Tháng 11-2021, hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp dần phục hồi, giúp kim ngạch xuất khẩu tăng 18,5%, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 5,6% so với cùng kỳ năm 2020. Trong ảnh: Sản xuất cửa nhôm tại Công ty cổ phần Eurowindow (huyện Mê Linh). Ảnh: Nguyễn Quang

Những con số tích cực

Theo Tổng cục Thống kê, đăng ký thành lập doanh nghiệp mới trong tháng 11-2021 đã có nhiều tín hiệu tích cực. Đã có 11.902 doanh nghiệp gia nhập thị trường với số vốn đăng ký 149.861 tỷ đồng, tăng 44,6% về số doanh nghiệp, tăng 38% về số vốn so với tháng 10-2021 và cũng là tháng có số lượng doanh nghiệp gia nhập thị trường cao nhất kể từ tháng 4-2021 - thời điểm làn sóng dịch Covid-19 bùng phát lần thứ tư ở nước ta.

Những địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh cũng có sự phục hồi ấn tượng. Trong đó, thành phố Hồ Chí Minh có 3.355 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, tăng 85,4% so với tháng 10-2021. Hà Nội có 2.305 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới trong tháng 11-2021, tăng 23,1% so với tháng 10-2021. Ngoài ra, tháng 11-2021, cả nước có 4.958 doanh nghiệp trở lại hoạt động, cao nhất kể từ tháng 4 năm nay. Kết quả này cho thấy sự phục hồi mạnh mẽ của hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Bên cạnh đó, “sức khỏe” của doanh nghiệp cũng được phản ánh qua các con số tích cực, như kim ngạch xuất khẩu đạt gần 30 tỷ USD trong tháng 11, tăng 18,5% so với cùng kỳ năm 2020. Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 11-2021 tăng 5,5% so với tháng 10-2021 và tăng 5,6% so với cùng kỳ năm 2020.

Theo Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung An (thành phố Cần Thơ) Phạm Thái Bình, đơn vị vừa trúng thầu xuất khẩu 15.000 tấn gạo sang Hàn Quốc và đang “chạy đua” với thời gian để gia tăng xuất khẩu. Còn Giám đốc Công ty TNHH Điện tử DLG Ansen (thành phố Hồ Chí Minh) Đặng Công Bình cho biết, hiện hoạt động của doanh nghiệp đã trở lại bình thường; công nhân đang tăng ca để bảo đảm tiến độ sản xuất, giao hàng dịp cuối năm cho các đối tác châu Âu, Mỹ. Trong khi đó, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam Đỗ Xuân Lập thông tin, tốc độ phục hồi của ngành khá nhanh, khi giá trị xuất khẩu đồ gỗ đang tăng mạnh.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, qua phản ánh của các hiệp hội, doanh nghiệp, các chính sách và giải pháp tháo gỡ khó khăn đã góp phần giúp doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh. Đơn cử, tỉnh Đồng Nai đã có 97% doanh nghiệp đang hoạt động với 85% tổng số lao động làm việc. Tại thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Bình Dương, 96% doanh nghiệp trong các khu công nghiệp đã trở lại hoạt động.

Trong ngành điện tử, dệt may, công suất hoạt động đạt 80-90% so với trước đây. Đối với lĩnh vực hàng không, trong tháng 11-2021, các hãng hàng không có thể khôi phục được 90% các đường bay nội địa. Các doanh nghiệp du lịch, nhà hàng, khách sạn cũng đang chuẩn bị điều kiện để sẵn sàng trở lại hoạt động trong trạng thái “bình thường mới”.

Đóng gói sản phẩm gạo xuất khẩu tại nhà máy của Công ty cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung An (thành phố Cần Thơ). Ảnh: Vũ Sinh

Chủ động giải quyết khó khăn, vướng mắc

Tuy nhiên, những gì cộng đồng doanh nghiệp đạt được mới chỉ là bước đầu trong quá trình phục hồi. Theo nhận định của Hiệp hội Da giày, túi xách Việt Nam, các doanh nghiệp vẫn đối diện một số thách thức lớn, như: Chưa khắc phục hết tình trạng đứt gãy liên kết cung - cầu, tăng giá nguyên vật liệu... Tương tự, Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam Nguyễn Quốc Hiệp thông tin, nhiều đơn vị xây dựng đang cố gắng “lấy ngắn nuôi dài” khi giá nguyên liệu xây dựng tăng cao, khiến doanh nghiệp thua lỗ.

Chia sẻ về giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, Trưởng ban Nghiên cứu môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh (Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư) Nguyễn Minh Thảo cho rằng, cần tận dụng tối đa dư địa cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính để hỗ trợ doanh nghiệp. Đặc biệt, cần rà soát thường xuyên, kịp thời xóa bỏ tình trạng chồng chéo, mâu thuẫn trong các quy định có thể gây ảnh hưởng đến sự ra đời, vận hành, phát triển của doanh nghiệp.

Trong khi đó, Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Thị Hương nhấn mạnh, giải pháp căn cơ và quan trọng hàng đầu vẫn là duy trì hiệu quả công tác phòng, chống dịch Covid-19; tạo tiền đề để hỗ trợ doanh nghiệp bảo đảm trạng thái “bình thường mới”. Các doanh nghiệp cũng cần tranh thủ tối đa cơ hội xuất khẩu hàng hóa sang các thị trường đã ký hiệp định thương mại tự do thế hệ mới để bù đắp cho giai đoạn trầm lắng vừa qua.

Ở góc độ địa phương, theo Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội Lê Văn Quân, Hà Nội sẽ tiếp tục tập trung hỗ trợ doanh nghiệp một cách sâu sát, với tinh thần sẻ chia, thường xuyên nắm bắt tình hình, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp phục hồi, phát triển.

Chuyên gia kinh tế Lê Huy Khôi (Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách công thương - Bộ Công Thương) cho rằng, vấn đề quan trọng là bảo đảm hội nhập song song với tiến trình “mở cửa” của thế giới; không bỏ lỡ cơ hội mở rộng xuất khẩu, tăng cường kết hợp khai thác tốt thị trường nội địa.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, khó khăn lớn nhất của doanh nghiệp hiện nay là thiếu hụt trầm trọng lao động, áp lực duy trì đơn hàng cuối năm, thiếu vốn để sản xuất, kinh doanh. Trên cơ sở đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành chủ động rà soát, xem xét giải quyết khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp theo thẩm quyền được giao.

HỒNG SƠN