; giới thiệu những bài thơ của Bác Hồ trên Sen thư pháp và không gian văn hóa trà Việt tại Nhà trưng bày Trung tâm Văn hóa tỉnh Nghệ An.
Cùng đó, trình diễn nghệ thuật điêu khắc ánh sáng hình ảnh Làng Sen quê Bác; triển lãm “Áo dài Việt Nam” tại Bảo tàng Nghệ An; tổ chức không gian trưng bày không gian “Sắc màu di sản văn hóa, thiên nhiên và sản phẩm thủ công truyền thống”, không gian sắc màu “Di sản văn hóa, thiên nhiên và sản phẩm thủ công truyền thống” của 25 tỉnh thành trên cả nước…
“Hội thi sản phẩm thủ công mỹ nghệ Việt Nam năm 2024” diễn ra từ ngày 28/10 đến 1/11. Ban Tổ chức tiếp nhận sản phẩm dự thi tại Trung tâm Triển lãm văn hóa nghệ thuật Việt Nam (số 2 Hoa Lư, phường Lê Đại Hành, quận Hai Bà Trưng, TP Hà Nội).
Phát biểu tại gặp mặt báo chí về “Hội thi sản phẩm thủ công mỹ nghệ Việt Nam năm 2024” sáng ngày 9/10, ông Lê Đức Thịnh – Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và phát triển nông thôn (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) nhấn mạnh, hội thi nhằm tôn vinh, khơi dậy và khuyến khích các tác giả phát huy ý tưởng sáng tạo nhằm tạo ra các sản phẩm thủ công mỹ nghệ mới, đáp ứng được các tiêu chí về phát triển bền vững trong thời kỳ hội nhập quốc tế.
“Hội thi tạo môi trường giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, kiến thức về sản xuất, kinh doanh các mặt hàng thủ công mỹ nghệ. Qua đó, góp phần vào giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc của các nghề truyền thống, làng nghề, làng nghề truyền thống; kết nối các doanh nghiệp với các làng nghề truyền thống để thúc đẩy tiêu thụ, nâng cao giá trị sản phẩm và cải thiện thu nhập cho người lao động”, ông Thịnh nói.
Các sản phẩm đạt giải và các tác phẩm tiêu biểu của hội thi sẽ được trưng bày tại triển lãm "Sắc màu di sản văn hóa, thiên nhiên và sản phẩm thủ công truyền thống Việt Nam".